edf40wrjww2tblPage:Content
Nam có gian phòng riêng thường phải khóa trái cửa
1.
Mùi ẩm mốc xộc lên từ ngổn ngang giấy báo, bọc ni lông, lon, chai nhựa… khi tôi bước vào căn hộ của ông Bê. Ông bảo, đó là thành quả của một tuần ông nhặt nhạnh, đang đợi người đến gom mua. Nhà hiếm khi có khách. Thấy tôi, anh thanh niên đang co ro trên giường bất chợt vùng bật dậy, chạy ra ngoài rồi rất nhanh, anh “tót” lên lan can ngồi… cười. “Nó là Nam - thằng em. Còn Bắc - thằng anh thì treo cổ chết ở kia!”, giọng ông Bê khô khốc, vừa nói vừa chỉ tay vào góc bếp tối om. Tôi bất giác rùng mình, nín thở nhìn vào mắt ông Bê - đôi mắt già nua, đục ngầu, chất chứa bao nỗi niềm mà có lần ông bảo “mắt mờ rồi, sợ bị mù nên không khóc nữa! Vì mù thì ai lo cho con”.
Năm 1975, chỉ sau vài tháng kết hôn, vợ ông Bê là bà Hào bỗng buồn vui bất chợt. Bà sống thu mình, khép kín với chung quanh, lại hay cười vô cớ, nói những câu vô nghĩa. Ông Bê đưa đi khám, ngỡ ngàng nhận tin bà mắc chứng tâm thần phân liệt, bệnh phát theo từng đợt. Một năm sau, bà sinh cậu con trai, đặt tên Bắc. Ba năm sau, Nam chào đời. Lập gia đình ở độ tuổi muộn màng, hai đứa con mang đến cho ông Bê nhiều niềm vui lẫn kỳ vọng. Để rồi nỗi thất vọng, hụt hẫng dần xâm chiếm khi ông phát hiện các con lớn lên, có biểu hiện giống mẹ: ngu ngơ, thích ru rú trong nhà, nói cười một mình và không chịu giao tiếp. Bệnh của Nam nặng hơn, có lúc không kiểm soát được, Nam còn đuổi đánh người trong nhà. Sợ Nam quấy phá xóm giềng, ông Bê gửi con vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) chữa trị. Còn Bắc, có những khi không phát bệnh, anh xin đi phụ hồ, học sửa xe.
Ông Bê làm bảo vệ ở Văn phòng thường trực phía Nam Bộ Giao thông vận tải. Do vợ bệnh nhẹ, ông xin cho bà vào làm lao công, song công việc của bà Hào vẫn hay bị gián đoạn. Đôi lúc đang làm, thấy người lạ, bà rúc vào cầu thang đầy sợ sệt. Sống ở chung cư nhưng mặc cảm bệnh tật, gia đình ông Bê ít giao thiệp với chung quanh. Ngày vợ chồng cùng nghỉ hưu, họ vẫn duy trì nếp sống khép kín. 5 năm trước, khi Nam còn điều trị ở bệnh viện, một bữa ông Bê đưa vợ ra ngoài, lúc trở về thấy Bắc đã treo cổ tự sát. Bà Hào khóc thét khi bắt gặp hình ảnh của con trai. Ám ảnh cái chết ấy, bà bỗng phát bệnh nặng. Từ vết xước trên tay, do không muốn ai đụng vào, không chịu ai đến gần chăm sóc, vết thương của bà dần lở loét, thối rữa, nhiễm trùng huyết. Bà qua đời chỉ sau Bắc một năm. Nỗi đau chồng chất, giày xéo tâm hồn ông Bê. “Cảm giác cuộc đời đang lấy dần mọi thứ, tôi sống trong cô độc, đau buồn một thời gian thì được tin bệnh Nam thuyên giảm, có thể tái hòa nhập. Tôi mừng chảy nước mắt, thấy được an ủi nhiều, nên dặn lòng cố gắng sống vì con, lo cho con đến hơi thở cuối cùng” - người cha già móm mém kể.
Ông Bê và Nam
2.
Nam từ bệnh viện về, sống với cha không lâu thì nhận ra sự trống trải, vắng vẻ của gia đình. Anh thường hỏi ông Bê: “Mẹ đâu, anh đâu?”. Ông Bê không trả lời, Nam không hỏi nữa, nhưng thi thoảng thốt lên: “Nhớ mẹ, nhớ anh” rồi nước mắt chảy ròng. Bù đắp cho con, ông Bê cố chăm sóc con, có lúc ông chẳng khác đứa trẻ, chạy lăng xăng quanh Nam để làm trò cho con vui. Nhưng Nam vẫn không vui. Ủ rũ một thời gian, Nam bắt đầu cười nói ngu ngơ, ngờ nghệch trở lại. Nỗi khổ tâm, bất lực lại xâm chiếm người cha già. Thương con song sợ phiền lụy hàng xóm, ông Bê ngăn cho Nam một gian riêng để ở; những lúc phải đi vắng, ông đành khóa trái phòng con. May có bà Thịnh, người hàng xóm kế bên thấu hiểu nỗi khổ tâm của ông, thường xuyên qua an ủi. Bà Thịnh tiếp cận Nam, “dỗ” cho ăn, cho uống thuốc an thần. Như đứa trẻ quấn mẹ, Nam chỉ chịu uống thuốc khi có mặt bà Thịnh.
Nhiều chứng bệnh tuổi già “gõ cửa” khiến sức khỏe ông Bê ngày càng yếu. Nằm nhà mãi phát bệnh, lại canh cánh nỗi lo mình… qua đời, Nam sẽ ở với ai, ông Bê bắt đầu ra ngoài tập thể dục, có ngày ông đi bộ đến hơn mười cây số mới quay về. Ban đầu rảnh tay, ông Bê nhặt ve chai về bán. Rồi nhiều đêm ông nghĩ, cuộc sống của hai cha con không thể dựa vào đồng lương hưu ít ỏi. “Tôi trộm nghĩ đến lúc mình qua đời, thằng Nam sống bằng gì, ai lo cho nó? Tôi tính dành hết lương hưu để nó “có cái ở lại” sau này nên ngày nào cũng đi nhặt ve chai làm nguồn sống cho hai cha con” - ông Bê lý giải. Vậy là một công đôi việc, vừa giữ sức khỏe vừa kiếm thêm thu nhập. Mỗi sáng bắc nồi cơm cho con, ông Bê lại rong ruổi khắp các nẻo đường lượm ve chai. Chuyện ông Bê đi nhặt ve chai ít người thông cảm, thấu hiểu. Có người “nói ra”: “Ông Bê quá rỗi hơi, chứ nghèo khổ gì đâu!”. Thậm chí, bà L. - một hàng xóm cho biết: “Có người đánh tiếng mua lại căn hộ của ông ấy với giá hơn 100 cây vàng mà ổng đâu chịu bán. Nếu bán, cha con sẽ sống dư!”. Chỉ có bà Thịnh và ông Long - Tổ trưởng tổ dân phố là hết mực ủng hộ. Họ bảo thấy ông vui, bớt bất an, lo lắng. “Con trai tôi ở đây đã quen từng bậc thềm, lại quấn quýt hàng xóm. Nó bệnh tật vậy, biết có sống được ở nơi khác nếu chúng tôi bán nhà chuyển đi không” - ông Bê giải thích.
Ông Bê khoe nhặt được chiếc thùng còn dùng được
…Tôi đến thăm ông Bê nhiều lần, thường trở về với cảm giác nặng lòng bởi tuổi già đã thực sự ập xuống cuộc sống của ông vì có lúc ông hồ hởi nhận ra tôi, lúc gãi đầu bởi “thấy cô… quen quen!”. Nhưng trăm lần như một, ông Bê đều chỉ tay vào góc bếp, giọng khô khốc: “Thằng Bắc treo cổ tự tử ở kia!”. Tôi hiểu, sự mất mát ấy có lẽ quá sâu, khiến lòng ông không thôi đau đớn. Có lần, tôi vô duyên hỏi, ông nhớ mãi chi chuyện cũ; rồi tôi khen Nam hiền, khỏe mạnh, biết giúp đỡ chung quanh khi ai có việc nhờ. Gương mặt ông nhanh chóng dãn ra. Hệt một đứa trẻ, ông chỉ tay vào mớ phế liệu, khoe: “Bây giờ, cha con tôi mới thực sự “hòa nhập”. Tôi ra đường nhặt ve chai, gặp gỡ nhiều người rất vui. Nam cũng nhận được thiện cảm, sự yêu mến của nhiều người. Chuyện cũ, chỉ nhắc vậy thôi!”…
PHONG VÂN
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn