Chuyện dài chưa kể về ca khúc Giáng sinh được yêu thích nhất mọi thời đại

17/12/2017 - 07:45

PNO - Mặc dù không giành được vị trí cao nhất tại các bảng xếp hạng mùa Giáng sinh năm ấy nhưng Last Christmas về sau đã trở thành một báu vật không thể thiếu của mùa lễ hội.

Tháng 12/1984 chứng kiến một cuộc đua cho vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các ca khúc giáng sinh giữa Do They Know It’s Christmas? của Band Aid và Last Christmas của Wham!. Phải thừa nhận một điều rằng, cuộc đua này không quá gay gắt khi George Michael – thành viên nhóm Wham!, tác giả của ca khúc Last Christmas lại góp giọng trong ca khúc Do They Know It’s Christmas?

Tuy nhiên, sự bão hòa của các đĩa đơn Giáng sinh năm ấy đã dẫn tới một kết quả đáng buồn: chiến thắng của Band Aid đồng nghĩa với việc Last Christmas - một trong những ca khúc giáng sinh được yêu thích nhất – sẽ chẳng bao giờ chạm đến vị trí đầu bảng.

Ca khúc Giáng sinh nổi tiếng Last Christmas:

Tuy nhiên, những năm gần đây, Last Christmas lại trở nên thịnh hành một cách lạ lùng với 3,7 triệu bản được bán ra cùng vô số lần được cover (thể hiện lại) bởi những hậu bối tên tuổi, từ Cascada, Taylor Swift, Whigfield, Ashley Tisdale đến Ariana Grande hay Good Charlotte. 

Cho đến nay, đây vẫn là đĩa đơn bán chạy nhất nhưng không bao giờ đạt vị trí số 1 trong các bảng xếp hạng âm nhạc tại xứ sương mù. Nhưng năm nay, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của cha đẻ Last Christmas, có thể kì tích sẽ xuất hiện khi những người yêu mến ca khúc này sẽ tìm cách “trả lại công bằng” cho nó.

Đặc thù của các ca khúc giáng sinh mà những ca khúc bình thường không thể nào có được chính là một khi đã thành công thì nó có thể mang lại danh tiếng lẫn tiền đồ cho nhạc sĩ, ca sĩ thể hiện và Wham! là một điển hình như thế.

Mark Ellen – nhà biên tập bảng xếp hạng Smash Hits tại thời kì đỉnh cao của Wham! cho biết nhiều nhà báo về âm nhạc tỏ ra “ghét Wham! và xem họ như những kẻ ăn may từ nền kinh tế đang bùng nổ”. Và có một điều ít ai biết: Last Christmas là một sản phẩm tự sản xuất.

Ca khúc được thu âm vào tháng 8/1984 tại Advision Studios – một phòng thu khá cũ kĩ tại London lúc bấy giờ. Đầu năm đó, Michael đã giành quyền kiểm soát Wham! cùng lúc sự nghiệp solo đang phát triển từ một hợp đồng thu âm. Ông cũng đã bắt đầu xây dựng hình ảnh bản thân theo hướng một người làm nghệ thuật nghiêm túc hơn trước đây. 

Chàng thanh niên 21 tuổi năm ấy đã viết, sản xuất, trình diễn và thậm chí chơi nhạc cụ cho ca khúc của mình. Sau khi loại bỏ dần những khâu rườm rà không cần thiết của quá trình thu âm bao gồm sự góp mặt của nhà sản xuất âm nhạc, nhà quản lý, giám đốc điều hành của công ty ghi âm và thậm chí cả Andrew Ridgeley – một thành viên của Wham!, những người duy nhất được phép vào phòng thu ca khúc Last Christmas là kỹ sư của Michael, Chris Porter, và hai người trợ lý, mặc dù số lần vào phòng thu của hai người này không quá một bàn tay. Chris Porter vẫn còn nhớ cảm giác “khao khát muốn chơi nhạc ngựa kéo xe trượt tuyết (sleigh bells)”, nhưng không thể vì hoàn toàn phụ thuộc vào Michael.

Chuyen dai chua ke ve ca khuc Giang sinh duoc yeu thich nhat moi thoi dai
Người mẫu Kathy Hill (phải) từng trải lòng về cảnh uống trong MV Last Christmas: “Tôi thường không uống quá một chén, nhưng khi thực hiện cảnh quay tại bàn ăn, mọi thứ chợt trở nên ngớ ngẩn thế đấy”.

Porter bắt đầu làm việc với nhóm kể từ lúc họ sản xuất đĩa đơn đầu tay Wham Rap! (Enjoy What You Do) – một ca khúc hip hop khá lạ tai - và nhớ rằng cả hai đã vào phòng thu với… chiếc quần short trên người. “Lúc ấy, tôi chẳng hy vọng gì vào họ, trông họ có vẻ ngây ngô” – Porter nói. Tuy nhiên, không lâu sau đó, ông bắt đầu chú ý đến tài năng tiềm ẩn của Michael. 

Porter kể: “Anh ấy không ngại phản đối những ông lớn trong lĩnh vực thu âm. Anh ấy nhận thức được sức mạnh của sự sáng tạo cũng như tiềm lực của mình trong kinh doanh”.

Hạt giống cho đội ngũ sản xuất một người của Michael được gieo khi anh và Porter trở về sau khi thu âm cho album thứ hai của Wham! Make It Big ở miền Nam nước Pháp. Đặt lịch tại một phòng thu ở Paris, cả hai mới nhận ra họ đã thu âm ca khúc Everything She Wants mà không có một nhà sản xuất hay ban nhạc nào cả. “Theo tôi, đó cũng là khi George bắt đầu nhận ra rằng, nếu muốn, anh ấy có thể làm bất kì điều gì. Anh ấy có thể cắt giảm những người này và cả ý tưởng của họ” – Porter chia sẻ.

Sau đó, khi thu âm Last Christmas, họ đã phải suy xét lại những gì mình đang làm. Chỉ có một chiếc trống LinnDrum, một chiếc đàn Roland Juno-60 và những chiếc chuông nhạc ngựa trượt tuyết, Porter và Michael bắt đầu thu âm một ca khúc Giáng sinh… ngay giữa mùa hè, trong một phòng thu đã được trang trí bằng dây giấy và đèn Giáng sinh. 

Việc này đòi hỏi sự nhẫn nại nhiều hơn tư duy đầu óc. “George không phải là nhạc sĩ. Anh ấy không hề được đào tạo về các nhạc cụ”. Tuy nhiên, anh vẫn khăng khăng đòi tự làm mọi thứ. Porter nói: “Mất kha khá thời gian, bởi anh ấy chỉ chơi đàn bằng hai hoặc ba ngón tay”.

Chuyen dai chua ke ve ca khuc Giang sinh duoc yeu thich nhat moi thoi dai
“Andrew chẳng sợ gì cả” – Ridgeley (phải) của Wham! chia sẻ trên chương trình The Tube.

Một yếu tố làm nên sự thành công của ca khúc Giáng sinh  nằm ở tính “trên trời dưới đất” của ca khúc. Nhạc nền đơn giản, gợi cảm giác đều đều. Ellen nhận xét: “Đây là một trong những ca khúc hiếm có khi sử dụng một giai điệu và hợp âm cho cả phần lời chính lẫn đoạn điệp khúc, và không có phần chuyển tiếp giữa bài (bridge), nhưng giai điệu vẫn đủ mạnh để làm nên một ca khúc hay".

Về phía Porter, ông cho biết: “Một trong những điều thực sự thông minh của George là anh muốn mọi người tập trung vào giọng hát của anh chứ không phải bằng sáng tác. Vì thế, lĩnh vực âm nhạc thường rất khốc liệt. lại tạo một nền tảng rất đơn giản nhưng nêu bật được chất giọng cùng giai điệu”.

Đơn giản là thế nhưng Michael vẫn cố gắng tạo nên giai điệu độc đáo cho ca khúc. Theo Porter, thông thường, khi ở trong phòng thu, các nhạc sĩ sẽ sử dụng các tài liệu tham khảo âm nhạc khác nhưng Michael không bao giờ làm vậy. Thật không may, Last Christmas mang giai điệu khá giống với một số bài hát khác như Joanna của Kool & the Gang (1983) hay Can't Smile Without You của Barry Manilow. Từ đó, Barry Manilow đã kiện Wham! ra tòa. Tuy nhiên, vụ kiện đã thất bại khi một nhà nghiên cứu âm nhạc đưa ra 60 ca khúc khác được sáng tác trong thế kỷ 20 cũng mang chuỗi âm và giai điệu tương tự.

Xét về mặt ca từ, Last Christmas lại không hề đơn giản chút nào. Đó là một ca khúc với phần lời cực kỳ tinh vi, rải rác với các tín hiệu mập mờ và những sự bất hợp lý làm nên một ca khúc pop ăn khách. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ nhận ra giữa giai điệu và lời bài hát có một sự đối lập khi giai điệu mang hơi hướng tích cực, hạnh phúc nhưng phần lời lại viết về một tình yêu không được đáp lại. 

Chuyen dai chua ke ve ca khuc Giang sinh duoc yeu thich nhat moi thoi dai
Bìa đĩa đơn Last Christmas của nhóm Wham!

Ở phần điệp khúc, cứ ngỡ như nhân vật chính đã bước sang trang mới bằng cách “cứu bản thân khỏi những giọt nước mắt khi trao trái tim cho một người đặc biệt”, nhưng khi xét nội dung của toàn bài, có thể thấy rõ sự trách móc người yêu cũ khi đã khiến con tim anh ta tan nát sau chia tay.  

Nhưng Last Christmas không chỉ phản ánh những lời nói dối mà mỗi chúng ta thường tự huyễn hoặc bản thân khi bị từ chối, mà còn là về sự bất nhất của bản thân khi đứng trước thứ tình yêu ám ảnh. Vào cuối câu đầu tiên, Michael đã cho thấy sự “ba phải” của bản thân khi biết rằng “anh là một kẻ ngốc, nhưng nếu giờ đây em lại hôn anh lần nữa, anh biết mình sẽ lại ngu muội một lần nữa thôi”. Đây chỉ là một chi tiết trong toàn bộ bài hát đầy “rối rắm” nhưng đã phản ánh rõ cách thách thức đã “đội lốt” hy vọng như thế nào, cũng như việc tình yêu và ham muốn có thể khiến chúng ta dễ dàng tha thứ cho một ai đó ra sao.  

Cũng như nhiều ban nhạc khác, Wham! cũng phải đối mặt với việc thể hiện nhiều cá tính âm nhạc trong sự nghiệp của mình, bao gồm những ca khúc pop vui nhộn như Wake Me Up Before You Go-Go, Club Tropicana bên cạnh những bản ballad trầm buồn. Ca khúc Nothing Looks the Same in the Light trong album đầu tay Fantastic thuộc thể loại thứ hai và dường như là kẻ tiền nhiệm ưu tú nhất của Last Christmas. Nhưng dường như có một mô-típ luôn xuất hiện trong các ca khúc của Wham! – một nỗi ám ảnh với thứ tình yêu lạnh lùng – bất kể tiết tấu ra sao. Chẳng hạn như ca khúc I'm Your Man rải rác với những dấu hiệu về việc làm sai trái và bí mật qua câu hát “Em à, những người bạn của em không cần phải biết đâu!”.

Theo cách nhìn nhận sau, công chúng có thể ngầm hiểu những chi tiết xoay quanh sự vượt khỏi giới hạn hay từ chối trong những ca khúc của Wham! có mối liên hệ mật thiết đến chuyện Michael công khai mình là người đồng tính sau đó. 

Chuyen dai chua ke ve ca khuc Giang sinh duoc yeu thich nhat moi thoi dai
George Michael trong đợt quảng bá cho ca khúc Last Christmas

Dù cho điều này có rõ đến nhường nào thì MV Last Christmas chắc chắn được lấy cảm hứng từ cuộc sống song song của Michael – một cuộc sống bình thường như bao người và một cuộc sống bí mật, nơi người tình sẽ rời bỏ anh khi mặt trời lên – thông qua cảnh kì nghỉ Giáng sinh rộn ràng, vui vẻ đan xen với những hoài niệm khôn nguôi về mối tình trong quá khứ. 

Chính Simon Napier-Bell - quản lý của Wham! lúc ấy - cho biết, bài hát này luôn được Michael xem như một phần của “bộ sậu Giáng sinh” bên cạnh một đoạn video ghi lại cảnh tuyết rơi và Wham! chơi Wembley vào đêm Giáng sinh. Mặc dù ý định quay MV cho ca khúc được nhóm ấp ủ ngay từ đầu nhưng việc thực hiện vào phút chót. Với yêu cầu tạo ra “một phiên bản Giáng sinh của Tropicana Club” từ Michael, đạo diễn Andrew Morahan đã phải lùng sục khắp châu Âu để tìm ra bối cảnh phù hợp cho MV.

Cuối cùng, vào cuối tháng 11, nhóm Wham! cùng bạn bè và người thân của họ đã bay tới một khu nghỉ mát ở Thụy Sĩ có tên Saas-Fee, cùng người mẫu Kathy Hill - người trong vai cô bạn gái cũ của nam chính. Hill hồi tưởng về những ngày thực hiện MV: “Tôi thường không uống quá một chén, nhưng trong cảnh quay ở bàn ăn, mọi thứ chợt trở nên thật ngớ ngẩn”. 

Ngoài ra, Hill còn khá thân thiết với Michael trên trường quay. “Lúc ấy, tôi đang hẹn hò với nhà soạn nhạc Vangelis và George tỏ ra rất hứng thú với âm nhạc của bạn trai tôi, vì thế anh ấy luôn hỏi tôi về điều đó" – Hill nói.

Người mẫu cũng không thể quên cách Michael liên tục làm cho cô cười. “Anh ấy rất có khiếu hài hước. Trong một cảnh quay chúng tôi đi trên đồi và mỗi khi chúng tôi bước lên, anh ấy lại ngã xuống và tôi lại cười rũ cả người. Sau đó, chúng tôi cùng lăn lộn trên tuyết, thậm chí anh ấy còn ngồi trên người tôi nữa, khiến tôi cười ngặt nghẽo. Đó thật sự là quãng thời gian tuyệt vời”.

Tuy nhiên, giống như những gì anh thể hiện trong quá trình ghi âm, Hill cũng có cảm giác rằng càng về sau, Michael càng nghiêm túc hơn. Hill kể rằng Michael không uống nhiều như những người khác trong đoàn và thường rất nghiêm túc khi kiểm tra lại các cảnh quay. Đây cũng là lúc Wham! bắt đầu sụp đổ và Michael đã lên kế hoạch cho sự nghiệp solo.

Chuyen dai chua ke ve ca khuc Giang sinh duoc yeu thich nhat moi thoi dai

Last Christmas được Michael chắp bút ngay trong phòng ngủ thời thơ ấu của mình - căn phòng mà anh cùng Andrew Ridgeley – nửa còn lại của Wham! - từng dành hàng giờ đồng hồ để thu âm các chương trình radio. Tuy cùng thuộc một ban nhạc nhưng Ridgeley hầu như không có mối liên kết với bài hát, nhưng anh vẫn là một phần quan trọng của thương hiệu Wham!.

“Nếu không có Andrew, tôi nghĩ rằng George sẽ không thể có được sự tự tin để làm những gì anh ấy muốn. Andrew không hề sợ hãi bất kì điều gì, không quá quan tâm về việc mình có thuộc hàng top của nền nhạc pop hay không, thường tự cười bản thân mình” – Porter cho biết.

Ngay cả trong thời hoàng kim của Wham!, Michael vẫn cảm thấy không thoải mái với cuộc sống của một ngôi sao nhạc pop, đặc biệt là khi đứng trước ống kính. MV Last Christmas đã chứng kiến sự bất an trong Michael bùng phát. Sau khi quay, Hill đã trò chuyện với Jazz Summers - một quản lý khác của Wham! và nghe người này bộc bạch rằng anh rất lo lắng vì “mọi người sẽ chẳng biết chuyện gì đã xảy ra” sau khi Michael “buộc Jazz phải cắt rất nhiều cảnh vì anh ta không thích gương mặt mình ở góc quay ấy”. 

Ngay sau khi đóng máy, Michael bắt tay vào thu âm ca khúc Do They Know It’s Christmas? và gia nhập hàng ngũ những ngôi sao của thập niên 80 cùng với Sting, Tony Hadley, Bono, Boy George và Phil Collins.

Mặc dù không giành được vị trí cao nhất tại các bảng xếp hạng mùa Giáng sinh năm ấy nhưng Last Christmas về sau đã trở thành một báu vật không thể thiếu của mùa lễ hội, một thứ mang lại không khí thuần chất Giáng sinh cổ điển theo một cách khá phức tạp mà đĩa đơn của Band Aid không thể nào làm được, dù là với tất cả khả năng và cả sự nâng đỡ của truyền thông.

Ryan Luu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI