Thai nghén suốt 5 năm, mất hơn một năm rưỡi thực hiện (trong đó có 8 tháng ròng hậu kỳ chỉ để có 15 phút kỹ xảo) là những con số bình thường đối với một đoàn làm phim chuyên nghiệp. Nhưng với một ê-kíp “tay ngang” như những bạn trẻ 8X, 9X từ xưởng phim Én bạc của Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng), đó là một nỗ lực phi thường dành cho Những cánh én đầu tiên - bộ phim tài liệu lịch sử tái hiện trận chiến trên không ở cầu Hàm Rồng ra rạp ngày 9/8 tại TP.HCM.
Chuyện một phim tài liệu được mang ra chiếu thương mại không mới. Nhưng bán vé một bộ phim có đề tài lịch sử như Những cánh én đầu tiên thì là chuyện lạ. Càng lạ hơn khi đây là sản phẩm từ một trường học, do những người có chuyên môn không liên quan gì đến phim ảnh cũng như kiến trúc, công nghệ thông tin thực hiện.
|
Hình ảnh trong phim tài liệu Những cánh én đầu tiên |
Hơn 40 phút phim là lời kể của Trung tướng Trần Hanh - phi công duy nhất sống sót sau trận chiến ngày 4/4/1965 giữa Không quân Việt Nam với lực lượng Không quân Mỹ tại cầu Hàm Rồng. Kèm theo đó là những hình ảnh tái hiện trận chiến bằng kỹ xảo máy tính kết hợp diễn xuất người thật.
Như tên gọi của phim, hơn 20 bạn trẻ của xưởng phim Én bạc cũng không khác gì những cánh én nhỏ âm thầm dệt nên mùa xuân - bộ phim - và họ cũng gắn bó với dự án không khác gì cách người lính Việt Nam năm xưa gắn bó với từng chiếc Mig trong trận Hàm Rồng. Ý tưởng thực hiện bộ phim không chiến này là của tiến sĩ Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân - một người thuộc thế hệ 8X.
Lòng tự ái dân tộc của một du học sinh trong thời gian học tập tại Mỹ từng xem những thước phim 3D về những trận không chiến của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam nhưng chỉ thấy tình huống máy bay Việt Nam bị bắn rơi đã khiến Lê Nguyên Bảo ấp ủ dự định làm một phim 3D tái hiện những trận chiến hào hùng của không quân ta. Vị đạo diễn kiêm đồng biên kịch này đã chọn cuộc không chiến tại cầu Hàm Rồng năm 1965, vì cho rằng trận đầu tiên thường đơn giản.
|
Phim trường, thiết bị, đạo cụ, diễn viên theo kiểu “cây nhà lá vườn” của đoàn phim Những cánh én đầu tiên |
Nhưng khi bắt tay vào thực tế, mọi thứ chẳng còn gì đơn giản, bởi làm phim tài liệu lịch sử luôn là chuyện khó, kể cả với những nhà làm phim chuyên nghiệp. Những ngày đầu của dự án, hơn 20 người của xưởng phim Én bạc phải vừa nghiên cứu công nghệ làm phim máy tính, vừa nghiên cứu tư liệu lịch sử để làm cho chính xác. Sau một năm nghiên cứu, ê-kíp triển khai song song hai khâu: ghi hình phỏng vấn các cựu phi công, sử gia, nhà nghiên cứu và dựng mô hình 3D các loại máy bay, vẽ các cảnh 3D, quay diễn viên vào vai các phi công.
Nhà sản xuất Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi phỏng vấn gần 10 người, nhưng hiện diện trong phim chỉ khoảng 6-7 người. Khâu tiếp cận nhân vật hơi vất vả, vì đoàn phim chưa nhận được sự tin tưởng từ họ, vì chúng tôi chỉ là ê-kíp tay ngang, như bác Trần Hanh đã từng hai lần từ chối. Có nhân vật buộc đoàn phải bám theo lịch làm việc của họ cả ngày chỉ để “bắt cóc” họ được vài phút, dù nội dung phỏng vấn chỉ dùng làm tư liệu chứ không ghi hình lên phim”.
“Tay ngang” làm phim nên mọi thứ cũng ở mức thô sơ, dã chiến, thiếu thốn đủ thứ. Thứ thừa duy nhất của ê-kíp Những cánh én đầu tiên chỉ là sự đam mê, khao khát mang đến cho người xem câu chuyện về ý chí, tinh thần quả cảm, anh dũng của những người lính Việt Nam, qua đó lan truyền niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước.
Trailer Những cánh én đầu tiên:
Tay máy kiêm biên tập Thái Bảo Long nhớ lại: “Thời điểm quay phim kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Chín, mà thời tiết miền Trung lúc đó mưa nắng thất thường. Có hôm dựng phông màn xanh xong, chuẩn bị diễn thì mưa xuống; có lúc trời nắng nóng liên tục khiến các diễn viên đổ bệnh vì bộ đồ phi công nhiều lớp rất bí, chưa kể vì là dân nghiệp dư nên mỗi bạn phải diễn đi diễn lại hơn chục lần mới đạt”.
Ấn tượng nhất trong phim là phần kỹ xảo với 300 khuôn hình miêu tả những pha đánh nhau trên không, trong khi dự kiến ban đầu chỉ có 60. Chính điều này đã kéo khâu hậu kỳ dài đến 8 tháng chỉ để làm kỹ xảo đẹp mắt ở phần cuối phim.
Những cánh én đầu tiên đã “bay lượn” trên màn ảnh Đà Nẵng (tháng Tư), Hà Nội (tháng Năm), giờ là TP.HCM và đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, nhưng giấc mộng làm phim không chiến của tiến sĩ Lê Nguyên Bảo chưa dừng lại. Anh thổ lộ ý định làm tiếp dự án khác: “Có thể là trận không chiến ngày 10/5/1972 và lần này là phim truyện để có thể diễn tả câu chuyện một cách mượt mà hơn - điều mà Những cánh én đầu tiên chưa làm được, do hạn chế của thể loại tài liệu”.
Trường quay của họ là sân Trường đại học Duy Tân, ánh sáng là mặt trời, diễn viên ngồi trong buồng lái tưởng tượng được vây bằng miếng bìa carton, trang phục phi công là những bộ đồ cũ đặt mua từ trang eBay, khâu lồng tiếng các chất giọng Nghệ An, Quảng Bình, Nam Định… cũng dùng lực lượng “của nhà trồng”. Hóa thân thành bốn vị phi công anh hùng - Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm lần lượt là Chu Nguyên, Minh Hiếu, Minh Quân, Xuân Long - những nhân viên của xưởng phim. |
Hương Nhu