Chuyện chồng, con khó nói lắm người ơi

06/02/2021 - 06:00

PNO - Bên cạnh hàng triệu người nôn nao trở về quê vui tết cùng gia đình, không ít người đang tìm mọi cách để ở lại TP.HCM, lảng tránh những câu hỏi đầy ám ảnh của họ hàng, người thân.

“Nhớ nhà lắm chứ, mà sợ, không dám về”

Giọng chị T.K.D. (28 tuổi, ở Kiên Giang) nghèn nghẹn. Chị D. nhờ chủ quán bật bản nhạc xuân lớn thêm một chút, như sợ người đối diện biết được cổ họng mình đang rung lên.

“Nhà đâu có ai, ba má chỉ có tôi và thằng em trai. Nó thua tôi hai tuổi, lấy vợ ba năm rồi. Chắc nhà vắng, từ lúc thằng em lập gia đình, má cứ hối thúc tôi lấy chồng. Tôi mà lấy chồng cũng đâu có ở chung với ba má được. Nhưng mỗi lần gọi điện thoại, sau vài câu hỏi thăm, tiếp đến là hờn giận chuyện chồng con. Gọi điện thoại còn vậy, huống chi về nhà…”, chị D. bỏ ngang câu nói.

Mỗi khi gọi vào, má của chị cứ thở dài, “điểm danh” từ anh chị em họ đến mấy đứa bạn cùng trang lứa của chị, ai cũng con bồng con bế, còn chị… Nhất là tết năm nay, nhà hàng xóm lại gửi thiệp hồng.

Từ Giáng sinh, anh H.P.Đ. (30 tuổi, quê Đồng Tháp) không chỉ nhận làm ông già Noel đi phát quà mà còn tranh thủ hỏi thăm, kiếm việc làm thêm dịp tết. Anh gọi điện thoại về quê báo bận, hẹn tết năm sau mới về.

Anh cười lớn: “Ông bà cứ hối cưới, còn tôi có ai đâu mà cưới. Thôi đành lấy cớ ở lại làm thêm để có tiền cưới vợ. Lý do ấy “xài” được hai năm rồi, ông bà già cũng bắt đầu kêu không về tết thì giỗ ông nội phải dẫn bạn gái về ra mắt. Tới đâu tính tới đó, họ hàng hỏi hoài, tội nghiệp bà già cứ mong con dâu”.
Anh Đ. nói, anh chỉ tránh mặt mấy ngày tết, còn 26 tháng Chạp vẫn về phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa… Hôm sau, anh quay trở lại Sài Gòn, tránh né lời ra tiếng vào từ bà con hàng xóm.

“Hỏi lương thưởng, hỏi mang về cho ông bà già được bao nhiêu, kêu cưới vợ đi cho ông bà già nhờ… nhiều lúc anh em, bạn bè đang vui vẻ trở nên bực nhau vì bị mấy bà thím, bà dì so sánh. Ông bà già không hiểu, cứ nghe theo. Khách đi về thì bà già lại khóc, than thở không có cháu để bế rồi quay qua hờn giận.

Tết còn vui vẻ gì”, anh Đ. nhấp chút cà phê.

Càng gần tết, chị T.V. (25 tuổi, quê Quảng Nam) càng căng thẳng bởi khoản tiền thuê phòng phải trả hai tháng liền, tiền mua quà bánh cho gia đình, họ hàng, tiền lì xì… trong khi từ đầu tháng, công ty đã có thông báo thưởng hiện vật thay cho hiện kim. 

Nhiều đêm liền, trong giấc ngủ, chị mơ thấy họ hàng bên chồng chúc tết, hỏi chị có tin vui chưa, lấy chồng cả năm rồi sao không đẻ, phải sinh một, hai đứa cho ông bà vui... Thế là chị giật mình thức giấc, bật máy làm việc cho quên đi nỗi ám ảnh.

Chị V. ấm ức: “Chưa lấy chồng thì các bà cứ than vắn thở dài, lấy chồng lại bị soi chuyện con cái. Không phải chúng tôi không muốn sinh nhưng hai đứa vừa cưới xong thì dịch COVID-19 kéo đến. Công ty chồng tôi làm ăn khó khăn, vừa rồi vợ chồng tôi giấu gia đình ở quê, bán nhà để cố gượng qua dịch.  

Vợ chồng tôi dọn ra ở thuê, rất nhiều chi phí phải lo, có con lúc này khó khăn lắm. Hai đứa kế hoạch chứ có bị… tịt đâu. Chúng tôi nói với cha mẹ hết rồi nhưng ông bà vẫn lung lay mỗi khi người ta nói ra nói vào. Đợt này chưa kịp về quê, ông bà cứ gọi điện thoại, mệt mỏi vô cùng. Không về không được vì anh là con một. Còn nếu về, chắc tôi cáo bận, đóng cửa phòng làm việc”.

Ai dễ mắc trầm cảm theo mùa?

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm thể, Bệnh viện Thủ Đức TP.HCM, những ngày này, nhiều người đang mong đợi tết đến để về với gia đình. Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ, nhất là những người vừa đi làm hay các bạn ở độ tuổi “cặp kê”, tết là sự ám ảnh, áp lực.
Chuyên gia Hoài Yến cho biết: Những kỳ vọng từ gia đình; câu hỏi soi mói của họ hàng, hàng xóm không chỉ làm nhiều người trẻ ngượng ngùng, chán nản mà còn khiến nhiều người bị rối loạn lo âu, trầm cảm theo mùa. 

Có người “cạch” quê không về, có người về nhà nhưng viện lý do nhiều việc, nhốt mình trong phòng mỗi khi có khách đến chơi. Tết lẽ ra vui vẻ thì nay lại trở thành nỗi sợ hãi của những người con xa quê”.

Theo chuyên gia Hoài Yến, người bị trầm cảm theo mùa có những dấu hiệu trầm cảm ở một thời điểm nhất định trong năm. Càng gần tết, bệnh của họ càng nghiêm trọng hơn. Khi qua “mùa”, có người sẽ lấy lại được sự cân bằng nhưng có người do ám ảnh, sợ hãi quá độ mà rất khó vượt qua. 

Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm theo mùa, trong đó phụ nữ dễ mắc hơn nam giới. Giai đoạn gần tết, trầm cảm theo mùa thường rơi vào nhóm đối tượng từ 18 đến hơn 30 tuổi. Những người này buộc phải về quê ăn tết trong khi công việc chưa ổn định, tiền tiết kiệm ít, đến độ tuổi lập gia đình mà chưa có nửa kia… 

Thông thường, người bị trầm cảm theo mùa rất ít đến bệnh viện hay gặp chuyên gia tâm lý để tháo gỡ mà âm thầm chịu đựng. Đến lúc họ luôn rơi vào trạng thái buồn bã, mệt mỏi, ủ rũ, không còn niềm vui vào cuộc sống, công việc chậm tiến độ, dễ cáu gắt, nóng giận, bỏ mặc bản thân, suốt ngày nhốt mình trong nhà, tăng cân nhanh chóng… thì bạn bè mới phát hiện được.

“Đa số người đến tìm chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần khi thể trạng suy kiệt, mất ngủ kéo dài, hết niềm vui vào cuộc sống, bất cần… Khi tư vấn cho họ, bên cạnh những khó khăn cần tháo gỡ, chúng tôi tình cờ phát hiện nguyên nhân chính là nỗi sợ về tết. Chủ yếu họ bị “tra tấn” liên tục về chuyện chồng, con. Nhất là vùng nông thôn, trai, gái lớn mà chưa lập gia đình sẽ bị cho là bất thường, trở thành đề tài bàn tán mỗi khi có dịp họp mặt”, chị Yến nói thêm.

Theo chị Yến, ngày nay, nhiều thanh niên chọn cuộc sống độc thân không phải vì… ế, mà vì họ cho rằng không bị ràng buộc sẽ thoải mái, vui vẻ hơn. Nhiều người vẫn có người yêu, sống cùng người yêu. Tuy nhiên, họ chỉ muốn dừng lại ở tình trạng hiện tại, chưa muốn chuyện cưới xin. 

Vì vậy, người thân, đặc biệt là cha mẹ, hãy cảm thông, chia sẻ với các bạn trẻ, đừng quá đặt nặng việc kết hôn vô tình gây nên nỗi sợ về nhà cho con em mình. 

Khi gia đình là nơi người ta yêu thương, chia sẻ với nhau, những người con cũng sẽ “thèm” có một gia đình nhỏ cho riêng mình
Khi gia đình là nơi người ta yêu thương, chia sẻ với nhau, những người con cũng sẽ “thèm” có một gia đình nhỏ cho riêng mình

Nhắn gửi hai thế hệ

“Người lớn hãy chọn tình huống thích hợp rồi thủ thỉ với các bạn trẻ, trò chuyện nhiều hơn về hạnh phúc gia đình. Khi gia đình là nơi yêu thương, chia sẻ với nhau, những người con cũng sẽ “thèm” có một gia đình nhỏ cho riêng mình. Thay vì tạo áp lực, phàn nàn việc con cái phải lấy chồng, lấy vợ, hãy để cho các bạn có thời gian chọn lựa, quyết định cuộc sống cá nhân. 

Các bạn trẻ đừng vội trách cha mẹ mình nghe lời mọi người xung quanh, ép con cái sớm kết hôn. Cha mẹ nào cũng mong điều tốt đẹp đến với con mình. Phần lớn, cha mẹ chỉ sợ con mình quá lứa lỡ thì, xa nhà, trái gió trở trời không có người chia sẻ. 

Nhà là nơi để về, đừng để ý đến những lời phiến diện của người xung quanh. Nên thổ lộ với cha mẹ về kế hoạch trong tương lai, mẫu người mình mong muốn để xuân này rộn ràng, vui vẻ hơn thay vì tủi thân nơi đất khách”.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI