Chuyện cũ mở màn "Đối thoại văn hóa": Đầu xuôi, đuôi có lọt?

29/06/2020 - 07:30

PNO - Nghệ thuật truyền thống đang đứng trước một cuộc khủng hoảng toàn diện. Làm sao TPHCM hướng tới thành phố văn hóa, nhập cuộc thành phố tương lai, mà nội hàm bản sắc của đô thị này không được gìn giữ tiếp mạch, tái tạo và đơm hoa kết trái trong chính khát vọng và bề dày hơn 300 năm văn hóa của nó?

Cuộc khủng hoảng gần

Một câu chuyện cũ nhưng không hề cũ, được những gương mặt cũ “hâm nóng” trở lại trong chương trình “Đối thoại văn hóa” số đầu tiên - Giải pháp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TPHCM thành thành phố văn hóa - do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức - diễn ra vào chiều 27/6: đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và giáo dục khán giả tương lai. Nếu không để ý, chăm lo công tác đào tạo, giáo dục văn hóa trong nhà trường, vài năm nữa, TPHCM có nguy cơ khủng hoảng toàn diện về nghệ thuật truyền thống. 

Từ tháng 6/2020, TP.HCM sẽ tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông để lắng nghe,  trao đổi và tìm các giải pháp về các vấn đề văn hóa của thành phố
Từ tháng 6/2020, TPHCM sẽ tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông để lắng nghe, trao đổi và tìm các giải pháp về các vấn đề văn hóa của thành phố

Hát bội là một trong những loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của Việt Nam, song những năm qua, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM đang hoạt động trong tình trạng… cầm cự. Thay vì biểu diễn ở rạp, anh chị em nghệ sĩ ký hợp đồng biểu diễn ở đình, chùa, miếu và một số trường học là chủ yếu. Nhà hát thiếu lực lượng biểu diễn trầm trọng. Hiện, một diễn viên “cân” cả hai vai là chuyện hết sức bình thường. NSƯT Hữu Danh lo ngại: “Nếu không quan tâm tới việc đào tạo, tuyển sinh, e rằng, 5-10 năm tới, loại hình này cũng đứng trước cảnh tàn lụi”.

Soạn giả Hoàng Song Việt phát biểu về một thực trạng đáng buồn: thế hệ trẻ hiện đang quay lưng với giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh kể một ví dụ về việc nhiều bạn trẻ không phân biệt được đâu là đàn tranh, đâu là đàn T’rưng… Ông Song Việt đặt câu hỏi: Do đâu? Trong rất nhiều lý do, có cả lý do từ chính những người làm văn hóa.

Nhìn lại những năm 1980, thời kỳ “cực thịnh” của sân khấu cải lương Nam bộ, khi đó có tới 22 đơn vị nghệ thuật cải lương; nhưng lại cấm các em thiếu nhi dưới sáu tuổi vào rạp xem. Để giải quyết nhu cầu thưởng thức sân khấu của các em nhỏ, các đơn vị đã dựng những vở ngắn, phù hợp lứa tuổi, dành riêng cho các em như Nàng tiên gạo, Phù Đổng thiên vương… Tuy nhiên, sinh hoạt văn nghệ này chỉ diễn ra trong một thời gian rồi kết thúc. Lớp khán giả thiếu nhi kế tiếp cũng không được tiếp cận nghệ thuật cải lương. Sau đó, đất nước “vắt” qua đổi mới, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật - giải trí bên ngoài được du nhập vào, chúng ta mất hẳn một thế hệ trẻ của nghệ thuật truyền thống.

Trong những chương trình hành động mà Sở VH-TT trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật, lâu nay có chương trình sân khấu học đường, nhưng mới chỉ cho các em vui chơi là chính, chứ chưa biết cách nâng tầm nó lên đúng như nó vốn là. Sân khấu cho thiếu nhi đang được triển khai, nhưng cũng chưa có lực hút để tạo niềm yêu thích ở các em. Ta thiếu khán giả tương lai, thiếu cả những người có khả năng đem lại sự yêu thích ấy.

Trong khi đó, công tác đào tạo, tuyển sinh luôn gặp khó. Lý do lớn nhất lúc nào cũng là… cơ chế. (Lại cơ chế!). NSƯT Hữu Danh nhìn nhận, việc đề nghị được tuyển dụng vào đoàn phải có bằng cấp, khiến hát bội không có người kế thừa, vì không phụ huynh nào “dám” cho con học hết lớp 12 rồi đi theo hát bội. Mặc dù Sở VH-TT đã quan tâm, giúp đỡ rất nhiều; nhưng hiện nay, đây là ngành “tuyển không ra người”. 

Diễn viên hát bội đang thiếu hụt trầm trọng
Diễn viên hát bội đang thiếu hụt trầm trọng

Theo soạn giả Hoàng Song Việt, trong chuyện này, phải căn cứ vào đặc thù của mỗi loại hình nghệ thuật để xem… cơ chế “to” hơn, hay mục đích “to” hơn. Mục đích hiện nay của TPHCM là giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống - cũng là mục tiêu trong việc hướng tới thành phố văn hóa, được biểu hiện bằng chủ đề năm 2020 là “năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Từ đó, để có những biện pháp căn cơ, linh hoạt và phù hợp hơn trong việc tuyển sinh để các em có thể học nghề, ra nghề. 

Là người chủ trì chương trình số đầu tiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với những băn khoăn của các chuyên gia, nghệ sĩ… ở từng nội dung rất cụ thể. 

Về việc giáo dục thế hệ khán giả tương lai cho nghệ thuật truyền thống, ông nói: “Không đưa văn hóa văn nghệ vào trường phổ thông, thì lớn lên, các em không có nhu cầu đó. Thời gian tới, phải tiến hành một nghiên cứu sâu, ở trường phổ thông hiện nay, trong mấy ngàn tiết, xem thử có bao nhiêu tiết nói về văn hóa nghệ thuật dân tộc?”. Đồng thời, mỗi một di tích, di sản văn hóa được công nhận, cần có một trường phổ thông đỡ đầu để di sản, di tích đó gắn với thiếu nhi. Sở VH-TT có nhiệm vụ rà soát lại, đưa sân khấu học đường vào biểu diễn tại các trường học để học sinh các cấp được tiếp cận nghệ thuật truyền thống.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy, muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng. 

Ông Nhân cũng nhấn mạnh, ngôi trường đặc biệt này sẽ không có nhiều học sinh, học sinh sẽ được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách. Tất cả nghệ sĩ đang biểu diễn có thể trở thành giáo viên thỉnh giảng của trường. Quá trình học, nếu em nào có tài năng sẽ được tuyển lựa vào các đơn vị biểu diễn, hoạt động văn hóa.

Nếu coi phát huy văn hóa là nền tảng thì phải dành định mức đầu tư ngân sách cố định cho văn hóa. Ông Nhân đề nghị HĐND tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách cứng cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động biểu diễn.

Sân khấu đang cần được đầu tư về cơ sở vật chất
Sân khấu đang cần được đầu tư về cơ sở vật chất

Về những ràng buộc mang tính cơ chế, thủ tục mà ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VH-TT đề cập, Bí thư Thành ủy dẫn ra một ví dụ rõ nét, đó là trường hợp Bác Hồ - lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi hôm nay - một người dù không có nhiều điều kiện, cơ hội để tốt nghiệp một trường đại học nào, nhưng “ai hay hơn Bác về làm cách mạng, về văn hóa?”, để nói rằng, cơ chế, hay thủ tục nào cũng… ở cách ta vận hành nó.

Đối thoại nào cũng cần… có hậu

Khủng hoảng nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và khủng hoảng khán giả được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua trên báo chí, các diễn đàn văn hóa, tọa đàm, hội thảo, trong cả các buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng.

Từ tháng 6/2020, TPHCM sẽ tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông, tạo môi trường, không gian để trao đổi văn hóa được diễn ra; qua đó, phát huy sức mạnh văn hóa cho sự phát triển, phát huy sức mạnh của mỗi cán bộ, mỗi người dân đóng góp cho sự phát triển của thành phố. 

Cuộc đối thoại có sự tham gia của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cùng đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, văn nghệ sĩ. Nghĩa là, những người cần có mặt thì đều đã có mặt. Lãnh đạo thành phố cũng đã nói điều mà nghệ sĩ lâu nay hằng mong muốn, kỳ vọng.

Khủng hoảng nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn- câu chuyện không mới
Khủng hoảng nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn- câu chuyện không mới

Chuyện cũ mở màn phiên đối thoại đầu tiên, liệu đầu xuôi, đuôi có lọt? Sự cầu thị, lắng nghe dân của các cấp chính quyền thành phố, sự ngóng vọng của đông đảo nghệ sĩ, và chủ đề hành động của năm có gặp gỡ nhau, để cùng đi đến mục đích cuối cùng: thành phố văn hóa, thành phố tương lai? Thiết nghĩ, diễn đàn, đối thoại nào mở ra chăng nữa, cũng cần thực tiễn hóa những nội dung trên bàn hội nghị. 

Du Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI