Mấy ngày nay, cộng đồng mạng chia sẻ clip Đà Nẵng ngày bão giông do các bác sĩ Bệnh viện C Đà Nẵng ngẫu hứng thể hiện. Cách trình bày mộc mạc cùng ca từ giản dị gây xúc cảm mạnh mẽ trong những ngày cả nước đương đầu với dịch bệnh.
Bài hát có tiếng lòng của người vợ tiễn chồng xông pha vào trận chiến chống COVID-19 không biết khi nào trở lại, làm cay mắt bao người. Khi tìm hiểu về nguồn gốc bài hát, chúng tôi càng xúc động và thấy thú vị hơn khi biết ca khúc khởi nguồn từ tấm hình selfie của một bác sĩ tuyến đầu và vợ. Đó là bác sĩ Trịnh Minh Thế (Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện C Đà Nẵng) cùng cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển - cũng là tác giả phần lời của bài hát.
|
Clip bác sĩ hát từ tâm dịch (do nhân vật cung cấp) |
Sáng 24/7, sau cuộc gọi ngắn ngủi thông báo “bệnh viện được lệnh phong tỏa, anh và đồng nghiệp tình nguyện ở lại, má và em cùng các con bảo trọng, các con nhớ chăm bà nội”, chị Uyển đứng ngồi không yên.
Gói ghém một số vật dụng sinh hoạt cần thiết cho chồng, chị và anh có giây phút gặp nhau "anh đứng trong song sắt, em ở ngoài song sắt" bên cánh cổng trắng của bệnh viện. Nhìn gương mặt lo âu cố giấu sau nụ cười của vợ, anh Thế xót lòng. Chưa bao giờ chị ghé cơ quan anh mà vội vàng chóng vánh đến vậy.
Anh rút điện thoại ra lưu lại khoảnh khắc đặc biệt, rồi lặng nhìn bóng vợ khuất vào dòng người xe.
|
Tấm hình "gần nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt" anh Thế định chờ ngày hết dịch mới đăng Facebook (ảnh nhân vật cung cấp) |
Vốn thích chụp ảnh cùng vợ và bạn bè rồi đăng lên Facebook, nhưng tấm ảnh chụp cùng vợ được anh nhận xét: “bối cảnh hơi buồn, sợ tác động ngược”, nên anh định cất đi, đợi hết dịch “mới khoe kỷ niệm”.
Anh Thế không ngờ, “bức ảnh chỉ 2 người biết” đã tạo nên cảm xúc đặc biệt tới chị Uyển - cô giáo dạy Địa lý nhưng có tâm hồn nghệ sĩ, thích viết thơ văn của trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Và cao trào là khi người bạn đồng môn của anh chị là nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu từ Sài Gòn nhắn: "Uyển ơi, viết cho mình bài thơ về mùa COVID-19, để mình phổ nhạc".
Cảm xúc đầy trong lòng, cùng sự khích lệ của bạn, sáng 28/7, bài thơ Đà Nẵng ngày bão giông ra đời. Thời gian viết và chỉnh sửa bài vỏn vẹn trong 1 tiếng đồng hồ. Bản thân chị Uyển cũng bất ngờ với sự tuôn chảy của ý thơ. Chị nói vui: “Đã là gan ruột rút ra thì không có gì cản được”.
|
Gia đình hạnh phúc của anh Thế và chị Uyển (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Viết xong, chị đưa bài thơ lên Facebook, mục đích chỉ để bạn bè đọc cho vui, nào ngờ “số phận của nó lại lan xa và nhanh đến vậy”. Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu nhanh chóng phổ nhạc rồi chuyển về cho tác giả thơ, rồi đến tay anh Thế và ca sĩ cây nhà lá vườn là bác sĩ Nguyễn Quý Thiện - khoa Nội tiêu hóa. Ca khúc đã vô tình chạm đến mọi người bằng sự dung dị, chân tình, vừa lãng mạn, vừa mạnh mẽ quyết tâm chống dịch.
|
Tinh thần vui vẻ lạc quan luôn hiện trên môi của mỗi thành viên trong gia đình (ảnh nhân vật cung cấp) |
Bản thân bộ tứ: chị Uyển, anh Thế, anh Châu, anh Thiện cũng không ngờ clip về bài hát quay trong giờ nghỉ lại được cộng đồng yêu mến đến vậy.
“Đó là sự khích lệ tinh thần với đội ngũ y bác sĩ chúng tôi trong trận chiến COVID-19, cũng là niềm an ủi, động viên vợ con của chúng tôi ở nhà. Trận chiến này còn cam go, nhưng tinh thần lạc quan là liệu pháp tốt cho hậu phương, giúp tiền tuyến thêm vững vàng”.
|
Dù vất vả hiểm nguy nhưng anh Thế và đồng nghiệp luôn giữ tinh thần lạc quan (ảnh nhân vật cung cấp) |
Nói về vợ, anh Thế gói gọn trong một câu: "Chúng tôi tâm đầu ý hợp, có nhiều cái cùng". Anh chị học cùng, hoạt động đội đoàn từ thời cấp I, cấp II. Lên cấp III học chung trường, thời đại học cả 2 cùng ra Huế học, chỉ khác là chị Uyển học Đại học Sư phạm, còn anh Thế học y khoa.
“Biết là biết vậy, nhưng ra Huế mới có tình cảm với nhau, mình thương và nể anh là người thông minh biết vượt lên hoàn cảnh”, chị Uyển bùi ngùi. Anh Thế sinh ra đã không biết mặt cha. Cha anh là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, mẹ anh là thương binh 1/4. Từ nhỏ anh được mẹ dạy sự ngay thẳng, thật thà, luôn vì người khác. Giờ đến lượt các con được anh truyền cảm hứng qua những lần cùng cha mẹ đi làm từ thiện.
“Tính tôi vốn bao đồng, được cái vợ con luôn tán thưởng, song hành”, anh Thế nói. Quỹ thiện nguyện mang tên “Dang tay” của anh khởi lập đã kêu gọi được bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người hưởng ứng. Căn nhà tình nghĩa được dựng xây cho người nghèo, bát cháo sáng hàng ngày được chuyển đến tận tay bệnh nhân khiến họ ấm lòng, chia sẻ viện phí cho những bệnh nhân nghèo không có tiền đóng.
Đặc biệt, anh quan tâm đến các em học sinh, sinh viên nghèo học giỏi và kêu gọi bạn bè lập quỹ học bổng hàng năm cho ngôi trường cấp II, cấp III nơi anh từng học.
Nghiêm khắc nhưng hiền hậu, anh là thần tượng của cô gái lớn cùng cậu con thứ. Các bé đang nung nấu quyết tâm theo ngành y của cha. Yêu vợ theo cách riêng, anh ít bày tỏ qua lời nói, ngày lễ cũng chẳng tặng hoa, nhưng quà thì không bao giờ quên, chị nói rằng anh rất chú trọng sự chân tình, thực tế, chứ không thích hoa mỹ.
|
Ông trưởng khoa luôn biết cách động viên mình và đồng nghiệp bằng những tấm hình vui vẻ (ảnh nhân vật cung cấp) |
10 ngày đã trôi qua, đây là chuyến xa nhà dài ngày và đặc biệt nhất của anh Thế. Không còn ca kíp trực, công việc của anh cùng đồng nghiệp là những ngày và đêm tiếp nối. Áp lực chuyên môn không nhiều, nhưng áp lực về tinh thần không thể không có.
Tranh thủ những phút nghỉ ngơi, anh Thế lại đăng lên Facebook những dòng trạng thái, những hình ảnh tích cực để động viên các bác sĩ. Với các anh, động lực bây giờ là gia đình, niềm tin của bệnh nhân và sự chung tay của cộng đồng.
Kế hoạch cho một mùa hè sôi động cùng gia đình du lịch đã hoãn, ngày trở về bên vợ con cũng chưa thể hẹn, những khi mệt mỏi, anh Thế lại lẩm nhẩm những ca từ: “Này những chiến binh áo trắng anh hùng! Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng. Ở trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...”
Lâm Hoàng
Đà Nẵng ngày bão dông
Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão dông!
Mấy chục triệu trái tim nghiêng về nơi ấy
Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại.
Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan.
Có một chiều anh nói phải xa em
Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại
Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái
Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim.
Đà Nẵng hôm nay bỗng im ắng lạ thường!
Những con đường thôi ngóng người qua lại
Đôi mắt trĩu buồn vương màu ái ngại
Sau cánh cổng viện kia... dông tố bão bùng.
Này những chiến binh áo trắng anh hùng!
Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng
Ở trong kia tất cả sẽ yên bình
Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...
(Thơ Nguyễn Thị Ngọc Uyển - Giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh)
|