Chuyển dây chuyền Iphone từ Trung Quốc về Mỹ: Sẽ tạo làn sóng rút khỏi Bắc Kinh?

23/11/2016 - 14:10

PNO - Về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những tính toán mới nhằm ràng buộc cũng như khiến các nước khác phụ thuộc vào mình nhiều hơn.

Mới đây, Nikkei dẫn nguồn tin nội bộ cho biết, đối tác chính của Apple là Foxconn đang nghiên cứu khả năng chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone từ phía Trung Quốc sang Mỹ.

Đây được đánh giá là một trong những hành động “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, bởi hiện đa số các công ty phần cứng của Mỹ đều thuê lắp ráp sản phẩm tại châu Á, nhất là Trung Quốc.

Toan tính đầy thận trọng của Mỹ và Apple

Bày tỏ quan điểm trước khả năng này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, thời gian qua đã có không ít các doanh nghiệp Mỹ tự động rút công nghệ, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi ông Donald Trump trở thành Tân Tổng thống của Mỹ thì xu hướng này sẽ nhiều hơn.

Vị chuyên gia đánh giá, đây là một toan tính có cơ sở và đầy thận trọng của Apple. "Mỹ cũng như Apple tính toán như vậy dựa trên cơ sở công nghệ mới hết. Tức là cuộc công nghiệp lần thứ 4 này sẽ tạo điều kiện cho họ làm được như vậy. Ở đây họ sẽ nâng cao tự động hóa, đưa công nghệ thông tin công nghệ điện tử được đưa vào rất mạnh trong mọi khâu của sản phẩm sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn", PGS Nguyễn Văn Nam nhận định.

Chuyen day chuyen Iphone tu Trung Quoc ve My: Se tao lan song rut khoi Bac Kinh?
Apple sẽ phải tính toán trong phương án. Ảnh: Internet

PGS Nam phân tích: “Tất nhiên chuyện giá cả có thể đội lên cao, phía Apple phải tính trong phương án. Họ phải tính toán có lãi thì mới làm. Apple là nhà kinh doanh giỏi thì phải tính hết những yếu tố đó. Trên nền tảng công nghệ mới, quản lý hiện đại, thiết bị công nghệ cao nhưng họ phải tính toán giá thành để có thể cạnh tranh được".

Vị chuyên gia cũng lấy ví dụ về trường hợp Motorola từng thử đưa nhà máy sản xuất smartphone về Mỹ nhưng thất bại toàn diện và buộc phải đóng cửa nhà máy đó vào năm 2014 do chi phí quá cao. Và những doanh nghiệp thất bại như Motorola là bài học quý giá cho những doanh nghiệp khác, trong đó có Apple.

Theo vị chuyên gia, đây là ý tưởng của ông Donal Trump. Mỹ không dại gì đầu tư tại Trung Quốc vào thời điểm này vì công nghệ mới có thể dễ dàng bị đánh cắp, không còn nhiều giá trị. Nếu như các công nghệ, dây chuyền của nước này được chuyển giao cho các nước khác thì Mỹ sẽ trở thành nước thất nghiệp nhiều.

Theo PGS.TS Nam, để thực hiện giấc mơ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cần phải có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp cũng như Chính phủ trong việc tạo ra chính sách thuận lợi, khuyến khích các tập đoàn thực hiện chuyển giao dây chuyền công nghệ về nước.

Tuy nhiên, việc này không diễn ra ồ ạt mà cả 1 quá trình 5-10 năm mới hình thành. Hiện nay vẫn còn những công nghệ cũ, lạc hậu mà Hoa Kỳ chưa thể chuyển thành công nghệ hiện đại hết được nên sẽ phải tiếp tục đặt ở nước ngoài. Chắc chắn Mỹ không thể vội vàng khi họ chưa có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, PGS Nam đánh giá.

Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản

Vị chuyên gia nhận định rằng, trước ý định chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone sang Mỹ, chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách để ngăn cản, tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại phân tích cụ thể: “Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp nhắm vào chính trị, chính sách với Mỹ. Tuy nhiên biện pháp đó chỉ có tác dụng ngắn hạn và tức thời, không thể kéo dài được. Khi đàm phán, họ phải tìm cách hạn chế những việc đó nhằm duy trì tổng kim ngạch giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ lấy những mặt hàng hiện nay Trung Quốc đang thắng thế để làm con bài mặc cả với Mỹ.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh kinh tế thì cả 2 bên đều sẽ là người chịu thiệt hại.

Về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những tính toán mới nhằm ràng buộc cũng như khiến các nước khác phụ thuộc vào mình nhiều hơn.

Điều này sẽ được Trung Quốc thực hiện thông qua việc đẩy mạnh mua bán, sát nhập các doanh nghiệp tại nước ngoài như Mỹ, EU. Khi đó, nước này sẽ tiếp cận được công nghệ hiện đại, tiến tới việc sẽ không sản xuất tại Trung Quốc mà sản xuất ngay tại các nước. 

"Đây là chiến lược Trung Quốc đã làm nhiều rồi và có thể gia tăng trong thời gian tới", PGS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng công nghệ cũ thì Mỹ sẽ bỏ nước này và sang các nước kém phát triển như Indonesia và Việt Nam. Vì lao động ở đây rẻ hơn cả Trung Quốc.

Một vấn đề khác vị chuyên gia cũng lưu ý, đó là có thể xảy ra làn sóng các nước rút khỏi Trung Quốc sau quyết định từ phía Mỹ.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước không tốt. Các nước đều nhìn nhận Trung Quốc không phải là nước lựa chọn con đường trỗi dậy một cách hòa bình, họ trỗi dậy theo kiểu siêu cường, bá quyền trong các lĩnh vực từ biển đảo cho đến các hoạt động kinh tế", PGS Nguyễn Văn Nam nhận định thêm.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI