Chuyện cách ly của 3 phụ nữ

03/04/2020 - 11:36

PNO - Những ngày cách ly của mỗi người một khác, không ai giống ai.

Nhà có hai chị em gái. Chị A. cầu toàn nấu ăn giỏi, làm rau câu phải đẹp như hoa, luộc gà cúng vớt ra dáng trông phải thanh nhã hơn gà người khác luộc. Chị B. em gái chỉ biết có du lịch và chụp ảnh. Hôm nay lênh đênh biển đảo mai đã vờn mây đỉnh núi, trên Facebook mỗi ngày đều đặn đưa dần ảnh những chuyến đi.

Hai chị đều đã hưu, ngày thường mở mắt ra là cầm lấy điện thoại, vào Facebook xem ai like, ai bình luận đểu. Từ hôm có dịch, chị A. bớt đưa hình nấu ăn, chị B. bớt đưa hình đi du lịch, do tâm lý đang bị chi phối nhiều việc trọng đại hơn.

Thế rồi dịch kéo dài, các biện pháp chống dịch ngày càng xiết chặt. Chị A. đọc báo mãi cũng mệt, chị B. thì chồn chân. Lại thêm chị C. bạn trên Facebook đề ra thử thách 10 ngày, mỗi ngày post lại một kỷ niệm đẹp của những ngày còn “nhung nhăng”, cộng thêm một việc khiến ta yêu đời trong lúc “tự cấm túc”.

Được lời như cởi tấm lòng. Chị A. mỗi ngày nấu một món nho nhỏ, tỉ mẩn trang trí rồi chụp ảnh, chỉnh sáng, crop cho ngay ngắn rồi đưa lên. Chị B. mỗi ngày ra ban công chụp một ít hoa lá, sát sàn sạt thấy được cả lòng hạt sương, đưa lên và mọi người khen túi bụi. Cả hai đều thấy mình đang làm một việc tốt, giúp cho bạn bè và cả chính mình lên tinh thần, “chứ cứ ngụp lặn mãi trong số liệu dịch bệnh thì đầu óc trì trệ mất,” chị A. nói.

***

Nhưng bà cụ thì không nghĩ như hai con gái. Bà già lắm rồi, đã từng trải qua quá nhiều bể dâu của thời cuộc. Bà thấy mừng vì hai con mình không ủ dột, sầu não trong đợt dịch. Nhưng bà thấy lo vì sao chúng vẫn khoe được sự thảnh thơi, nào là ăn, nào là nấu, nào là ảnh “khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Hai con gái bà đều đã tuổi hưu, đáng ra phải có chút tế nhị với xã hội chứ, bà nghĩ thế. Còn bao nhiêu là tiểu thương méo mặt, người nghèo lo âu, sau dịch sẽ bắt đầu lại thế nào, và dịch khi nào mới hết…

Nhưng bà cụ không dám nói. Bà thuộc lực lượng câm lặng trong xã hội. Bà lại thuộc hàng “ưu tiên” của con virus corona. Những kinh nghiệm vượt gian khổ đã qua giờ chẳng ai thèm nghe nữa. “Mỗi thời mỗi khác”, con cháu bảo bà ngay khi bà mở miệng định kể chuyện gì. Thế là bà đành xem tivi, sau năm phút là đã chìm ngay vào những câu chuyện mưu mô của phim bộ Trung Quốc.

Mạch Nha

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI