Chuyện chưa biết về tên đường Trần Ngọc Diện ở TPHCM

11/07/2023 - 06:16

PNO - Đường Trần Ngọc Diện nằm gần UBND phường Thảo Điền, TP Thủ Đức và giao nhau với nhiều đường. Bảng tên đường khá xa lạ này thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới nghiên cứu về văn hóa, lịch sử.

 

Tác giả  (bên phải) và nhà nghiên cứu  Nguyễn Đắc Xuân  chụp ảnh tại  mộ phần của bà Trần Ngọc Viện
Tác giả (bên phải) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chụp ảnh tại mộ phần của bà Trần Ngọc Viện

Theo tài liệu ghi chép, bà Trần Ngọc Diện là đảng viên của Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, xã Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho. Vào cuối năm 1927, chi bộ được chỉ đạo thành lập một gánh hát cải lương, sử dụng sân khấu để tập hợp quần chúng nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Bà Diện đứng ra mở gánh hát Đồng Nữ Ban - gánh cải lương duy nhất quy tụ toàn nữ diễn viên.

Tuy nhiên, khi về ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang viếng mộ bà, chúng tôi phát hiện tên đường trên đã ghi sai. Theo gia đình, bà sinh năm 1884, mất năm 1944. Chủ gánh hát là cha bà - nhạc sĩ Trần Quang Diệm (1853-1925). Bà là cô ruột của giáo sư Trần Văn Khê và nhạc sĩ Trần Văn Trạch, tên chính xác trên giấy tờ (và trên bia mộ) của bà là Trần Ngọc Viện.

Vào tối 28/3/2013, giáo sư Trần Văn Khê đã tổ chức chương trình nghệ thuật định kỳ tên “Đồng Nữ Ban” tại 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TPHCM), giới thiệu về bà bầu của gánh cải lương đặc biệt Đồng Nữ Ban là Trần Ngọc Viện - cô ruột của ông.

Theo lời kể của giáo sư, bà Trần Ngọc Viện còn được gọi là cô Ba Viện, là con của nghệ nhân Trần Quang Diệm. Bà rất giỏi về đàn tỳ bà và đàn tranh. Sau khi chồng mất, bà lên Sài Gòn dạy gia chánh, thêu thùa, may vá, nấu ăn và đàn tranh tại Trường nữ sinh Áo Tím. Năm 1926, bà đưa học sinh của trường đi dự đám tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nên bị chính quyền thực dân buộc thôi việc.

Lá thư do bà Trần Ngọc Viện viết tay và ký tên năm 1938 gửi Trường trung đẳng học đường Mỹ Tho (tư liệu do Lê Ngọc Hân sưu tầm)
Lá thư do bà Trần Ngọc Viện viết tay và ký tên năm 1938 gửi Trường trung đẳng học đường Mỹ Tho (tư liệu do Lê Ngọc Hân sưu tầm)

Năm 1927, bà Trần Ngọc Viện được đồng chí Tôn Đức Thắng tin cậy, giao làm bầu gánh hát Đồng Nữ Ban kiêm thầy tuồng. Trong 2 năm hoạt động tích cực, gánh hát Đồng Nữ Ban đã công diễn các vở tuồng Giọt máu chung tình, Hiệp tình quân tử, Bên nghĩa, bên tình cổ động tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân miền Nam. 

Nhận thấy sự lớn mạnh lan tỏa của gánh hát, chính quyền thực dân ở Nam Kỳ ra lệnh cấm hoạt động với lý do tuyên truyền quốc sự và phá rối trật tự trị an. 

Gần đây, chúng tôi sưu tầm được lá thư do bà Trần Ngọc Viện viết tay và ký tên năm 1938 gửi Trường trung đẳng học đường Mỹ Tho. Như vậy, có thể thấy, tên của bà là Trần Ngọc Viện, không phải Trần Ngọc Diện. 

Lê Ngọc Hân
(Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI