PNO - Trong số hai đại diện của điện ảnh châu Á có tên trong danh sách đề cử Oscar 2022 Phim nước ngoài hay nhất, sự xuất hiện của bộ phim "Lunana: A Yak in the classroom" đến từ Bhutan thu hút nhiều chú ý, bởi điện ảnh Bhutan khá xa lạ với thế giới.
Sự góp mặt của bộ phim Lunana: A Yak in the classroom trên đường đua Oscar năm nay có thể xem như kỳ tích, bởi đây là sản phẩm đầu tay của một ê-kíp không chuyên, từ đạo diễn, diễn viên cho đến các vị trí khác trong đoàn làm phim. Bộ phim còn đặc biệt ở chỗ bối cảnh quay là thung lũng Lunana nằm ở độ cao gần 5.000m so với mực nước biển, nơi không có điện, sóng điện thoại và mạng internet.
Việc quay phim trong điều kiện hiện trường xa xôi hẻo lánh, lại không có điện (trong khi đoàn phim thì lỉnh kỉnh máy móc, thiết bị điện tử) là một chuyện rất khó tin, nhưng đạo diễn kiêm biên kịch của phim - Pawo Choyning Dorji - đã biến mọi thứ tưởng không thể thành có thể.
Những diễn viên nhí trong phim
Để đến được thung lũng Lunana, đoàn làm phim phải đi bộ suốt tám ngày vì không có đường dành cho ô tô. 75 con la, con lừa được huy động để vận chuyển pin, các tấm năng lượng mặt trời, 2.000 lít nhiên liệu, cùng một lượng lớn, thiết bị, lương thực, thực phẩm phục vụ cho đoàn trong hai tháng ghi hình. Đạo diễn Pawo Choyning Dorji đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho tình huống bộ phim không thể hoàn thành, nếu chẳng may những tấm pin mặt trời không đủ cung cấp năng lượng để hoàn tất các cảnh quay. Vì vậy, anh cũng không dám xem lại những cảnh đã quay vì sợ tốn pin, mà phải chờ đến khi bay qua Đài Loan (Trung Quốc) làm hậu kỳ. May mắn là nỗi lo của vị đạo diễn 39 tuổi này không xảy ra, ê-kíp đã hoàn tất bộ phim suôn sẻ với kinh phí vỏn vẹn 300.000 USD.
Theo chia sẻ của đạo diễn - biên kịch Pawo Choyning Dorji, kịch bản phim được anh lấy cảm hứng từ hai tác phẩm tài liệu nói về các trường học ở Bhutan là phim Price of knowledge, School among glaciers và từ câu chuyện của thầy giáo anh - ông Dechen Tshering - người đã có sáng kiến dùng phân bò làm chất đốt, và dùng than thay phấn khi đi dạy ở vùng xa. Chuyện phim Lunana: A Yak in the classroom kể về Ugyen - một thanh niên trẻ ôm ước mơ sang Úc làm ca sĩ, nhưng bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ là đi đến ngôi trường xa xôi nhất thế giới Lunana trên dãy núi Himalaya để dạy học. Sự thiếu thốn tiện nghi đã khiến Ugyen chỉ muốn nhanh chóng rời khỏi nơi này, nhưng rồi tình cảm của trẻ em, người dân trong làng và tâm hồn yêu ca hát, nghệ thuật của họ đã níu chân anh.
Đạo diễn phim Lunana: A Yak in the Classroom Pawo Choyning Dorji đang trao đổi với diễn viên nhí Pem Zam- người đóng vai Pem Zam trong phim
Ugyen dạy bọn trẻ biết chữ, thậm chí là thói quen đánh răng. Không có dụng cụ dạy học, anh tận dụng những mẩu than củi để viết bài giảng lên vách tường bằng bùn. Học trò không có vở, anh cắt những tấm giấy dán trên cửa phòng của anh để chống lạnh cho chúng viết. Những trải nghiệm trong thời gian lưu lại ở Lunana giúp Ugyen nhận ra ý nghĩa thực sự của hạnh phúc.
Trẻ như nền điện ảnh Bhutan
Từ những năm 1950, quốc gia Phật giáo Bhutan đã có rạp chiếu phim đầu tiên được xây dựng ở thị trấn Samdrup Jongkhar, nhưng rạp này lâu nay đã đóng cửa. Tính đến năm 2020, Bhutan có năm rạp phim: bốn rạp ở thủ đô Thimphu và một rạp ở quận Phuentsholing.
Rạp lớn nhất là Lugar Lobby (Thimphu) có sức chứa 880 ghế. Năm 1989, nền điện ảnh Bhutan chính thức xuất hiện với sự ra đời của bộ phim truyện đầu tiên Gasa Lamai Singye của đạo diễn Ugyen Wangdi, nội dung xoay quanh một bi kịch tình yêu. Mười năm sau, điện ảnh Bhutan có mặt tại hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc của giải Oscar với phim The cup của đạo diễn kiêm nhà sư Bhutan Khyentse Norbu, nói về hành trình vượt Tây Tạng của vị thầy tu để mang về một chiếc chảo vệ tinh và một chiếc ti vi cho người dân theo dõi trận chung kết World Cup 1998.
Trung bình mỗi năm, Bhutan sản xuất 15-20 phim, và các phim của nước này thường chịu ảnh hưởng của dòng phim Bollywood, bởi ở Bhutan không có trường đào tạo điện ảnh, nên các nhà làm phim nước này thường sang Ấn Độ học tập. Việc làm phim ở Bhutan nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính từ quốc vương và cộng đồng địa phương.
Tất cả các diễn viên vốn là ca sĩ, kỹ sư, sinh viên… đều lần đầu đóng phim, và họ gần như không cần phải hóa thân vào nhân vật, mà đơn giản chỉ là kể lại câu chuyện đời mình. Đạo diễn - biên kịch Pawo Choyning Dorji đã làm điều đó bằng cách góp nhặt những mẩu chuyện của họ và chỉnh sửa kịch bản để những gì diễn ra trên phim thật nhất có thể. Chẳng hạn câu chuyện của nhân vật nam chính Ugyen, hay cô bé lớp trưởng Pem Zam. Pawo Choyning Dorji gặp Sherab Dorji (đóng vai Ugyen) trong một quán bar nơi Sherab Dorji làm ca sĩ, trong thời gian chờ visa đi Úc để phát triển sự nghiệp ca hát. Khả năng ca hát, ngoại hình và sự tự tin của Sherab Dorji khiến Pawo Choyning Dorji lập tức ngỏ lời mời chàng trai này vào phim.
Hoàn cảnh của cô bé chín tuổi Pem Zam trong phim - một bé gái không có mẹ, sống với người cha nát rượu và bà của mình - cũng chính là cuộc sống thực của Pem Zam ngoài đời.
Phim có nhiều cảnh quay trong lớp học và những khoảnh khắc, biểu cảm của nhân vật đều là những phản ứng tự nhiên của diễn viên. Như cảnh Ugyen dạy học trò đánh răng, đạo diễn không tập trước cho các bé, mà để ống kính ghi lại luôn ánh nhìn ngạc nhiên của chúng khi lần đầu tiếp xúc với kem đánh răng. Vì thế, tuy là phim truyện, nhưng Lunana: A Yak in the classroom lại mang hơi thở chân thật như một tác phẩm tài liệu, và đây cũng là yếu tố ghi điểm cho phim.
Trailer phim Lunana: A Yak in the classroom:
Một “nhân vật” nữa trong phim cũng gây chú ý không kém, chính là chú bò Tây Tạng xuất hiện trong lớp học. Để “dụ” được diễn viên đặc biệt và to lớn này vào đúng vị trí ghi hình, đoàn phim phải dùng đến cỏ. Đáng buồn là chỉ bảy tháng sau khi bộ phim hoàn thành, chú bò đã qua đời vì tuổi già.
Trước thềm đêm nhạc tại TPHCM vào ngày 17/11, Michael Learns To Rock (MLTR) ra mắt single mới "A life to remember", hiện có mặt trên các nền tảng nhạc số.
Siêu nhạc hội 8WONDER Winter 2024-phiên bản supershow tại TPHCM chính thức được điền tên lên bản đồ lưu diễn Loom World Tour của nhóm nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons.