Chuyện con heo đất của má Cúc

25/03/2021 - 07:29

PNO - Má Cúc nuôi heo đất cũng đã hơn 40 năm. Má nuôi heo bằng tiền hưu, tiền bán ve chai, tiền con cái cho dưỡng già. Mỗi lần má “làm thịt” heo đất là người nghèo, trẻ mồ côi… lại được thêm gạo mắm, đường sữa.

Nhặt ve chai nuôi heo đất

Từ hơn 40 năm trước, dù nhà nghèo, bà Nguyễn Thị Bạch Cúc (thường gọi má Cúc, 77 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) vẫn thường xuyên dành dụm tiền giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian công tác tại hội phụ nữ phường, má Cúc càng có điều kiện hiểu thêm về hoàn cảnh sống của bà con. Vậy là, nhân dịp phát động phong trào thi đua sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, má Cúc bắt đầu nuôi heo đất bài bản hơn.

Má Cúc nuôi nhiều heo đất đến mức không nhớ bản thân đã nuôi bao nhiêu con
Má Cúc nuôi nhiều heo đất đến mức không nhớ bản thân đã nuôi bao nhiêu con

Má Cúc nuôi con heo đầu tiên đến tận một năm. Ngày đập heo, má đếm được gần 50 triệu đồng. Má lấy số tiền này gửi cho nhiều cơ quan, đoàn thể, lo bữa cơm cho người già neo đơn.

Kể từ con heo đầu tiên đó, má Cúc đều đặn nuôi heo đất từ tiền lương, tiền lãnh thưởng, tiền bán bánh mì… Thậm chí, má còn đi nhặt ve chai để dành tiền nuôi heo.

Nhắc đến chuyện nhặt ve chai bắt đầu từ mấy chục năm trước, má Cúc kể: “Má thấy người ta quăng chai nhựa, đồ cũ ở thùng rác trước nhà, ngoài lề đường thì nhặt về. Bán ve chai được bao nhiêu, má đều nhét vào heo đất. Được tiền khen thưởng, tiền lương tổ trưởng… má cũng trích bỏ vào nuôi heo”.

Ấy vậy, lúc đầu má đi nhặt ve chai, nhiều người không hiểu căn nguyên thường dè bỉu, nói má keo kiệt, tham lam. Má nghe để đó, chứ cũng chẳng buồn lâu. Ngày đập heo, má mời hàng xóm và đại diện chính quyền địa phương chứng kiến thì nhiều người vỡ lẽ. 

Má Cúc bên số ve chai vừa gom từ khắp hàng xóm
Má Cúc bên số ve chai vừa gom từ khắp xóm

Cứ như thế, má Cúc nhặt ve chai nuôi heo đất từ lúc khỏe mạnh cho đến khi lưng còng. Lúc khỏe, má đi khắp các con đường, ngõ hẻm nhặt ve chai. Khi có tuổi, má đi ít hơn. Mọi người quen dần và gọi má với biệt danh "má Cúc ve chai".

Hàng xóm biết được việc làm ý nghĩa của má nên tự động đưa ve chai tới. Bởi vậy, trước nhà của má lúc nào cũng có thùng nhựa đựng ve chai chờ sẵn.

Một năm má nuôi gần chục con heo đất. Ban đầu, má nuôi heo đất to, cuối năm đập heo một lần. Về sau, má thấy mua heo đất to mà đập bỏ thì tiếc nên chuyển qua mua heo đất nhỏ, rồi nghĩ cách khoét bụng heo lấy tiền, sau đó dán băng keo dùng tiếp.

Mỗi bận “làm thịt” heo đất, má lại có tiền lo cho người nghèo, trẻ em mồ côi ở các mái ấm.

Mỗi lẫn thu hoạch heo đất, má lại mua quà bánh đến thăm các em nhỏ ở các mái ấm
Mỗi lẫn "thu hoạch" heo đất, má lại mua quà bánh đến thăm em nhỏ ở các mái ấm

“Má để ý xem ai thật sự khó khăn thì mới trích tiền trong heo để hỗ trợ. Má thấy chị em nào khó khăn, bệnh tật, mỗi lần đi khám bệnh, má giúp đỡ từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Có nhiều người gạt, má biết chứ nhưng không trách. Lần sau, má cẩn thận hơn”, má Cúc chia sẻ.

Thấy việc má làm, nhiều người ghé nhà, xin má cho góp chút tiền nuôi heo đất.

Sống vui sống khỏe nhờ lo “chuyện bao đồng”

Buổi trò chuyện với má cứ rộn ràng, đầy ắp tiếng cười. Bởi, má rất hóm hỉnh, gần gũi với thanh niên. Má nói: “Mấy đứa đoàn viên thấy má lên phường là ập tới hỏi han. Tụi nhỏ thương má lắm, nói má dễ thương, không có khó tính”.

Quả thật, khi các bạn trẻ có những trò vui, chọc ghẹo, má thường hưởng ứng, còn biết cách bông đùa cho má con gần gũi. Gần má, thanh niên của phường học thêm nhiều cách lo “chuyện bao đồng” cho cuộc đời thêm đẹp.

Má Cúc đâu chỉ nuôi heo đất lo cho người nghèo mà còn tương trợ mọi người đủ chuyện ngặt. Má nằm trong ban cán sự tình nguyện phòng chống ma túy trên địa bàn. Những người nghiện ma túy muốn tái hòa nhập cộng đồng gặp khó khăn, má liền đến bên động viên, hỗ trợ.

Hành động nhặt ve chai nuôi heo đất giúp người khó khăn của má Cúc khiến nhiều người xúc động
Hành động nhặt ve chai nuôi heo đất giúp người khó khăn của má Cúc khiến nhiều người xúc động

“Có đứa cai nghiện trở về nhưng bị xa lánh, lại rơi vào con đường cũ. Má biết chuyện, biết ngày nó ra tòa, liền tìm đến thăm, gửi cho ít quà. Ra tù, nó về tìm gặp má. Vừa nhìn thấy má, nước mắt nó chảy giàn giụa”, má Cúc nhớ lại.

Hay như, một thanh niên khác là giang hồ thứ thiệt, đi tù nhiều hơn ở nhà cũng được má Cúc cưu mang. Má kể, người này vừa ra tù thì bị kẻ thù bao vây đánh đến liệt chân. Anh ta biết má Cúc có tấm lòng nhân ái nên tìm đến nhà. Vừa thấy má, anh ta mếu máo: “Má Cúc, con nè!”. Nhận ra người quen cũ, má cho tiền người này châm cứu, ăn sáng. Lúc má còn bán bánh mì, ngày nào anh ta cũng được một ổ thiệt ngon.

“Ngày nào má cũng nói chuyện phải trái cho nó nghe. Nghe thấm, nó hoàn lương”, má kể.

Má đặt heo đất ở phòng khách, bà con có lòng đều ghé vào góp tiền nuôi heo
Má đặt heo đất ở phòng khách, bà con có lòng đều ghé vào góp tiền nuôi heo

Người nhiễm H qua đời, không tiền chôn cất, một tay má lo chuyện quan tài, mai táng.

Học sinh nghèo cũng được má chăm lo nơi ăn chốn ở. Thi đậu đại học, từng em rời nhà mà không quên cúi đầu cảm ơn má đùm bọc. Thậm chí, một số em thương má quá, viết lá thư thật dài gửi lại. Lâu lâu, má lấy thư ra đọc. Xúc động, má không khóc mà chỉ cười thật tươi.

Má biết, hiện tại, những đứa con tinh thần ấy đã bay cao bay xa, có người đạt được thành công trong cuộc sống. Lẽ dĩ nhiên, "mấy đứa nhỏ" đều nhớ đến má và lâu lâu lại ghé thăm nhà.

Đợt miền Trung bị bão lũ, sạt lở kinh hoàng, má Cúc ôm con heo đất to nhất đến cơ quan đoàn thể gửi tặng cho đồng bào.

Má thường cười thật tươi khi đọc lại những dòng thư cảm ơn đầy xúc động của những đứa con tinh thần
Má thường cười thật tươi khi đọc lại những dòng thư cảm ơn đầy xúc động của những đứa con tinh thần

Từ thanh niên, phụ nữ, học sinh, người già… ai nghèo, ai khó, má đều giúp đỡ. Má tỉ mỉ viết tên từng người cần giúp đỡ. Đến khi heo no nê, má mời đại diện chính quyền địa phương đến chứng kiến má “thu hoạch”.

Có tiền, má đi mua quà bánh, bỏ phong bì một ít, rồi đến gõ cửa từng nhà trao cho tờ giấy mời đẹp đẽ, lịch sự. “Vài bữa ghé nhà má nhận quà nha”, má nói vậy rồi đi, người nhận giấy mời mắt cứ ngấn lệ.

Má Cúc nói: “Má giúp đỡ mọi người nhưng không dám chê khinh ai cả. Người ta cũng là con người như mình, chẳng qua người ta nghèo khó. Của cho không bằng cách cho”. 

Ngọc Thanh Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI