Chuyện cảm động về ông bố 'trăm con', chữa bệnh cho người nghèo

30/05/2019 - 15:44

PNO - Ông Bình đã trở thành địa chỉ cuối cùng trong hành trình đi tìm niềm hy vọng được sống, được bình phục của rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những đứa trẻ mắc các căn bệnh ngặt nghèo.

Ở cư xá La San (Q.Thủ Đức, TP.HCM), căn hộ của ông Nguyễn Văn Hòa Bình luôn trong tình trạng “náo nhiệt”, hoặc tiếng đau đớn khổ sở, khóc than xin giúp đỡ lẫn tiếng cười giòn tan của hạnh phúc vỡ òa.

Hơn hai mươi năm qua, ông Bình đã trở thành địa chỉ cuối cùng trong hành trình đi tìm niềm hy vọng được sống, được bình phục của rất nhiều bệnh nhân; đặc biệt những đứa trẻ mắc các căn bệnh ngặt: não úng thủy, nhược cơ, bại não... 

Ông bố trăm con

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghề y, từ nhỏ, ông Bình đã được cha cho đi theo tìm kiếm các cây thuốc và truyền lại những bài thuốc chữa bệnh. Lớn lên, ông theo một khóa học tại một cơ sở Đông y thuộc tỉnh Đồng Nai.

Sau khi “tốt nghiệp”, ông về công tác ở Hội Chữ thập đỏ TP.HCM. Ngay từ đầu, vốn không định tìm kiếm một danh hiệu hay chỗ đứng trong nghề; nên khi đủ kinh nghiệm, ông Bình nối gót cha, lui về chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người không còn khả năng chạy chữa theo chi phí của bệnh viện hoặc bệnh tình quá nặng, bị “trả về”. Căn hộ không biển hiệu, không dòng chữ quảng cáo, nhưng sự “mát tay” của ông Bình được nhiều người truyền tụng.  

“Đầu tiên, tôi muốn ai đến đây phải loại bỏ những bấn loạn, ý nghĩ tiêu cực để có sự lạc quan, thông suốt trong suy nghĩ” - ông Bình khẳng định. Để “chữa” cho thân nhân bệnh nhân, ông luôn phải tận tình, nhẫn nại giải đáp mọi thắc mắc cho đến khi không còn ai đưa ra câu hỏi nào.

Chuyen cam dong ve ong bo 'tram con', chua benh cho nguoi ngheo
Ông Bình và một bệnh nhi được ông điều trị

Khi đó, ông mới bắt đầu hành trình chữa trị, bào chế các đơn thuốc phù hợp, miễn phí cho bệnh nhân. Nguồn vốn để ông duy trì nghề chủ yếu từ người thân, như con cháu, anh chị - những người hiểu được “con đường” ông chọn, hoặc khoản tiền được tặng từ những bệnh nhân giàu có.

Cậu bé Nguyễn Hoàng Minh Thiện, quê ở Đồng Tháp là một trong rất nhiều bệnh nhi đang được ông Bình chữa trị. Hiện Thiện đã 4 tuổi. Anh Nguyễn Thái Hiền - cha cậu bé - vui mừng: “Con tôi giờ đã được như đứa trẻ lên một tuổi rồi. Con nằm biết lật qua lật lại, thi thoảng bật được tiếng mẹ, ba”.

Hai năm trước, Thiện chơi trong vườn nhà, trượt chân xuống mương nước. Khi được phát hiện, toàn thân Thiện tím tái, hơi thở thoi thóp. Hơn nửa tháng từ ngày được điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM, cơ thể em rơi vào tình trạng liệt cứng, hay bị co giật.

Bác sĩ kết luận, Thiện có nguy cơ nằm một chỗ do ô-xy không lên não đủ lượng, dẫn đến rối loạn hầu hết các chức năng. Để đối phó, Thiện phải được tiếp thường xuyên những liều thuốc giảm đau, chống gồng, chống co giật.

Bệnh tình con không giảm, cạn tiền, anh Hiền xin xuất viện về quê. Sau đó, được một người quen giới thiệu đến ông Bình, anh lập tức đưa con lên gặp, như phép thử và là hy vọng cuối cùng.

Do hoàn cảnh khó khăn, cha con anh được ông Bình cho ở lại suốt một tháng để chữa trị bằng phương pháp Đông y. Cơ thể đứa trẻ dần mềm mại, có phản xạ.

Thêm một năm kiên trì đi về, dưới “phép thuật” của ông Bình, Thiện đã có thể nhai được cơm, không cần phải xay nhuyễn như trước. “Bây giờ, cứ vài tháng một lần tôi tự lên “bố Bình” nhận thuốc về cho con. Thi thoảng, tôi mới đưa con lên cùng để “bố Bình” xoa bóp, tập vật lý trị liệu - anh Hiền chia sẻ.

Mấy chục năm hành nghề, ông Bình đã trả lại sự bình thường cho hàng trăm đứa trẻ. Không ít bệnh nhân lớn tuổi sống đời “thực vật” sau tai biến cũng được ông nhận chữa. Với ai, ông đều đối đãi bằng sự san sẻ, tận lòng. Họ thương mến gọi ông là “bố Bình”. Ông bố của trăm con.

Dẫu vậy, “ông bố” ấy trầm buồn: “Không phải bệnh nhân nào tôi cũng chữa trị thành công. Nhiều khi họ đến trong tình cảnh sinh mạng treo chỉ mành, hoặc đơn thuốc cần nhiều hơn các dược liệu quý hiếm”.

Hai cây đàn muốn “gả”

Ông Bình sống trong căn hộ hẹp. Không gian sinh hoạt của gia đình chiếm diện tích rất nhỏ, còn lại, ông dựng phòng, làm chỗ ở miễn phí cho các bệnh nhân và thân nhân khó khăn, xa xôi đến với mình.

Căn hộ đã cũ, nhưng vào nơi ông sống, không khỏi ngạc nhiên trước sự sáng bóng của hai cây đàn piano mà chủ nhân cho biết, là quà của các bệnh nhân. Nhiều năm trước, có người phụ nữ trẻ ăn vận sang trọng tìm đến căn hộ của ông Bình.

Cõng trên lưng cậu con trai 6 tuổi teo tóp, liệt tứ chi, chị khổ sở xin ông Bình cứu chữa, không chỉ cho đứa trẻ mà còn cho hạnh phúc đời mình. Chị kể, sau khi cưới một người Hàn Quốc giàu có, rồi sang xứ người định cư, chị những tưởng hạnh phúc đã viên mãn khi hai đứa con chào đời song sinh.

Nhưng sự đời oái ăm, trong khi một đứa khỏe mạnh, xinh đẹp; đứa còn lại èo uột, yếu ớt và ít khả năng nhận thức. Vợ chồng chị đã nhiều lần thử mang con đi gõ cửa khắp các bệnh viện tiếng tăm. Đứa trẻ càng lớn, hy vọng bình phục càng mòn dần. Cho đến một ngày, chị nhận được “chỉ thị” của gia đình chồng, khởi phát từ niềm tin chị và đứa trẻ chính là một… “phong thủy” xấu.

“Chỉ thị” yêu cầu chị trở thành một… người hầu, giúp việc cho gia đình, còn vị trí, danh phận của người vợ phải nhường cho người khác. Chị đau đớn, mang đứa con bệnh tật về Việt Nam.

Đứa trẻ ấy nhiều năm theo ông Bình trị liệu, hiện có nhiều tiến triển. Không dám khát khao một ngày con sẽ như một đứa trẻ bình thường, song niềm tin và hy vọng nơi người mẹ cho một ngày đưa con về Hàn Quốc, biết nhận cha, nhận anh không còn quá xa vời.

Chuyen cam dong ve ong bo 'tram con', chua benh cho nguoi ngheo
Ông Bình bên cây piano được tặng

Để tỏ lòng biết ơn, người phụ nữ đã mang tặng ông Bình món quà là cây piano rất đẹp. Sự vô giá của món quà, với ông Bình, còn bởi cây đàn có xuất xứ từ New York, Mỹ, được sản xuất từ những năm đầu thập niên 1920 bởi Công ty The Walters Piano danh tiếng.

Sự phức tạp của cây đàn ở hệ thống tự chơi bởi các bài hát in sẵn trên giấy kim. Là... "tự hát” hay khi có người đàn, âm thanh của cây đàn vẫn trong trẻo, thanh thoát hơn so với piano thông thường. 

Trong phòng trữ dược liệu của ông Bình còn một cây piano khác, cũng là món quà vô giá từ một bệnh nhân giàu có. Sau khi được ông Bình chữa chứng tai biến thành công, người này đã mang cây đàn mình yêu nhất tặng lại cho ông Bình, bày tỏ sự biết ơn.

Xuất xứ từ hãng Piano Baldwin (hãng sản xuất piano lớn nhất nước Mỹ), cây J & C Fischer này có thâm niên 138 năm tồn tại. Chất liệu bằng gỗ đỏ dát gỗ nu khiến thời gian chỉ càng làm “lên nước” sáng đẹp hơn cho cây đàn.

Ông Bình nói, thoạt đầu, ông không hề để ý đến giá trị quý hiếm của hai cây đàn được xem là lâu đời nhất của các dòng piano. Bạn bè đến thăm, ngạc nhiên rồi giúp ông kiểm chứng bằng cách liên hệ với các nhà sản xuất. Khi ấy, ông được chỉ dẫn các phương cách bảo trì, kiểm tra bởi các kỹ sư hoặc người có chuyên môn cao về thiết kế dòng piano cao cấp.

“Dù rất trân trọng, gìn giữ nhưng càng ngày, tôi càng thấy mình không còn xứng đáng với giá trị của hai cây đàn này” - ông Bình tâm tư. Từ nhiều lần đấu tranh tư tưởng bởi món quà là tất cả chân tình của bệnh nhân, ông Bình khẳng định, giờ đây muốn trao lại cho những chủ nhân… phù hợp, xứng đáng hơn mình. Nhưng nhiều người biết chuyện, hiểu rằng đó chỉ là sự khiêm tốn của ông Bình.

Ẩn sau đó là mục đích cao hơn, sự quy đổi thành tiền từ hai cây đàn giúp ông hỗ trợ tốt hơn các bệnh nhân của mình. Khi từng cây thuốc quý phải lội vào rừng sâu, những dược liệu hiếm phải đặt mua, thì tấm lòng ấy nơi “bố Bình” dành cho những “đứa con” - bệnh nhân đang giành giật sự sống hẳn lớn hơn sự sở hữu riêng tư các món quà tinh thần, dù là vô giá. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI