Chuyện chưa kể về chiếc mõ Nam Lân huyền thoại

02/09/2015 - 13:55

PNO - Chiếc mõ Nam Lân huyền thoại đã bị giặc Pháp đập tan tành, nhưng sau đó là hàng chục chiếc mõ khác được khai sinh.

Dạo một vòng làng xưa Tân Thới Nhứt (từ P. Tân Thới Nhất, Q.12 sang xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP. HCM), nghe lòng như reo. Bà Điểm giờ đã ồn ào phố thị với xe cộ ngược xuôi giữa những làn đường thênh thang. Nhà cửa, hàng quán đan xen, sầm uất. Chợ làng chỉ còn phảng phất chút dấu xưa của buồng cau, trạc trầu gợi nhiều hoài niệm.

Chiếc mõ huyền thoại

Chúng tôi xuôi xe máy chạy từ Ngã Ba Giồng về đền làng Tân Thới Nhứt. Ngồi trước chánh điện ngôi đền, nghe gió lao xao xuyên qua hàng cau với những dây trầu quấn quanh, xanh mướt như gợi lên âm vang đó đây tiếng mõ Nam Lân hiệu lệnh cho những cuộc khởi nghĩa năm xưa đang giục giã.

Chiếc mõ Nam Lân huyền thoại đã bị giặc Pháp đập tan tành, nhưng sau đó là hàng chục chiếc mõ khác được khai sinh. Một phiên bản của nó nằm im trong ngôi đền làng kia, lắng nghe tiếng thời gian trôi qua từng ngày. Chiếc mõ trông nhẵn bóng, hiền từ vậy mà đã từng làm điếng hồn bao kẻ địch.

Chuyen chua ke ve chiec mo Nam Lan huyen thoai
Các đoàn viên thanh niên đang tề tựu ở sân nhà ông Phan Văn Đối, nơi nuôi giấu nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai năm 1936-1939 - ẢNH: PHÙNG HUY

Tiếng mõ Nam Lân là sáng kiến của các lão nông ở ấp Nam Lân, Bà Điểm. Theo quy ước của các nông dân Nam Lân, tiếng mõ sẽ có lời riêng của nó. Nếu vang từng hồi kiểu này là báo động giặc đổ quân ruồng bố; mõ vang kiểu kia là tiếng gọi nhau tập họp, sáng sớm mai đi biểu tình; khi tiếng mõ nổi liên hồi là nhằm khủng bố tinh thần giặc...

Cả ấp chỉ có một cái mõ, để dân trong làng cùng nghe. Mỗi lần khua mõ, hai thanh niên sẽ cùng dùng đòn tre cột dây khiêng mõ, một người dùng dùi đánh vào. Đánh một lúc, phải di chuyển nơi khác, tránh địch phát hiện.

Ngay sau đó, nhiều người lấy thau chậu, thùng thiếc ra gõ theo nhịp. Những đợt khủng bố tinh thần giặc, dân Nam Lân còn gõ nồi niêu xen lẫn tiếng tù và. Mỗi lần xong nhiệm vụ, các anh lại mang mõ giấu vào một ngôi mộ giả trong nghĩa địa ấp Nam Lân.

Tiếng mõ Nam Lân vang vọng khắp vùng Bà Điểm. Mỗi lần nghe tiếng mõ, giặc co cụm trong đồn bót, đó cũng là thời cơ các chiến sĩ ta rải truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ…

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, từ lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam Kỳ, cùng với tiếng mõ Nam Lân, nhân dân mười tám thôn vườn trầu đã đồng loạt đứng lên.

Ngay trong đêm 22/11/1940, các lực lượng khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ được quận lỵ Hóc Môn, nhưng sáng hôm sau, giặc Pháp chiếm trở lại quận lỵ.

Một cuộc đàn áp đẫm máu đã diễn ra, mười tám thôn vườn trầu bị cày xới, nhiều nhà dân bị đốt phá, cán bộ, đảng viên, người dân bị bắn giết, vườn tược bị dẫm nát, chiếc mõ Nam Lân bị mang ra đập tan tành.

Chẳng lâu sau, mõ Nam Lân mới lại ra đời, không chỉ là một cái. Tiếng mõ lại vang rền, cùng cả dân tộc làm nên cách mạng mùa thu lịch sử…

Kỷ vật mãi tinh khôi

Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất khi đến Bà Điểm là sau hơn 70 mùa thu trôi qua, nhưng bộ bàn ghế mà các nhà cách mạng ngồi dự Hội nghị Trung ương 6 (6-8/11/1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì vẫn còn được giữ nguyên vẹn và nằm đúng nơi trang trọng nhất ở ngôi nhà số 63/5 ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM.

Sáng ngày 1/9, cùng với các bạn đoàn viên thanh niên xã Bà Điểm, chúng tôi ghé thăm căn nhà có bộ bàn ghế này.

Chủ nhân mới của ngôi nhà (đã qua hai-ba lần sửa chữa, nâng cấp) giờ là chị Nguyễn Thị Hòa tự hào nói: “Đó là tài sản quý giá nhất của gia đình tôi”. Chị Hòa về xứ này làm dâu tính ra đã 40 năm, bộ bàn ghế đã được truyền qua ba đời.

Chị Hòa kể, lúc sinh thời, cụ Trần Văn Cứng (cha chồng chị Hòa) vẫn tự tay lau chùi cho bóng rẫy, mỗi năm ông lại nhắc cháu con mang ra đánh dầu bóng, lau mạng nhện. Ông chỉ cháu con chỗ này bác Hà Huy Tập thường ngồi, chỗ kia là ghế chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ... và nhắc con cháu bảo tồn di vật.

Bước vào căn nhà của ông Phan Văn Đối ở ấp Trung Lân, nơi nuôi giấu nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai những năm 1936-1939, tim tôi như nghẹn lại.

Chiếc vòm cửa cong cong, những thanh gỗ dẹt dài ngăn vách buồng, chiếc tủ treo áo quần cổ xưa của gia chủ với cái ổ khóa dài gỉ sét… tất cả dường như hãy còn nguyên vẹn như ngày nào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI