Chuyện cảm động về 13 bà mẹ không chồng nhưng có nhiều con ở Bình Định

08/09/2015 - 07:48

PNO - Các mẹ mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ riêng nhưng có một điểm chung đó là sự đồng cảm, tình yêu thương con trẻ.

Những người mẹ chưa một lần lấy chồng, sinh con nhưng vẫn được gọi bằng tiếng mẹ nghe sao thân thương. Đó là các mẹ ở Làng trẻ em SOS Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti đem tình thương của mình chăm sóc, nuôi dạy các em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp các em vượt qua mọi nỗi đau, những mất mát trong cuộc sống.

Không có con nhưng nặng tình mẫu tử

Con đường đất đỏ dẫn vào làng SOS Quy Nhơn vắng vẻ người qua lại và chỉ đến khi bước vào làng mới thấy không khí vui nhộn bởi tiếng trẻ thơ đang ê a tập đọc. Các em là những đứa trẻ có hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nghèo khổ nên mới phải nương tựa vào làng.

Ngôi nhà đặc biệt đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà số 11 với cái tên của một loài hoa, đó là hoa tường vi. Mẹ Nguyễn Thị Tám (43 tuổi) đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho các con mình, còn những đứa trẻ đang chăm chú ngồi học bài. Thấy có khách, chưa kịp hỏi thì giọng của những đứa trẻ cất lên nghe thật ấm lòng: “Cháu chào chú ạ”, còn mẹ Tám nhanh miệng nói các con lấy nước mời chú, mẹ rửa tay vô liền.

Chuyen cam dong ve 13 ba me khong chong nhung co nhieu con o Binh Dinh
Mẹ Nguyễn Thị Tám hạnh phúc vì được chăm sóc các con.

Câu chuyện thân mật giữa chúng tôi với mẹ Tám trong ngôi nhà đặc biệt bắt đầu như thế. Ban đầu mẹ Tám còn e ngại vì mặc cảm và nghĩ chưa làm được nhiều cho các con nên mẹ không muốn nói gì thêm, đến tên mẹ còn giấu. Trò chuyện hồi lâu rồi mẹ Tám cũng thổ lộ quê mẹ ở phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Mẹ Tám tâm sự: “Xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, đồng cảm với số phận của những bà mẹ sinh con ra mà không có điều kiện để chăm sóc, buộc phải gửi con vào đây. Phải sống xa con họ cũng rất buồn, đau lòng vì thương, nhớ con nên mình cố gắng bù đắp cho các con”.

Theo tìm hiểu, nhà mẹ Tám hiện có 5 người con, cháu nhỏ nhất hơn 2 tuổi, cháu lớn năm nay 11 tuổi. Nhưng đa số các cháu ở đây đều là con của những gia đình đặc biệt khó khăn, có cháu mồ côi cha hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, có cháu còn cha mẹ nhưng ốm đau không nuôi nổi đành gửi con vào làng.

 Cháu Đoàn Thị Cúc (8 tuổi, quê ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) nói: “Nhà cháu có 3 anh chị em nhưng bố cháu chết rồi, mẹ làm rẫy không có thể nuôi 3 chị em nên phải gửi cháu vào đây. Phải xa mẹ, cháu rất buồn nhưng khi về làng, cháu được mẹ Tám thương, chăm sóc như mẹ đẻ. Giờ cháu cảm thấy vui vì có thêm bạn bè, được ăn uống sinh hoạt tốt hơn khi ở nhà”.

Theo mẹ Tám, thường các cháu đang sống ở gia đình không được chăm sóc đầy đủ, quen với lối sống tự do. Vì vậy khi về đây phải mất cả tháng các cháu mới quen được sinh hoạt theo nề nếp. “Lúc các cháu mới về, những thói quen như trước khi ăn cơm không rửa tay, đi ngủ không rửa chân tay, đến việc đi vệ sinh cũng không biết. Tất cả mình phải chỉ từng li từng tí”, mẹ Tám chia sẻ.

Để có thể chăm lo chu toàn cho khoảng 10 đứa con, mỗi bà mẹ được nhận về làng đều phải qua một lớp đào tạo tại Hà Nội. Những người phụ nữ quen lam lũ, trình độ văn hóa chỉ đến cấp 2 không tránh khỏi những lúng túng với việc học hành.

“Cầm cây bút viết bài, học bài, rồi thi cử... Tất cả đều khiến chúng tôi bối rối. Thà bảo chúng tôi cuốc cỏ, dọn dẹp, giặt giũ còn thấy dễ dàng hơn. Nhiều lúc học bài không kịp, vào phòng thi, không ít người còn lo lắng, run rẩy đến phát khóc. Nhưng được sự động viên của cán bộ ở làng, chúng tôi đã vượt qua được”, mẹ Ngô Thị Đức (47 tuổi, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) hồi tưởng.

Chuyen cam dong ve 13 ba me khong chong nhung co nhieu con o Binh Dinh
Mẹ Ngô Thị Đức đang tắm cho con.

Nuôi trẻ lớn khó một, nuôi trẻ sơ sinh với các mẹ khó mười. Ngày 25/11/2011, đứa trẻ sơ sinh đầu tiên bị bỏ rơi trước cổng Làng trẻ em SOS Quy Nhơn. Bé được giao vào nhà Hoa Đồng Tiền của mẹ Đức. Cảm giác sợ làm rơi con trong lần đầu tiên ẵm bồng bé, lo lắng vì không một chút kinh nghiệm nuôi trẻ sơ sinh trong mẹ Đức nhanh chóng tan biến sau vài giờ đồng hồ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI