Cũng đôi mắt ấy, đến cuối buổi trình diễn âm nhạc dân tộc, lại sáng quắc khi ông quay sang thầm thì: “Chú hạnh phúc lắm chứ không phải hạnh phúc vừa”. Giọng ông vừa chắc nịch vừa giục giã, đôi mắt lóng lánh, ươn ướt soi hình cả bộ cồng chiêng lủng lẳng giữa hai thân cây to.
“Vướng nợ” cổ truyền
Quan sát A Biu (nghệ nhân ưu tú (NNƯT) người dân tộc Ba Na, ngụ xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nói về các nhạc cụ mới thấy người đàn ông Ba Na này như “vướng nợ” với những dáng nét cổ truyền của dân tộc xứ sở.
|
Nghệ nhân ưu tú A Biu say sưa trong giai điệu cồng chiêng |
A Biu vốn là một thầy giáo. Nhưng chính mái nhà chúng tôi đang ngồi, từ cái thời còn tạm bợ đã “dung dưỡng” cho A Biu ý muốn theo đuổi nghệ thuật dân tộc Tây Nguyên. Năm 2003, vợ chồng A Biu còn sống gần rẫy. Lúc quyết “làm cái gì đó để được sống với nghệ thuật dân tộc”, ông mạnh dạn đổi 50 bao lúa để mua đất, mộng ước làm một không gian giao lưu văn hóa cồng chiêng. Ông hình dung chỗ đặt đàn t’rưng, cồng, chiêng… và dáng vẻ của những nghệ nhân xứ mình khi… nhập cuộc.
Đó là một cuộc biểu diễu nhạc cụ Tây Nguyên trước một đoàn khách du lịch nào đó, nghệ nhân là những người trong cái làng nhỏ ở Ngọc Bay - là ông mơ tưởng vậy. Nhưng, vốn liếng không đủ để hiện thực hóa giấc mơ.
A Biu khởi sự bằng việc mua những cây cao về trồng trong khuôn viên đất. Ông cất công đi đặt từng cây gỗ, “dặn trước để dành chừng nào đủ thì làm nhà sàn”, ở đó sẽ trở thành không gian cho cuộc truyền trao văn hóa mà ông mơ. Đó là những ngày đầu của A Biu Homestay - không gian nghệ thuật cổ truyền sinh động mà bây giờ người ta được thấy khi ngang làng Plei Klech.
Cái nhà sàn giờ đã nổi tiếng cùng đoàn nghệ thuật của NNƯT A Biu. Mấy cây cao được trồng thuở ấy, giờ là nơi treo những nhạc cụ truyền thống như cái nếp muôn đời của những già làng trưởng bản mà A Biu ngưỡng vọng từ nhỏ. Từ thuở ban đầu ấy đến bây giờ, là không biết bao chuyến A Biu xuôi ngược để quy tụ cho bằng được từng món đồ truyền thống để làm tiểu cảnh. Những “hiện vật” ấy là nhà rông, đàn t’rưng, mặt nạ người, chiêng tre (chiêng gốc của các dân tộc ở Tây Nguyên), chiêng đồng, cây nêu, và cả những chiếc cối giã gạo chứa đầy huyền thoại trong lõi cây tròn lõm, nhẵn thín của nó.
Nhưng, duyên nợ với nghệ thuật cổ truyền bắt đầu từ lâu. Hơn nửa thế kỷ trước, ba của A Biu là một người làm ngành y nhưng đam mê chiêng, thường giữ chân đánh nhịp trong một dàn cồng chiêng. Những lúc ba đi vắng, ông thường đem chiêng ra tập đánh. Nhẩm theo những bài chiêng của anh trai hát, A Biu thuở nhỏ đã thuộc đến 10 bài, rồi 20 bài.
Nhớ chuyến xe đò cả nhà từ Gia Lai về Kon Tum lập nghiệp, không biết cuộc sống mới sẽ ra sao, nhưng thấy có nhiều bộ chiêng theo cùng là lòng A Biu thấy ấm áp, bình an. Những lần các anh bị làng phạt, phải đền ché đền chiêng, A Biu đau như bị cắt ruột. Sau này thuộc nhiều bài, nhưng không có chiêng để đánh, phải đi mượn, thầy giáo A Biu ấp ủ ước mơ sưu tầm, lưu giữ những bộ chiêng quý báu cho riêng mình.
Gia đình như đã được phân vai: ông đòi mua, còn bà luôn cản. Bởi bà quá ám ảnh cái đói, lại phải dành tiền cho các con ăn học phương xa. Có lần, đợi bà đi vắng, A Biu lén bán con bò lấy tiền mua bộ chiêng ưng ý. Lúa, mì chưa vào vụ, ông đã “ủ mưu” rước bộ cồng chiêng về. Ông đi khắp Tây Nguyên để sưu tầm, kể cả “nằm vùng” hơn tuần ở Gia Lai mua cho bằng được Klang Brông (cánh đại bàng) thuộc “tứ đại kỳ chiêng” với uy lực vang xa khó bộ nào sánh nổi. Hiện ông sở hữu 11 bộ chiêng, gồm ba bộ chiêng vô giá là chiêng Lào, Bom Pat và Klang Brông.
Những bữa tiệc của xa xưa
Ngoài 60 tuổi, mái tóc dài “tiêu ít muối nhiều” và hàm răng chỉ còn “hai cái bản quyền” như ông tự trào, NNƯT A Biu vẫn được bao người mê. Tiếng gõ của A Biu quy tụ về quanh đây tiếng chim phí kêu sương, tiếng thác đổ ầm trên bãi đá, tiếng gầm gào của mưa bão đại ngàn, tiếng khúc khích cười của sơn nữ trong ánh mắt say tình của trai làng… Cùng với ánh lửa trại bập bùng, cùng với những vòng múa xoang duyên dáng, khoan thai, cồng chiêng thu cả hồn Tây Nguyên trong bữa tiệc tâm hồn.
|
Ánh lửa trại bập bùng, vòng múa xoang nhịp nhàng của du khách và cả nhà tại Homestay A Biu |
Ngôi nhà của A Biu đã trở thành một trong những điểm dừng chân được người yêu văn hóa trong, ngoài nước ghé đến mỗi lần ngang Kon Tum. Đoàn nghệ thuật do ông quy tụ cũng trở thành một hạt nhân lưu giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc biệt của Tây Nguyên, thường xuyên góp mặt trong các lễ hội văn hóa. Nhưng điều khiến A Biu có uy tín hơn cả trong giới làm nghệ thuật cổ truyền Tây Nguyên, chính là khả năng kiểm định và chỉnh chiêng bậc thầy. Đó là một kỹ thuật khá khó.
Cồng chiêng để lâu hoặc do di chuyển, tiếng sẽ bị phô, lạc tông, nên phải dùng búa chuyên dụng để gò nắn, trả lại âm thanh nguyên thủy. Với những chiêng rách, chiêng thủng, còn phải gò hàn, chắp nối lại. Kỹ thuật này đòi hỏi kinh nghiệm và thẩm âm cực nhạy, nên các bậc thầy chỉnh chiêng ngày nay rất hiếm. Họ được ví von là “bà mụ đỡ đẻ” cho cồng chiêng, chuyên bóc tách, giải cứu tiếng kêu khỏi chết lịm trong khối đồng lặng thầm, để cồng chiêng lại ngân vang tiếng trong trẻo hay rền buồn vốn dĩ.
Chạy đua với tuổi bóng xế của mình, NNƯT A Biu miệt mài dạy cồng chiêng ở trường phổ thông, dạy biểu diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng cho các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là trường đại học Tây Nguyên.
Đoàn cồng chiêng, múa xoang A Biu quy tụ được cả nhà mình với con trai, con dâu, cháu nội… Trước đây, bà Y Hyal cũng múa xoang, nhưng dần dà lui về bếp để chăm chút món cơm lam gà nướng cho cả đoàn và khách du lịch đến với Homestay A Biu có thêm hương vị của làng.
Mồ côi từ sớm, A Biu từng tựa vào những sử thi, vào những bài cồng chiêng như một di sản của cha mà chọn đường ngay lối thẳng và gượng đứng dậy mỗi khi vấp ngã. Và ông mải miết kể, hát cho người trẻ nghe. Ông thấy trong nghệ thuật chiêng có tính giáo huấn đạo đức rất cao, đấu tranh trực diện vào thói hư tật xấu. Ông say sưa hát bài có nội dung chế giễu một ông lấy tẩu thuốc mà chưa chịu trả lại cho cố chủ, hay anh trai làng lười biếng vào rừng ngủ, về nhà lại lén cắp con gà khiến mẹ anh xấu hổ. Và ông cũng chế cho mình những lời chiêng tự răn, tự đánh thức. Tuy chưa thành bài bản nhưng đủ níu giữ, gột nên A Biu hôm nay tươi vui và tận hiến...
Đoàn khách ghé vườn, lúi húi rửa mặt nơi “nước giọt Bà Tiên” ở cổng, men theo lối đi trải gạch, rồi rẽ phải. A Biu ngồi lối đó, đôi mắt sâu hoắm dõi theo, long lanh, mượt mềm như dòng sông Đăk Bla ngày đêm rót ngọt lành vào lòng thành phố.
Tô Diệu Hiền