Chuyện đạo diễn Quốc Tuấn bị mắng là 'Chí Phèo': Từng lớp sự thật

09/10/2017 - 06:13

PNO - Chuyện 'hậu sự' của VFS (Hãng phim truyện Việt Nam) quả thật càng ngày càng ly kỳ, theo chiều hướng không phải của điện ảnh, mà là của kẻ chợ.

Dư luận lại sôi lên khi có thông tin cho rằng ông chủ mới của VFS - Nguyễn Thủy Nguyên - mắng nghệ sĩ là “Chí Phèo”, là “khóc như mưa, đi đâu cũng khóc”, thậm chí trù úm nghệ sĩ “treo cổ tự tử”. Những câu nói ấy buộc chúng ta phải nghĩ đến những lớp sự thật đằng sau nó, bởi ai cũng hiểu, một nửa sự thật không bao giờ là sự thật.

Chuyen dao dien Quoc Tuan bi mang la 'Chi Pheo': Tung lop su that

Những món “đồng nát” của VFS được đạo diễn Nguyễn Đức Việt giữ lại như những giá trị về một thời rực rỡ của hãng phim

Nếu sự thật là ông Nguyễn Thủy Nguyên không xúc phạm nghệ sĩ bằng những câu nói chợ búa kia thì sao nhỉ? Câu hỏi này chỉ là giả thuyết chứ không phải khẳng định. Chúng ta chưa được nghe tận tai những câu rủa xả, nhục mạ nọ, nên chúng ta không thể khẳng định nó là sự thật. Và giả như tồn tại một sự thật rằng chính các nghệ sĩ dựng lên câu chuyện đó với báo giới để giành phần ưu thế trong cuộc "đại chiến" với ông Nguyễn Thủy Nguyên, chúng ta có thể thấy sợ hãi đến mức nào?

Cái bần tiện nhất của xã hội đã len lỏi vào cả thánh đường thiêng liêng của nghệ thuật nếu như người ta dùng các chiêu trò “bẩn thỉu” để đấu đá nhau, chỉ vì cái quyền lợi riêng núp dưới bóng lá cờ vì cái chung.

Chốn showbiz, những chiêu trò chọc gậy bánh xe, vu khống, hạ uy tín đối thủ là chuyện rất bình thường. Trong khi đó, ở VFS, việc gần chục đạo diễn bao nhiêu năm nay chẳng làm được mấy bộ phim đáng giá nhưng vẫn ăn lương đều đều (dù đúng là mức lương ấy chẳng thể sống nổi) và thường xuyên đi “đánh lẻ” bên ngoài là một sự thật. Chúng ta có thể thông cảm cho họ. Đời sống mà!

Sự thật là một đạo diễn, nhận mức lương dăm ba triệu ở VFS, buộc phải làm thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống. Sự thật cũng từng là VFS chẳng đủ vốn đầu tư cho tất cả các ý tưởng tốt của tất cả các đạo diễn họ có trong tay. Sự thật cũng từng xảy ra là đã có những giám đốc VFS phân nhiệm vụ làm phim cho những đạo diễn cánh hẩu với mình thay vì phân theo năng lực và phong cách phù hợp.

Chuyen dao dien Quoc Tuan bi mang la 'Chi Pheo': Tung lop su that

Nhưng cũng có một sự thực là những đạo diễn, nghệ sĩ phải lăn ra ngoài kiếm sống đã không có đủ dũng khí của người nghệ sĩ thực thụ - dũng khí dứt bỏ một con tàu không cho họ cơ hội sống và làm nghề. Thay vào đó, họ bám lấy con tàu đắm ấy, chỉ để vớt vát những gì chắc ai cũng hiểu.

Nhưng dù chúng ta chưa nghe tận tai điều ông Nguyễn Thủy Nguyên nói thì điều đó cũng không thể phủ nhận rằng có một khả năng tồn tại một lớp sự thật khác. Lớp sự thật ấy trái ngược với giả thuyết về lớp sự thật được viết ra ở đoạn trên. Đó chính là khả năng ông Nguyễn Thủy Nguyên có xúc phạm nghệ sĩ.

Đã đến lúc cần chấm dứt cái gọi là nghệ sĩ - công chức cũng như đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật rằng nhiều kẻ lắm tiền ở Việt Nam hôm nay không hề giàu có về văn hóa, tri thức.

Phải nói thật với nhau rằng, xem các video đối thoại căng thẳng ở VFS (vẫn còn đang lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội), nhìn diện mạo, nhân tướng, cách nói của ông Nguyễn Thủy Nguyên và nhìn vào diện mạo, nhân tướng, lối đặt vấn đề của các nghệ sĩ VFS mà điển hình là đạo diễn, diễn viên Quốc Tuấn, chúng ta tin vào lớp sự thật này hơn, tức là chúng ta tin rằng chính ông Nguyễn Thủy Nguyên đã nhục mạ nghệ sĩ chứ không phải các nghệ sĩ “hay khóc” và dựng lên câu chuyện đó trên truyền thông.

Một người từng dám khẳng định rằng việc một đạo diễn vì tiếc đạo cụ bị đem bán đồng nát mà đòi lại và lau chùi sạch sẽ để mang lên chất vấn ban giám đốc là hành vi “ăn cắp” thì người ấy cũng đủ độ “bà già” để phun những lời độc địa như báo chí đã nêu về phía nghệ sĩ Quốc Tuấn lắm chứ!

Chuyen dao dien Quoc Tuan bi mang la 'Chi Pheo': Tung lop su that
Nói về việc mình bị mắng là "Chí Phèo", đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng chính phát ngôn này đã phản ánh trình độ văn hoá của ông Thuỷ Nguyên

Hơn nữa, nghệ sĩ Quốc Tuấn, suốt một đời hoạt động chưa từng có scandal hay đấu đá gièm pha đồng nghiệp nào, đủ độ tin cậy hơn một cá nhân đang bị đặt dấu hỏi về động cơ đầu tư vào một hãng phim khi sau lưng ông ta là cả một sự nghiệp dính đến bất động sản, trong khi cái mà hãng phim đang có nhiều nhất trong tay cũng chính là bất động sản.

Nếu lớp sự thật này là 100% sự thật, chúng ta có quyền đặt câu hỏi thẳng thắn với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rằng lý do nào thuyết phục họ chấp nhận một con phe đầu tư vào một hãng phim để rồi con phe ấy chà đạp nhân phẩm của những nghệ sĩ đáng được tôn trọng? Từ câu hỏi đó, chắc chắn sẽ có nhiều lớp sự thật trần trụi được phơi bày ra nếu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch né tránh câu trả lời và buộc lòng cơ quan điều tra phải mở ra một chuyên án.

Giữa hai giả thuyết về hai lớp sự thật kể trên (mà trong đó, tôi tin vào giả thuyết thứ hai hơn), có một sự thật khác, không cần đặt làm giả thuyết: khi những kẻ lắm tiền nhưng ít tri thức và văn hóa len chân đầu tư vào những môi trường như giáo dục, nghệ thuật; chúng sẽ tạo ra những sản phẩm, giá trị dị dạng khiến xã hội phải gánh chịu hậu quả khôn lường. 

Tứ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI