Chuyện buồn di sản

10/03/2013 - 00:55

PNO - PN - Nhìn lại quãng đường của các di sản phi vật thể thế giới sau ngày được vinh danh, một câu hỏi vẫn được đặt ra là có thật các di sản đã được bảo tồn tốt hơn và các nghệ nhân đã được trân trọng hơn?

Chuyen buon di san

Câu chuyện này vừa được thổi bùng lên khi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu (ảnh) ra đi tuần qua. Bà Cầu là nghệ nhân xuất sắc nhất của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam, đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Cả đời bà sống trong nghèo khó nhưng luôn nặng lòng muốn gìn giữ nghề xẩm cho con cháu.

Thế nhưng, chưa bao giờ bà chính thức được ngành văn hóa mời ra đứng lớp. Nghịch lý là cho đến khi bà qua đời, người ta mới phát hiện trên trang web của tỉnh Ninh Bình có hẳn một đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm” với kinh phí dự kiến hàng trăm triệu đồng. Giờ lấy ai truyền nghề để mà bảo tồn?

Chuyện tương tự cũng bắt gặp ở các di sản văn hóa phi vật thể thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận. Nhã nhạc cung đình Huế chỉ còn một nghệ nhân duy nhất là cụ Lữ Hữu Thi. Ca trù hiện còn vài ba nghệ nhân như bà Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc, ông Nguyễn Phú Đẹ, tất cả đều ở tuổi trên dưới 90. Quan họ có khá hơn, hiện còn 40 nghệ nhân được tỉnh Bắc Ninh công nhận.

Mấy năm gần đây, ngành văn hóa và các tỉnh thành nô nức lập hồ sơ xin UNESCO công nhận các di sản thế giới. Để hoàn thành mỗi bộ hồ sơ và sau đó là sự ra đời của những dự án bảo tồn đều tốn tiền tỷ. Nhã nhạc cung đình Huế nhận được khoản đầu tư đầu tiên là 344.000 USD vào năm 2005. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tỉnh Đắk Lắk đầu tư 48, 8 tỷ đồng để thực hiện Đề án bảo tồn giai đoạn 2012 - 2015, số kinh phí này tăng hơn tám lần so với giai đoạn 2007 - 2010. Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh cũng đang thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh” có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Vốn cho giai đoạn một của dự án là hơn 13 tỷ đồng. Sau một năm được vinh danh, hát Xoan Phú Thọ cũng đã nhận được một khoản kinh phí bảo tồn lên đến vài chục tỷ đồng. Tuy nhiên, những khoản tiền khổng lồ ấy vẫn chẳng thể cứu nổi các di sản phi vật thể đang hấp hối.

Mỗi năm, không ít nghệ nhân, những người lưu giữ vốn liếng di sản và truyền dạy ngón nghề nghệ thuật dân gian, lần lượt ra đi mà chẳng bao giờ được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Đến nay, sau gần chục năm, Bộ VH-TT-DL do vẫn còn vướng mắc nên chưa ban hành được thông tư xét tặng danh hiệu cho các cá nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Đó chưa chắc đã là điều khiến các cụ buồn. Buồn hơn là khi còn sống, các cụ dù muốn nhưng đã không thể truyền nghề một cách quy củ, bài bản và rộng rãi cho thế hệ sau bởi ngành văn hóa không mở lớp, mời thầy. Vậy thì bảo tồn kiểu gì đây?

Khi chính bản thân mình còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc cho con cháu đời sau thì ích gì mà phải chạy đua danh hiệu di sản thế giới UNESCO như cách làm của ngành văn hóa trong thời gian qua?

M. I. N. H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI