Trước sự phát triển của công nghệ và dân số ngày càng già hóa, những năm gần đây, ngành kinh doanh sách ở Nhật Bản đã chứng kiến các hiệu sách nhỏ, độc lập mọc lên trên khắp đất nước phục vụ đa dạng thị hiếu, trong khi các cửa hàng lớn hơn đang thử nghiệm nhiều mô hình mới mang lại trải nghiệm sang trọng, độc đáo.
|
Khu vực Jimbocho được xem là “thánh địa” của người yêu sách. Nơi này ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng sách độc lập kiểu mới - Ảnh: Taidgh Barron |
Ngay bên ngoài lối ra phía bắc của ga Chofu (Tokyo, Nhật Bản) là Shinko Syoten - một hiệu sách truyền thống mà cha vợ Hideharu Yahata mở vào năm 1968, thời điểm Nhật Bản đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Năm 1960, một loạt tạp chí lớn được thành lập, bao gồm Josei Seven, Shukan Post, Weekly Playboy và Weekly Shonen Jump - tạp chí manga bán chạy nhất trong lịch sử. Các nhà văn như Seicho Matsumoto và Sohachi Yamaoka cho ra đời những cuốn tiểu thuyết “bom tấn” bán được hàng triệu bản.
Năm 2002, Hideharu Yahata rời bỏ công việc kỹ sư tại một công ty sản xuất và bắt đầu làm việc tại hiệu sách của gia đình. Đây cũng là thời kỳ trầm lắng của giới kinh doanh sách. Nhật Bản rơi vào giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài vào đầu những năm 1990. Mặc dù vẫn còn nhiều hiệu sách ở Chofu nhưng mọi thứ nhanh chóng đi xuống với sự xuất hiện của công nghệ mới.
“Từng người một đóng cửa… Trước khi có internet, các hiệu sách là nơi mọi người đến để tìm kiếm thông tin. Sau đó, các kênh bán lẻ khác như cửa hàng tiện lợi và Book Off - chuỗi cửa hàng bán sách cũ - bắt đầu nở rộ. Các hiệu sách trực tuyến như Amazon đã ảnh hưởng doanh thu của chúng tôi. Cuối cùng, điện thoại thông minh và mạng xã hội đã khiến số người mua hàng tại các cửa tiệm trở nên ít hơn” - Hideharu Yahata (56 tuổi) - đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội thương mại bán sách Nhật Bản (Nisshoren) - cho biết.
Theo Tổ chức Xuất bản Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin Nhật Bản, số lượng hiệu sách trên toàn quốc ở mức khoảng 20.000 vào năm 2002 đã giảm xuống còn 10.918 vào tháng 3/2024. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu xuất bản cho biết tỉ lệ truyện tranh điện tử so với bản in đã tăng vọt, chiếm 1/3 trong số 1.600 tỉ yên (khoảng 12 tỉ USD vào thời điểm đó) về doanh thu xuất bản vào năm 2023.
Mở một hiệu sách không hề dễ
Đám đông những người say mê hoa anh đào đang tụ tập tại công viên Ueno ở Tokyo vào một buổi chiều để vui chơi và ngắm hoa. Trong số đó có Takuro Kawakami đang đợi một người quen, tranh thủ lướt mạng xã hội và đọc truyện tranh trên điện thoại thông minh.
|
Một độc giả đang chọn sách tại một hiệu sách không có nhân viên nằm ở ga Tameike-Sanno (Tokyo) - Ảnh: Alex KT Martin |
“Tôi hiếm khi mua sách trừ khi có cuốn sách tôi đặc biệt cần. Hơn nữa, rất khó để đọc sách giấy khi bạn đang di chuyển hoặc cầm thứ gì đó” - một người buôn bán phụ tùng ô tô cũ ở tỉnh Saitama nói.
Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của Cơ quan Văn hóa của chính phủ, 47,3% số người được hỏi cho biết họ không đọc cuốn sách nào trong 1 tháng. Theo một nghiên cứu năm 2022 của Tổ chức Văn hóa công nghiệp xuất bản Nhật Bản, hơn 1/4 trong số 1.741 đô thị của Nhật Bản không còn hiệu sách.
Tổng thư ký tổ chức Nisshoren Kazuyuki Ishii cho biết: “Việc thiếu hiệu sách làm xói mòn thói quen đọc sách. Các trang thương mại điện tử như Amazon và Rakuten không thể lấp đầy khoảng trống đó. Chỉ sự tồn tại của một hiệu sách cũng góp phần tạo nên văn hóa đọc của một khu vực”.
Tuy nhiên, việc mở một hiệu sách không phải là điều dễ dàng. Nó có thể tiêu tốn hàng chục triệu yên tùy diện tích cửa hàng. Bên cạnh việc tìm kiếm mặt bằng và nhân viên phù hợp, các chủ hiệu sách cần có nguồn vốn nhất định để bổ sung sách mới. Bên cạnh sự sụt giảm doanh số bán hàng trong những năm gần đây của các tạp chí, vốn từng là nguồn thu chính, mở một hiệu sách không phải là hướng đi dành cho những doanh nhân muốn kiếm tiền nhanh chóng.
Trong ngành kinh doanh sách ở Nhật Bản, 3 “người chơi” chính là nhà xuất bản, nhà phân phối và người bán sách. 2 nhà phân phối lớn là Nippon Shuppan Hanbai Inc. (được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Nippan”) và Tohan Corp. Với khoảng 200 ấn phẩm phát hành mỗi ngày, hầu hết những hiệu sách đều dựa vào các nhà phân phối này để lựa chọn và cung cấp những gì họ bán. Nói cách khác, việc lựa chọn sách để bán phần lớn bị ảnh hưởng bởi thuật toán của các nhà phân phối chứ không phải bởi thị hiếu và chiến lược của các chủ hiệu sách.
Mô hình kinh doanh sách bền vững
Mỗi ngày, có hơn 80.000 hành khách đi qua ga tàu điện ngầm Tameike-Sanno của Tokyo Metro. Dù lượng hành khách đông nhưng không có hiệu sách nào quanh đây. Nhà phân phối đã mở một nhà sách bên trong nhà ga vào tháng 9/2023.
|
Người mua sách tại Hontasu cần truy cập mã QR để thực hiện việc thanh toán không tiền mặt - Ảnh: Alex KT Martin |
Kotaro Minami - Giám đốc thương hiệu Nippan quản lý Hontasu, hiệu sách hoàn toàn không có nhân viên đầu tiên ở Nhật Bản - cho hay: “Doanh số bán hàng của chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi số lượng hiệu sách giảm sút. Vì vậy, chúng tôi buộc phải nghĩ ra một mô hình kinh doanh bền vững để các cửa hàng tồn tại”.
Để mua sách ở Hontasu, khách hàng cần truy cập mã QR bằng điện thoại thông minh thông qua ứng dụng nhắn tin Line. Tất cả các khoản thanh toán đều không dùng tiền mặt. Theo Minami, đến nay, trung bình có khoảng 200 đến 250 người ghé thăm hiệu sách vào các ngày trong tuần, khoảng 40% trong số đó có mua hàng.
Hontasu là một trong những mô hình mới của ngành kinh doanh sách trong những năm gần đây. Nippan cũng điều hành Bunkitsu - một cửa hàng sang trọng ở Roppongi vừa là quán cà phê vừa là không gian làm việc. Tại đây, khách có thể đọc và mua những cuốn sách được tuyển chọn. Phí vào cửa là 1.650 yên.
Cho thuê kệ sách
Đã 1 năm kể từ khi Masayuki Waki - một nhà văn - chuyển cửa hàng sách Bookshop Traveller từ khu phố thời thượng ở Shimokitazawa đến một ngôi nhà 2 tầng trong khu dân cư Setagaya Ward, gần ga Soshigaya-Okura. Tầng 1 có rất nhiều kệ bán cả ấn phẩm cũ và mới, từ sách tranh dành cho trẻ em đến tiểu thuyết tiếng Anh. Mỗi kệ có 1 người thuê với giá 4.400 yên/tháng.
Waki đã mở cửa hàng Bookshop Traveller vào năm 2018 và là một trong những người tiên phong trong xu hướng cho thuê kệ sách. “Cửa hàng hoạt động như một trung tâm dành cho những người yêu sách cũng như không gian tổ chức sự kiện và các hoạt động quảng cáo” - anh nói.
Các cửa hàng tương tự đã mọc lên trên khắp Nhật Bản, tạo môi trường cho những người mê sách tương tác với nhau và nuôi dưỡng văn hóa đọc trong cộng đồng. Ví dụ: Hiệu sách Passage ở Jimbocho mở cửa vào năm 2022 lấy cảm hứng từ những con phố mua sắm ở Paris, có các kệ được đặt tên theo các con đường ở Pháp. Mỗi kệ do 1 người thuê điều hành.
Waki cho biết các cửa hàng sách truyền thống dần bị xóa bỏ từ đầu những năm 2000 và giờ đây, chúng xuất hiện với nhiều hình thức, chẳng hạn không gian kết hợp nơi bán sách cùng với quần áo, cà phê, văn phòng phẩm và các hàng hóa khác. Số lượng các cửa hàng này đang tăng lên, với khoảng 100 hiệu sách được mở vào năm ngoái.
Lịch sử của giấy cói đã có từ hàng ngàn năm trước và tầm quan trọng của sách giấy là không thể phủ nhận. Các hình thức kinh doanh sách ngày càng phong phú là minh chứng cho sức hấp dẫn lâu dài của chúng.
Hà Thụy