Chuyện của đôi vợ chồng “điên”

30/05/2016 - 14:36

PNO - Chúng ta chừng nào còn sống phải giúp đỡ lẫn nhau. Anh giúp tôi, tôi giúp người khác, người khác lại giúp người khác nữa, cứ thế cho đến vô cùng.

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không thể mang nổi. Bởi thế chúng ta chừng nào còn sống phải giúp đỡ lẫn nhau. Anh giúp tôi, tôi giúp người khác, người khác lại giúp người khác nữa, cứ thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của mỗi người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống” (NODAR DUMBATZE).

1. Ông giám đốc Bùi Văn Thu xuất hiện trước mắt tôi với chiếc áo thun xỉn màu, ống quần xắn tới gối. Trò chuyện giữa chừng, ông bỏ mặc khách, tất tả chạy đi đóng các cánh cửa. Trời tối sầm, báo hiệu cơn mưa lớn ập về. Bà Trần Thị Tươi - vợ ông, đồng thời là trợ lý giám đốc cũng xắn vội tay áo, chạy gom mớ đồ phơi ngoài sân. Họ, từ cung cách, ăn mặc đến lời lẽ, là nông dân chính hiệu. Chức vụ không làm mất đi dáng vẻ bình dị, mộc mạc, chân chất của họ.

Đi kinh tế mới, vợ chồng ông Thu chọn xã Bình Thạnh, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng dừng chân. Năm 2005, khi các con đã yên bề gia thất; nhàn rỗi, vợ chồng ông thường tham gia các chuyến từ thiện do địa phương tổ chức. Duyên nợ để hai nông dân một bước “lên đời” thành giám đốc, cũng từ ấy.

Ông Thu hồi tưởng: “Tôi theo đoàn từ thiện do bác sĩ Nguyễn Quang Hưng (Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM) về Đam Rông khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Trong lúc phụ việc, tôi nhìn ra xa, thấy một cái chuồng, đinh ninh bà con nuôi giữ thú rừng nên tò mò đến xem. Tôi đứng như trời trồng. Trước tôi là một thanh niên trần truồng, gầy gò, tóc tai phủ mặt ngước nhìn tôi bằng ánh mắt vô hồn, tay chân bị xiềng xích”. Ông quay mặt bật khóc sau cuộc chạm mặt với Chu Ru - tên người thanh niên ấy. Tìm hiểu, ông chết lặng khi biết Chu Ru điên loạn đã 10 năm, hung dữ, buộc phải cách ly cộng đồng.

Đêm ấy ông về nhà, nằm gác tay. Vợ ông - người đàn bà kiệm lời, hiền lành bật khóc khi nghe chồng kể lại. Trời chưa hửng sáng, họ rủ nhau rời nhà, chạy xe máy vượt hơn 100 cây số lên Đam Rông, xin phép gia đình được mở xiềng đưa Chu Ru đi tắm. “Nghĩ lại còn run! Bà con đến xem, thay phiên kể lại Chu Ru hung dữ thế nào. Chúng tôi phải vừa giúp Chu Ru vừa cảnh giác. Nhưng có lẽ đó là cái duyên, Chu Ru rất hiền, cứ im lặng nghe theo” - bà Tươi bồi hồi.

Chuyen cua doi vo chong “dien”
Ông Thu bà Tươi bên Chu Ru

Ý định được nuôi dưỡng Chu Ru khởi phát, đôi vợ chồng tốt bụng cuối cùng cũng hoàn tất các thủ tục bảo lãnh chàng trai về với mình. Vài viên thuốc an thần, những cử chỉ xoa lưng, vuốt tóc, rồi tập Chu Ru nhìn vào một món đồ… sau vài tuần, người thanh niên điên loạn được tháo xích. Anh hiền lành, quẩn quanh trong nhà. Nghe tin, ba tháng sau, một người từ Đà Lạt đến thuyết phục vợ chồng ông Thu nhận nuôi đứa con trai đã ba năm chịu cảnh “biệt giam”. Người đàn ông tiều tụy, đau khổ quỳ thụp: “Con tôi đấy mà chẳng phải con tôi. Lúc tỉnh táo, nó rưng rưng “Ba, con bất hiếu làm khổ ba”. Tôi mừng quá, nhào đến ôm thì nó bất ngờ bê nguyên tô cơm ụp lên đầu tôi, thích thú bật cười”. Xót xa, vợ chồng ông Thu nhắm mắt, gật đầu chia gánh nặng.

Tiếng thét của người điên trong ngôi nhà ấy vọng một góc trời, đến tai chính quyền, đôi vợ chồng tốt bụng bị xử phạt tội “nuôi giữ người trái phép”, buộc phải chấm dứt. Suốt một năm trời họ vừa chịu cảnh đóng phạt vừa xoay xở “giấy phép”. Khoảng thời gian này, lời đồn “mát tay” khiến nhiều người tìm đến, xin vợ chồng ông nuôi giúp “đứa con giờ chẳng phải con mình”. Niềm tin vào mối duyên kỳ diệu, nỗi thấu cảm cho các gia đình, khắc khoải trước phận người… thôi thúc vợ chồng ông cược một phen liều lĩnh. Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức ra đời, đôi vợ chồng nông dân thiện lương nghiễm nhiên thành “nhà quản lý”.

Chuyen cua doi vo chong “dien”
Ông Thu chăm sóc các bệnh nhân trong bữa cơm

“Trầy trật lắm!” - ông Thu trầm ngâm. Muốn thành lập cơ sở chăm sóc người tâm thần, vợ chồng ông phải đáp ứng các tiêu chí: có tài khoản ngân hàng, có bác sĩ trị liệu, có cơ sở khang trang… Phụ huynh của các bệnh nhân chung tay giúp một tài khoản, bác sĩ thì hợp đồng; riêng cơ sở hạ tầng, vợ chồng ông thống nhất phá tan mấy héc-ta cà phê, xin thêm đất của các con xây dựng. Năm 2008, cơ sở ra đời với hai trại nam và nữ cách biệt.

“Người bệnh tâm thần”, “kẻ điên” là phiếm danh người ta chuyển sang cho vợ chồng ông. Bà Tươi cười hiền: “Chứ đang yên đang lành, có của ăn của để, chúng tôi “phá sản” đến mức mỗi 3g sáng là lọ mọ đánh xe đến các vườn rau hỏi xin mớ rau thừa; vận động dăm ba ký gạo trong xóm làng rồi tùy hôm mà cơm cháo nuôi nhau”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI