Chuyện dài về văn hóa ứng xử với di tích

18/11/2024 - 13:26

PNO - Việc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phải làm rào chắn, đặt khuyến cáo du khách không leo trèo, xâm phạm hiện vật một lần nữa cho thấy văn hóa ứng xử kém của một bộ phận công chúng.

Từ đầu tháng Mười một, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở cửa miễn phí, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan. Nhiều người dành sự quan tâm đến bảo tàng là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, kèm theo đó lại là những hình ảnh/hành vi phản cảm của một số người: giẫm đạp, làm đổ vỡ, hư hại hiện vật; leo trèo, viết, vẽ, sờ mó, ký tên lên hiện vật/di tích; băng qua đường cấm, trèo lên nóc bảo tàng để quay phim, chụp ảnh...

Hình ảnh được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đăng tải để khuyến cáo du khách không lặp lại hành vi tương tự  - Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Hình ảnh được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đăng tải để khuyến cáo du khách không lặp lại hành vi tương tự - Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Hiện bảo tàng đã phải giăng dây, dựng biển cảnh báo khắp khu vực trưng bày, đồng thời phân công lực lượng phân luồng, hướng dẫn du khách tham quan nhằm bảo vệ hiện vật. Trang fanpage của bảo tàng phải lên tiếng: “Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là nơi trưng bày những hiện vật vô giá về lịch sử của dân tộc ta, bao gồm nhiều bảo vật quốc gia và khí tài quân sự có giá trị. Vì thế, ý thức của mỗi người cũng sẽ góp phần gìn giữ cho những thế hệ tiếp nối mai sau”.

Ứng xử với di tích/hiện vật là câu chuyện của nhận thức, là chủ đề thường xuyên được đề cập trong nhiều cuộc tọa đàm về di sản văn hóa cũng như trên truyền thông. Việc làm hư hại hay viết, vẽ bậy, làm bẩn/ô uế di tích còn là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Thế nhưng, những hình ảnh ứng xử phản cảm với di tích/hiện vật vẫn thường xuyên diễn ra ở khắp nơi. Gần đây nhất là việc người nổi tiếng đứng trên nóc nhà di sản ở Hội An để chụp hình. Trước đó là vách đá Hang Bua (di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ở Nghệ An) bị bôi bẩn với những dòng chữ/hình vẽ khắc chằng chịt.

Tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích/cảnh quan văn hóa đã diễn ra suốt nhiều năm qua: từ cột cờ “nóc nhà Đông Dương” Fansipan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đại nội Huế, nhà thờ Đức Bà (TPHCM)… xuất hiện cả ở nước ngoài. Dòng chữ khắc tên người Việt trên phiến đá di tích thành cổ Yonago (thuộc tỉnh Tottori, Nhật Bản) và chữ “bò nướng - Việt Nam” ở một khu vui chơi giải trí khác từng bị người dân nước sở tại lên án gay gắt.

Điều đáng nói, đối tượng thực hiện những hành vi thiếu ý thức này chủ yếu là người trẻ. Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, có cả trẻ em vô tư leo trèo trong sự cổ vũ của người lớn (!).

“Không sờ vào hiện vật” là dòng chữ quy định rất phổ biến, luôn được đặt tại các bảo tàng, song vẫn luôn có một số người sờ mó, leo trèo chụp ảnh bất chấp. Khi người lớn còn hành xử kém ý thức thì làm sao giáo dục cho trẻ thơ? Bên cạnh việc cần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, việc ứng xử đúng với di tích/hiện vật/cảnh quan rất cần nhận thức có văn hóa của người dân.

Song Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI