Ở những vùng quê có đông người đi xuất khẩu lao động, nhiều căn nhà mới, khang trang đã mọc lên, cuộc sống của người dân cũng no đủ hơn. Nhưng cũng ở đó, nhiều gia đình đã ly tán hoặc không thể hàn gắn mâu thuẫn, con cái sa ngã do thiếu tình thương…
|
Nhiều làng quê ở tỉnh Nghệ An có nhà cửa khang trang nhờ tiền từ người đi làm việc ở nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, bên trong làng rất vắng vẻ và chỉ toàn người già, trẻ em - Ảnh: Phan Ngọc |
Có tiền nhưng mất hạnh phúc
Tháng 3/2023, chị L.T.M. - 38 tuổi, ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - đã đến tòa án, kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài suốt 17 năm. Nhìn người phụ nữ dáng người nhỏ thó dắt 2 đứa con nhỏ ra về giữa nắng trưa, nhiều người ngậm ngùi: “Có tiền nhưng mất hạnh phúc”.
21 tuổi, chị M. kết hôn với anh Đ.A.Q. - quê ở tỉnh Nghệ An. Vợ chồng họ rất yêu thương nhau, nhưng khổ nổi kinh tế quá khó khăn dù đã làm đầu tắt mặt tối. Năm 2013, anh Q. quyết định sang Hàn Quốc làm việc để kiếm tiền nuôi vợ con. Đợt đầu, anh kiếm được nhiều tiền, xây được căn nhà khang trang nên đăng ký đi chuyến nữa để kiếm ít vốn kinh doanh.
Trong thời gian chồng đi nước ngoài, chị M. dắt con về tỉnh Hà Tĩnh để tiện nhờ phía ngoại chăm sóc. 8-9 năm xa nhau, tình cảm vợ chồng dần nguội lạnh. Những nghi ngờ xuất hiện khiến họ không thể trao đổi với nhau qua điện thoại bởi mỗi lần nói chuyện là gây gổ, căng thẳng. Khi anh Q. về nước, vợ chồng họ đã có căn nhà và một số vốn như mong muốn của anh nhưng khoảng cách tình cảm giữa họ quá lớn, 2 bên thường xuyên lạnh nhạt hoặc cãi vã nhau. Năm 2022, vợ chồng họ đã nộp đơn ly hôn ra tòa.
Đã 4 năm trôi qua, nhiều người dân xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa quên được cái kết bi thảm của bà Chu Thị H. Sau gần 20 năm lao động ở Hàn Quốc, bà H. trở về quê khi đã kiếm đủ tiền để xây nhà cửa và còn dư một số vốn. Cuộc sống sung túc, nhưng tình cảm vợ chồng cũng không còn mặn nồng như xưa. Rạng sáng một ngày giữa tháng 2/2019, Lê Hải Châu - chồng bà H. - dùng dao đâm chết vợ rồi ra biển tự tử nhưng được người dân cứu sống, bị kết án 20 năm tù.
Hơn 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại Đồng, xã Cương Gián - nơi có rất đông người đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia - bà Dương Thị Hường cho biết, có nhiều cặp vợ chồng rơi vào bế tắc, sống ly thân, nhiều ông chồng sa vào rượu chè: “Lo nhất là chị em trẻ hiện nay, chồng đi nước ngoài, ở nhà không có việc làm, lại sẵn tiền nên thường tụ tập đánh bạc. Có người mất gần 2 tỉ đồng, sợ quá, bỏ nhà đi mấy tháng. Có những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), gửi con cho ông bà nuôi, con nghiện ma túy mấy năm trời mới biết”.
|
“Làng xuất ngoại” ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh chỉ còn lại hầu hết là người già và trẻ em, bởi người trong độ tuổi lao động đã ra nước ngoài - Ảnh: Phan Ngọc |
Chị Đặng Thị Thu - 38 tuổi, ở huyện Củ Chi, TPHCM - vừa trở về nước sau 5 năm làm việc ở Nhật Bản. Những ngày qua, chị cũng hạn chế gặp mặt bạn bè vì sợ phải nhắc đến chuyện buồn của gia đình mình. Chị kể: “Sau khi học xong trung cấp nghề, thấy công việc bấp bênh, làm mấy năm mà không có dư nên tôi sang Nhật Bản làm việc, được 3 năm thì về nước do mẹ bị bệnh nặng”.
Khi trở về nước, chỉ mới 25 tuổi nên chị Thu dễ dàng tìm được công việc ổn định với mức lương khá. Chị kết hôn khi ngoài 30 tuổi. Cuộc sống tạm ổn bởi mức lương của cả vợ và chồng cộng lại khoảng 20 triệu đồng/tháng. Kết hôn chưa đầy 1 năm, chị làm hồ sơ đi Nhật Bản. Cả gia đình và bạn bè đều thấy bất ngờ. Chị nói: “Lúc đó, gia đình và bạn bè đều khuyên tôi không nên đi, ở nhà lo cho hạnh phúc gia đình. Tôi lại nghĩ, mình cố gắng thêm vài năm để có kinh tế ổn định hơn”.
Ở Nhật Bản, chị Thu vừa đi học, vừa đi làm mà vẫn để dành được 10 triệu đồng/tháng. Mỗi kỳ nghỉ hè, chị mua vé về Việt Nam thăm chồng và lo hồ sơ để chồng cũng sang Nhật Bản làm việc nhưng không thành. 2 năm sau đó, do vướng dịch COVID-19, chị Thu không thể về nước được. Cũng trong thời gian này, cuộc sống hôn nhân của chị xảy ra lục đục, dẫn đến ly hôn.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Thu nhiều lần nhắc đến từ “giá như”. Chị nói nếu được chọn lại, chị sẽ không ra nước ngoài mà ở nhà vun vén hạnh phúc gia đình.
Những đứa trẻ thiếu tình thương cha mẹ
Loay hoay tìm vật dụng chặn lại cầu thang lên tầng 2 của căn nhà, bà Dương Thị Sen - 62 tuổi, ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián - cho biết, nhà chỉ còn bà và 2 đứa cháu nhỏ, không đụng tới tầng 2 nên ngăn lại kẻo các cháu leo lên, không may té ngã.
|
Bên trong những ngôi nhà bề thế ở “làng xuất ngoại” là nỗi cô quạnh của người già, trẻ em và nỗi lo hạnh phúc gia đình tan vỡ (trong ảnh: Căn nhà của bà Đậu Thị Hoa - xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - có 2 người con trai đi làm việc ở Hàn Quốc, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ) - Ảnh: Phan Ngọc |
Chồng mất từ nhiều chục năm trước, sức khỏe bản thân ngày một kém nhưng bà vẫn gắng lo chu toàn cho 2 đứa cháu nội (6 tuổi và 16 tháng tuổi) để vợ chồng con trai yên tâm làm ăn ở Tây Ban Nha. Bà nói: “Thằng thứ hai cũng mới sang bên đó làm với anh trai. Vợ chưa đi nên vẫn đang chăm mấy đứa con. Chắc đợi ổn định, nó cũng đưa vợ sang rồi gửi con cho tôi trông”.
Bà Đậu Thị Hoa - 55 tuổi, hàng xóm bà Sen - cũng lo chăm sóc 3 đứa cháu nội cho vợ chồng 2 người con trai đang ở Hàn Quốc. Bà nói, đứa dâu nhỏ sắp sinh con thứ hai bên Hàn Quốc, chắc sinh xong chừng 1 tuổi sẽ gửi con về cho bà nuôi: “3 đứa học 3 trường nên sáng nào tôi cũng phải nhờ thêm người mới kịp đưa chúng đi học. Chồng bận đi đánh cá nên mình tôi cũng hơi mệt. Biết sao được, gắng lo cho cháu để các con yên tâm làm ăn xa”.
Vợ chồng bà Hoa có 4 người con, nay 3 người đã lập gia đình và đều dắt nhau qua Hàn Quốc làm việc. Cô con gái út nay đang học lớp Mười hai, dự tính học xong cũng đi nước ngoài. |
Theo thống kê của UBND xã Cương Gián, toàn xã có hơn 700 cặp vợ chồng cùng đi XKLĐ. Từ hơn 10 năm trước, nhiều thôn ở xã này đã được gọi là “làng xuất khẩu”, “làng đi Tây”, nhà cửa, đường sá được xây dựng khang trang. Nhưng đổi lại, ở các thôn này, rất nhiều đứa trẻ bị thiếu vắng tình thương của cha mẹ nên sa ngã, hư hỏng.
Ông Nguyễn Công Mạo - Trưởng thôn Đại Đồng - cho hay, với hơn 700 người đang làm việc ở nước ngoài, cư dân thôn này hầu hết là người già và trẻ nhỏ. Do việc chỉ vợ hoặc chồng đi XKLĐ sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nên phần lớn người trong thôn sau khi sang nước ngoài đều tìm cách đưa vợ hoặc chồng mình sang làm cùng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 75.000 người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức thu nhập bình quân từ 17-35 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, người lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình từ 500-550 triệu USD. Trong đó, Yên Thành là huyện đứng đầu tỉnh về XKLĐ với gần 18.000 người, số kiều hối gửi về địa phương mỗi năm 200 triệu USD.
|
Thôn Đại Đồng, xã Cương Gián mọc lên nhiều ngôi nhà to nhờ nguồn tiền từ xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, ở đây cũng có nhiều câu chuyện bi hài liên quan đến đổ vỡ hôn nhân do đi xuất khẩu lao động - Ảnh: Phan Ngọc |
Gần 10 năm qua, nhiều xã ở huyện Yên Thành như Đô Thành, Sơn Thành, Bảo Thành phất lên nhanh chóng nhờ XKLĐ. Từ dòng ngoại tệ gửi về, người dân đua nhau xây nhà lầu, mua xe hơi “cho bằng bạn bằng bè”, nhưng nhà, xe phần nhiều “đắp chiếu” bởi chủ nhân đang ở nước ngoài.
Ông Vũ Văn Quyền - Phó phòng Lao động huyện Yên Thành - nhận định, ngoài mang lại những chuyển biến tích cực về kinh tế, XKLĐ cũng đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là trẻ nhỏ phải sống xa cha mẹ, ở với ông bà. “Những trẻ này được chúng tôi đưa vào danh sách trẻ có nguy cơ. Ngoài việc quan tâm, tặng quà vào những dịp lễ, chúng tôi cũng thường về các xã tổ chức truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh” - ông nói.
Kết hôn giả, hậu quả thật
Căn nhà 2 tầng nằm trên tuyến đường bê tông dẫn vào thôn Thanh Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình rộn ràng tiếng cười đùa của con trẻ, khác hẳn với gương mặt chị chủ nhà.
Chị Hồ Thị Ng. kể, do nợ nần và muốn có vốn lập nghiệp, chị sang Hàn Quốc làm công nhân may nhưng lại đi theo diện làm giấy kết hôn giả với người đàn ông có quốc tịch Hàn Quốc. Chị chưa từng gặp mặt “chồng”, mọi giao dịch đều thông qua người môi giới đến từ một công ty XKLĐ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chị nghĩ đơn giản là kết hôn giả để dễ dàng nhập cư Hàn Quốc, làm việc kiếm tiền.
Tuy nhiên, sau khi sang Hàn Quốc, mọi thứ không như lời người môi giới là “hết 3 năm, sẽ làm thủ tục ly hôn”. Chị Ng. luôn phải chịu sự quấy rối và đe dọa của người “chồng” có tên trên tờ giấy kết hôn đó. Sau 3 năm, chị yêu cầu ly hôn nhưng người đàn ông Hàn Quốc đòi số tiền lớn vượt ngoài khả năng của chị. Chị trở về quê, tìm thấy tình yêu đích thực và tổ chức đám cưới không hôn thú với người đàn ông cùng xã. Khi những đứa con của họ ra đời, chị không thể làm giấy khai sinh cho chúng.
Với mơ ước sang Hàn Quốc để đổi đời, gần 130 phụ nữ xã Thanh Trạch chọn sang Hàn Quốc làm việc nhưng hơn một nửa trong số đó đi bằng con đường làm thủ tục kết hôn giả với người Hàn Quốc. Đến bây giờ, không ít người phải chịu cảnh ngậm ngùi như chị Ng.
Chị Võ Thị B. - ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, từng kết hôn giả với người đàn ông Hàn Quốc - kể: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đi làm vài năm, có tiền rồi ly hôn với người chồng Hàn Quốc để về quê lấy chồng. Tôi nghĩ ly hôn với chồng giả là thủ tục đơn giản, ai ngờ rất khó khăn. Tôi đã nộp đơn rồi tìm hiểu, hỏi han khắp nơi mà vẫn chưa giải quyết được. Giờ lấy chồng thì phải chịu cảnh không hôn thú, có con thì phải chịu cảnh con ngoài giá thú. Tôi chỉ mong được ly hôn với chồng giả để cuộc sống hiện tại ổn định”.
Nên xuất khẩu lao động “chính ngạch” để được về thăm gia đình Một trong những nguyên nhân chính khiến những gia đình có vợ hoặc chồng đi XKLĐ rạn nứt là do thiếu thốn tình cảm, ít có thời gian quan tâm, gần gũi nhau. Đó là chưa kể, nhiều người khi đi XKLĐ về nước thì vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, ghen tuông do nghe điều tiếng từ mọi người, dẫn đến ly hôn. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi luôn tuyên truyền, động viên người dân đi XKLĐ theo đường chính thống bởi chỉ có như vậy, họ mới có thời gian nghỉ phép theo chế độ để về thăm nhà, hâm nóng tình cảm gia đình, tránh xa cách quá lâu. Ông Vũ Văn Quyền Phó phòng Lao động huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An |
Phan Ngọc - An Nhiên - Song An
Kỳ tới: Phát triển dịch vụ hỗ trợ để “ly hương mà không ly tán”