Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Mattis nói gì về chính sách châu Á của Mỹ?

25/01/2018 - 06:00

PNO - Hôm 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã tới Việt Nam, trong chặng công du kéo dài một tuần đến hai quốc gia Đông Nam Á.

Mặc dù đây chỉ là chuyến đi mới nhất trong nhiều chuyến công du của ông Mattis đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chuyến đi đặc biệt này đáng chú ý không chỉ vì nó giải quyết một loạt các vấn đề quốc phòng của Mỹ với các đối tác, mà còn các vấn đề lâu dài liên quan đến chính sách quốc phòng của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở châu Á.

Chuyen cong du Viet Nam cua Bo truong Mattis noi gi ve chinh sach chau A cua My?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) ở Jakarta ngày 23/1 - Ảnh: EPA

Tạp chí quốc tế châu Á Thái Bình Dương Diplomat mới đây có bài phân tích về chuyến đi đáng chú ý của Bộ trưởng Mattis đến Indonesia và Việt Nam với nhận định đáng chú ý: Chuyến đi này dường như là lời đáp cho câu hỏi về định hướng chính sách châu Á của chính quyền Trump.

Diplomat cho biết, mặc dù chính quyền Trump cho thấy một mức độ liên tục trong chính sách mới đối với chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama, nhưng có một số thay đổi mà ông Mattis và các quan chức khác nhấn mạnh khi nói về khía cạnh quốc phòng trong chính sách châu Á của Mỹ. Đó là nhấn mạnh nhiều hơn đến Triều Tiên, là giọng điệu thẳng thừng đối với Trung Quốc và quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao năng lực quân sự của Mỹ đang bị xói mòn trong khu vực.

Đó là chưa nói đến một số động thái đáng lo ngại của ông Trump bên ngoài phạm vi quốc phòng, chẳng hạn như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chiến lược Quốc phòng đầu tiên của chính quyền Mỹ (NDS), được ông Mattis công bố hôm 19/1 trước khi lên đường công du châu Á, được xây dựng dựa trên Chiến lược An ninh Quốc gia công bố tháng 12/2017, có những thay đổi như nhấn mạnh đến sự cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc liên quan đến chống khủng bố, cũng như tiếp tục mở rộng mạng lưới các liên minh và đối tác của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyến đi của ông Mattis tới Indonesia và Việt Nam đưa ông đến với hai đối tác có thể được coi là quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm xây dựng những gì mà NDS mô tả là một "kiến trúc an ninh mạng lưới" để "thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.

Indonesia – đất nước những quần đảo lớn nhất và là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới - là một nhân tố quan trọng ở Đông Nam Á và là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các thách thức, từ an ninh hàng hải đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, Việt Nam, từ một cựu thù của Mỹ cuối thời Chiến tranh Lạnh đã nhanh chóng trở thành một đối tác gần gũi của Mỹ, bao gồm cả trong lĩnh vực quốc phòng.

Chính quyền Trump nhận ra điều này ngay từ đầu và nhanh chóng tăng cường quan hệ quốc phòng với cả hai quốc gia nói trên kể từ khi ông Trump nhậm chức. Và bên cạnh những tiến bộ hai bên sẽ công bố trong chuyến đi của ông Mattis, còn có những sự phát triển khác mà giới quan sát kỳ vọng trong các mối quan hệ quốc phòng của Mỹ với Indonesia và Việt Nam trong năm 2018, như việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam.

Khi nêu lên những cơ hội trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Indonesia và Mỹ-Việt, tạp chí Diplomat cũng lưu ý đến những hạn chế còn tồn tại.

Chuyen cong du Viet Nam cua Bo truong Mattis noi gi ve chinh sach chau A cua My?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (trái) đón người đồng cấp Việt Nam Ngô Xuân Lịch thăm Lầu Năm Góc ngày 8/8/2017 - Ảnh: Reuters

Cả Indonesia và Việt Nam, vì những lý do khác nhau, đều từng muốn có một mối quan hệ gần gũi, nhưng không quá thân mật với Washington trong chính sách đối ngoại của mình, và điều này đến nay vẫn không thay đổi.

Điều đó giải thích tại sao tiến bộ ở một số lĩnh vực - ví dụ vấn đề an ninh hàng hải trong trường hợp của Indonesia hay bán vũ khí trong trường hợp của Việt Nam - vẫn còn chậm hơn nhiều trong việc cụ thể hóa, mặc dù liên tục được nhấn mạnh là lĩnh vực để thúc đẩy hợp tác.

Tạp chí Diplomat nhấn mạnh, các nhà hoạch định chính sách ở Jakarta và Hà Nội vẫn lo ngại sâu xa về một số động thái của chính quyền Trump vượt ra khỏi phạm vi quốc phòng, đó là việc Mỹ rút khỏi TPP mà Việt Nam là một thành viên.

Đó là lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump hay việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa bài Mỹ ở Indonesia và làm phức tạp thêm quan hệ song phương so với những gì người tiền nhiệm trước đó đã làm.

Tuy nhiên, chuyến đi của ông Mattis cũng cho thấy sự đồng thuận trong chính giới Mỹ về chính sách châu Á của Nhà Trắng, bao gồm ủng hộ tự do thương mại, tôn trọng dân chủ và nhân quyền cả trong và ngoài nước, thừa nhận vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ trên thế giới.

Một chuyến thăm quốc phòng nhưng ý nghĩa vượt ra khỏi những thỏa thuận quân sự, cho thấy chính quyền Trump tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong các vấn đề khác nhau với các nước châu Á như là một chính sách khu vực của Washington, và nó có thể ảnh hưởng nhất định đến chính sách đối ngoại của các đối tác châu Á.

Hòa Ninh (Theo Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI