edf40wrjww2tblPage:Content
Mỹ Xuân ân cần lo cho mẹ từng bữa ăn
Ngày ấy, nhà mình…
16 tuổi, Mỹ Xuân bị lòa vì tự ý nhỏ thuốc để chữa bệnh đau mắt đỏ. Tỉnh dậy sau ca mổ cứu mắt, Mỹ Xuân thấy thế giới xung quanh tối đen như mực. Sau khi hỏi “cúp điện hả ba?”, “giờ là nửa đêm hả ba?”, “ba ơi, nửa đêm mà sao có tiếng lau nhà, lại có người đang ăn cơm?”, Mỹ Xuân dần nhận ra sự thật nghiệt ngã. Nỗi đau òa vỡ khi người cha không còn nén nổi tiếng khóc trong lồng ngực. Kể từ ngày ấy, suy nghĩ thường trực ở Xuân chỉ là “đời mình hết rồi”, “ước gì mình đừng bao giờ thức dậy”, “có cách nào để chết mà đừng bị đau”… Hễ nghe bước ai đi đến đầu ngõ là Xuân lần vào buồng, trốn biệt.
Tai ương liên tiếp trùm phủ xuống căn nhà nhỏ của Xuân như muốn bít lối về bình yên, hạnh phúc. Năm 2005, em trai của Xuân bị người ta chém nhầm đến mức đa chấn thương. Khi những vết thương trên thân thể đã lành, nỗi ám ảnh kinh hoàng vẫn đeo bám mãi; cơn khủng hoảng thần kinh khiến cậu em ngẩn ngơ, bấn loạn. “Tao làm gì mà lại chém tao?” - nhiều khi cậu hốt hoảng, lấm lét nhìn những người trong gia đình rồi tìm vách, lu nước để núp. Niềm hy vọng của gia đình dồn hết vào người em gái kế Xuân, vốn học rất giỏi. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, đang nhận dạy hợp đồng, em Xuân đột ngột co quắp, tím tái rồi tắt thở tại trường, không rõ nguyên do.
Giấc mơ đẹp của gia đình hiếu học trong xóm nghèo đã bị số phận đập tan. Xuân não lòng mỗi khi nhớ lại cảnh gia đình đầm ấm, tràn ngập tiếng cười; dù không có của ăn của để nhưng cũng tạm ổn với tiền lời bán rau ở chợ của ba mẹ. Nghĩ tới cảnh mai này ba mẹ già, biết trông cậy vào ai, lại nặng gánh con cái, Mỹ Xuân quyết định tìm kế sinh nhai. Xuân không quản ngại khi vào TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) học chữ nổi, học đan thảm, lại lên Đồng Nai học lấy chứng chỉ sơ cấp nhân viên xoa bóp; rồi xuống Cần Thơ tìm nơi tập sự…
Đi đâu, học gì, làm gì, Mỹ Xuân cũng tranh thủ thức khuya dậy sớm để bán vé số, gửi tiền về nhà. Sợ người thân lo lắng, Xuân nói dối rằng đó là tiền những nhà hảo tâm cho, nhưng một lần về thăm nhà, Xuân bị ba mẹ phát hiện "bí mật" trong một lần mở giỏ lấy quần áo con gái đem giặt. Khi bị hỏi “ngoài giờ học, con làm gì?”, Xuân cố lấp liếm nào là ăn, ngủ, nào là trò chuyện với bạn bè… Xuân không nhìn thấy ba mẹ khi ấy đang cầm quyển giấy dò vé số, cố ngăn tiếng nấc.
Tranh thủ chăm mẹ
Hôn mẹ là hết mệt
Thương Xuân phải lần dò đi làm massage dạo, lại nhận ra ở cô gái này một khát vọng vươn lên, một người tốt bụng đã mách nước Xuân thuê nhà ở khu công nghiệp An Thạnh (xã Đông Hòa Hiệp, H.Cái Bè) để mở tiệm và hứa cho mượn vài triệu để thuê nhà, mua giường, mỹ phẩm. Gặp cơ hội vàng, nhưng sức khỏe của Xuân lại không cho phép. Đôi mắt lòa trở chứng đau nhức khiến Xuân không đủ sức làm việc. “Phải phẫu thuật”, đau nhói với quyết định này nhưng quyết tâm mở tiệm đã tiếp cho Xuân sức mạnh. Nhớ lại ca mổ bốn năm về trước, Mỹ Xuân rùng mình: “Lúc đó, em ráng cắn răng chịu đựng, miệng luôn niệm Phật. Đau quá, em ôm thanh giường bằng sắt, bẻ đến cong. Cả tuần sau ca mổ, em vẫn còn la sảng”.
Bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi cả năm, nhưng chỉ 21 ngày, Xuân đã đi làm. Nằm tịnh dưỡng ở nhà trước mà nghe tiếng vét thùng gạo rột rột ở nhà sau, cầm lòng không đậu, Xuân lần dò lẻn đi masage dạo. Phục vụ được hai khách, Xuân mua về năm ký gạo và sáu trứng vịt, cả nhà có bữa cơm. Chị của Xuân đã có gia đình riêng ở xa, có con nhỏ, cuộc sống cố gói ghém chỉ tạm đủ, gánh gia đình đặt hết trên vai Xuân. Một ngày, Xuân bạo gan tìm chỗ hỏi thuê mặt bằng mở tiệm. Tiệm nằm trên khu vực khá phức tạp, đêm đầu ở một mình, Xuân sợ người lạ ập vào làm chuyện bậy bạ nên không dám ngủ. Một ngày, hai ngày không một bóng khách, tới bữa, tiền không có, Xuân đành ăn mì gói sống cầm hơi.
Đến ngày thứ ba, tiệm có vị khách nữ đầu tiên. Cám cảnh cô gái mù tự thân khởi nghiệp, chị điện thoại rủ bạn tới ủng hộ, nhưng bạn ngại người mù... ở dơ. Đợi khách ra về, cầm mấy chục ngàn đồng tiền công, Xuân đóng cửa khóc như mưa vì mừng, vì ức lòng, tủi phận. Cái đói chưa qua, ba mẹ Xuân lại lần lượt bị bệnh viêm màng não, tai biến, khiến món nợ từ lần tai họa của em trai và vay tiền cho em gái Xuân học cộng gộp lên đến hàng chục triệu đồng. Cơm áo gạo tiền, thuốc men hằng ngày cho cả nhà oằn vai, Xuân phải mở tiệm từ mờ sáng đến khuya để có được nhiều khách, kiếm được trên 200.000đ/ngày.
Sáng ý, lại có chí học hỏi, Mỹ Xuân nghiên cứu thêm các tài liệu Đông y về xoa bóp, vật lý trị liệu và áp dụng lên bệnh nhân đầu tiên là mẹ. Kết quả bất ngờ, mẹ Xuân từ nằm liệt sau khi xuất viện, đã gượng dậy, đứng, đi được và trí óc dần hồi phục. Để dễ bề săn sóc mẹ, gần hai năm nay, Mỹ Xuân đã đưa mẹ ra ở cùng. Người cha tuy cũng bệnh tai biến, nhưng có thể ở nhà tự lo cho sinh hoạt của cá nhân và cậu em bị bệnh thần kinh của Xuân; hàng tuần Xuân gửi gạo, tiền về nuôi. Nghe đồn về cô chủ mát tay, những người bệnh tai biến, thoát vị đĩa đệm, đau khớp... cũng tìm đến nhờ bấm huyệt và nhiều người đã có kết quả ngoạn mục. Mỹ Xuân nhận được nhiều quà của khách, vừa là đền ơn, vừa để chia sẻ với cảnh khó, giúp Xuân đỡ phần nào nhọc nhằn.
Nhìn căn nhà trọ gọn ghẽ, ngăn nắp; nồi cơm canh thơm ngọt, người mẹ già sạch sẽ, tươm tất, khó tưởng tượng Mỹ Xuân đã xoay xở thế nào với ngần ấy việc. Khi massage cho khách, Xuân vẫn luôn để tâm tới mẹ. Nghe mẹ rên rỉ, khó thở, nghe tiếng nói bất thường, Xuân liền chạy vào thăm. Mẹ nhức đầu, Xuân bấm huyệt; mẹ không chịu ăn, Xuân dỗ ngọt đút cơm. Dù vất vả trăm bề, nhưng Xuân luôn dịu dàng, nhỏ nhẹ, cả khi mẹ không kiểm soát được hành vi đã đổ nồi cá kho vào nồi canh mà Xuân mất công nấu nướng. Không chỉ trọn hiếu trong nhà, Mỹ Xuân còn là hội viên có đóng góp tích cực cho Hội Người mù H.Cái Bè. Hàng chục triệu đồng hỗ trợ chăm lo cho hội viên là kết quả Xuân vận động từ những người khách đến massage.
“Nhiều người nói em có nghị lực. Nghị lực gì đâu, chỉ là hoàn cảnh bắt phải vậy. Em không biết động lực của mình là gì, chỉ biết vì tình thương đối với ba mẹ mà làm; nghĩ ba mẹ tội nghiệp khi sinh ra mấy đứa con bất hạnh, thì mình cố gắng đừng góp bất hạnh thêm nữa” - Mỹ Xuân chân tình bộc bạch. Cũng vì nặng gánh gia đình, Xuân đã bỏ lỡ mối tình đẹp với một người đồng cảnh tâm đầu ý hợp. Kể chuyện người yêu đi lấy vợ, Xuân thoáng buồn. Mẹ của Xuân tuy không nhớ nổi tên mình, nhưng vẫn bùi ngùi khi nhắc đến chuyện lỡ duyên của con: “Tui muốn Xuân có được tấm chồng. Muốn quá, mà không biết phải làm sao...”.
Lay tay mẹ để nhắc bà trở về thực tại, Xuân thỏ thẻ: “Hạnh phúc của con là cả nhà mình được bình an, mạnh khỏe. Mẹ ăn ngon, ngủ được, phục hồi tâm trí, biết thương con, thường xuyên tâm sự và hôn con mỗi khi ngủ như ngày xưa chứ đừng nửa đêm khều con hỏi “cô là ai?”, con sợ lắm! Con có mệt, hôn mẹ là hết mệt liền! Nhưng không “đã thèm” bằng mẹ hôn con”...
TÔ DIỆU HIỀN
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn
Quan tâm, chia sẻ với Mỹ Xuân, bạn đọc liên hệ qua điện thoại: 0972762199,
Địa chỉ: Massage Mỹ Xuân, khu công nghiệp An Thạnh, ngã ba An Cư, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.