“Mẹ vợ tôi được phát hiện K phổi khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bác sĩ bảo đưa bà về ăn gì thì ăn, thích đi đâu thì đi. Thương mẹ quá, tôi bàn với vợ lập kế hoạch để mẹ không sợ hãi và ít đau đớn nhất có thể”. Đó là những dòng tâm sự của anh Dương Việt Thắng trong hội nhóm Những người bị mắc bệnh ung thư khiến nhiều người xúc động.
Nghỉ việc ở nhà chăm mẹ vợ
Cách đây 2 tháng, từ một hội trưởng Chi hội Phụ nữ năng động và khỏe mạnh ở Quế Võ, Bắc Ninh, cô Hoàng Thị Quỳnh (61 tuổi) trở nên suy sụp với tờ giấy kết luận ung thư phổi. Bệnh viện trả về, tưởng cô đau buồn chờ tới lúc số phận gọi tên, nhưng sau 1 tuần, tinh thần cô đã ổn định, cô hồ hởi lên phố ở nhà con gái, tích cực thực hiện "phác đồ" do anh con rể mày mò thiết lập.
Từ hôm ấy đến nay, cũng bằng số ngày anh Việt Thắng trắng đêm tìm tài liệu y khoa, sát cánh cùng mẹ vợ chống chọi bệnh tật. Từng là giáo viên dạy nhạc, sau này chuyển sang buôn bán kinh doanh, việc tìm hiểu bệnh anh không ngại, nhưng do không có chuyên môn nên anh gặp không ít khó khăn. Thân nhân người bệnh có tâm lý "còn nước còn tát", "có bệnh thì vái tứ phương" nên dễ bối rối vì tài liệu trên mạng quá nhiều và các trang bán hàng dưới danh nghĩa tư vấn y khoa đầy rẫy.
Với chút kiến thức có được sau nhiều năm gắn với môn võ cổ truyền, anh Thắng mạnh dạn tìm hiểu về huyệt đạo, về cân bằng âm dương trong cơ thể người, nhất là ở bệnh nhân ung thư.
Có gì không rõ, chàng rể lại tìm đến các bác sĩ đông y nhờ được tư vấn. Nghe nói có bệnh nhân K phổi nào đang khỏe dần nhờ uống thuốc nọ, ăn món ăn kia, là anh Thắng lập tức liên hệ xin kinh nghiệm.
Thời gian với anh lúc này là cuộc chạy nước rút. Hôm nào vợ đi dạy thì anh chủ động làm việc ở nhà. Có như vậy, anh mới cảm thấy yên tâm.
Quá trình tự mày mò và quan sát từng diễn biến bệnh tật của mẹ vợ, anh rút ra kết luận “cũng là K phổi, nhưng cơ địa của mỗi người sẽ có một cách biểu hiện và thích nghi khác nhau. Do vậy, chăm sóc mẹ không chỉ bằng tình yêu thương, mà cần có sự tỉnh táo và hiểu biết”.
|
Bệnh ung thư phổi của mẹ vợ đã ở giai đoạn cuối, khối u đã viêm nên không thể can thiệp bằng phẫu thuật, chàng rể không đầu hàng, anh mày mò các biện pháp để giúp bà có sức đề kháng (ảnh nhân vật cung cấp) |
Cuối cùng, vợ chồng anh lên thực đơn để mẹ dễ tiêu hóa và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cơm lứt, bắp luộc thì vợ anh nấu, nhưng nước ép trái cây thì đích thân chàng rể làm. Dừa trái anh đặt mua từng buồng để mẹ vợ uống dần. Trong và sau mỗi bữa ăn của mẹ, anh Thắng chú ý theo dõi các biểu hiện của bà. Có gì bất thường là anh dừng ngay và chuyển thực đơn mới.
Nhìn da mặt mẹ vợ sáng lên từng ngày, tay chân mát hơn, không còn nóng như trước, anh Thắng thấy tự tin và có động lực. "Mình mất ngủ, nhưng bù lại, mẹ có thể ngủ sâu hơn", anh chia sẻ.
"Mẹ vợ đã cứu đời tôi"
Lấy vợ con một, nhà vợ coi anh Thắng là con trai. Cô Quỳnh lúc nào cũng “con gái tôi, con trai tôi” khiến nhiều người nghĩ cô có một trai, một gái. Bản thân anh Thắng cũng nghĩ mình là con ruột của gia đình, hễ rảnh là vợ chồng đưa nhau về ngoại ăn cơm. Thấy bóng đèn của cha mẹ hỏng, cái tủ lạnh không đông đá, anh lặng lẳng mua cái khác thay vào. Tình cảm thông gia cũng vì thế mà bền chặt. Có miếng gì ngon, ông bà hai bên gửi con cháu biếu qua biếu lại.
Cách đây 9 năm, anh Thắng từng dính lao lý. Tuổi trẻ bồng bột và lỗi lầm đã cho anh cái án tù 66 tháng. Nhờ nhân thân và quá trình cải tạo tốt, anh được tại ngoại sớm hơn tòa tuyên án nửa thời gian.
|
Cuộc đời anh Thắng chịu ơn 2 người mẹ. Bà Quỳnh là người giúp anh vượt những khó khăn, sửa chữa sai lầm thời tuổi trẻ (ảnh nhân vật cung cấp) |
Thời gian trong trại giam, anh có nhiều ngày đêm lục vấn bản thân, hối lỗi với cha mẹ, thương vợ và cậu con trai mới vào lớp Một. Là người từng đứng trên bục giảng, anh Thắng hình dung được sự tủi nhục và xấu hổ của vợ nếu có ai nhắc đến 2 chữ “phạm nhân”.
Mỗi lần vợ vào thăm, anh lại thấy bóng dáng của bà ngoại khi gửi anh ít đồ ăn và ít tiền tiêu vặt. Anh cảm nhận rất rõ đằng sau sự can đảm của vợ là những lời động viên của mẹ vợ, là sự hỗ trợ tối đa vật chất từ đồng tiền bán thóc lúa của ông bà.
Ngày trở về, biết sẽ khó khăn khi làm lại từ đầu ở tuổi 33, anh Thắng quay quắt với câu hỏi: làm gì để sống đây, vốn từ đâu? "Cứu tinh" của anh không ai khác lại là mẹ vợ. Bà tinh tế không nhắc lại những gì đã qua, chỉ gợi ý cho anh những việc mới, “vốn con đừng lo, cha mẹ sẽ vay mượn cho".
Phạm nhân năm nào giờ đã là một doanh nhân. Anh thường nói: “Tôi có 2 người mẹ, một người mang nặng đẻ đau, một người cùng tôi đau với những sai lầm không đáng có”.
Suốt 2 tháng qua, anh Thắng hạn chế đi xa, anh chỉ quanh quẩn công việc gần nhà để tiện chăm sóc và đi lấy thuốc về sắc cho mẹ vợ uống.
Khi được hỏi: “Anh nghỉ việc như thế có ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình không”, anh Thắng cười: “Mẹ tôi sống khỏe được ngày nào là xem như tôi có tiền được ngày đó. Việc quan trọng của tôi lúc này là chăm con ăn học, chăm vợ ăn diện và chăm mẹ vợ khỏe lên từng ngày”.
Anh Thắng không tiếc thời gian săn lùng mua bằng được rượu ngâm cho mẹ vợ uống hàng ngày. Anh nấu nước từ bán chi liên, bạch hoa xà, xạ đen… để bà uống cho đỡ khát. Trước giờ đi ngủ, anh làm nước ngừng ấm cho bà ngâm chân. Đêm anh vừa thức khuya để đọc tài liệu, vừa ngóng nhịp thở đều đều từ phòng ngủ của bà.
|
Anh Thắng đưa cha mẹ vợ đi chụp ảnh kỷ niệm ngày cưới, động viên mẹ ra ngoài tập thể dục, vui chơi cùng con cháu. Đó cũng là liệu pháp tinh thần để bà Quỳnh vui khoẻ hơn (ảnh nhân vật cung cấp) |
Anh háo hức livestream cho tôi xem anh châm cứu, bấm huyệt cho mẹ vợ. Thấy tôi, cô Quỳnh cười tươi trong màn hình: “Cô đang thấy khỏe ra chứ không đau con ạ”.
Sáng nào hàng xóm cũng thấy cô Quỳnh cùng chàng rể với bé gái cháu ngoại đi bộ quanh công viên. Đi một lúc bà cháu lại chơi đùa với nhau, anh Thắng cũng dừng lại hướng dẫn mẹ làm thêm một số động tác dưỡng sinh.
Biết bà thấm mệt, anh ngồi xuống vừa lau mồ hôi vừa thủ thỉ: “Mẹ đâu có bệnh gì, chỉ là đang tập cân bằng với những thay đổi của cơ thể thôi, mẹ nhỉ!”.
Đợi nắng ấm lên, gia đình anh Thắng sẽ có những chuyến đi du lịch cùng nhau. Anh chia sẻ dự định: “Đi đến đâu, chúng tôi sẽ nghỉ chân đến đó, vì sức khỏe của mẹ vợ tôi bây giờ là số một. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bà vui và động viên bà ráng làm công việc ở Hội phụ nữ thêm 2 nhiệm kỳ nữa. Lúc đó cũng 10 năm, và biết đâu còn dài hơn thế...”.
Lâm Hoàng