Hạnh phúc của mẹ, tác phẩm vừa giúp bộ đôi nhận giải Cánh diều hạng mục Biên kịch xuất sắc nhất mảng phim truyện điện ảnh, không chỉ cho thấy sự hợp tác ăn ý, mà còn là dấu mốc đáng nhớ cho tình bạn - tình đồng nghiệp đẹp kéo dài 20 năm giữa họ.
Kịch bản từng bị từ chối
Hạng mục Biên kịch xuất sắc thuộc về hai cây bút của một bộ phim vốn đã xảy ra tại giải Cánh diều 2005, với Bùi Thạc Chuyên và Nguyễn Thị Minh Ngọc (phim Sống trong sợ hãi), nhưng chiến thắng năm nay của Lương Kim Liên và Nguyễn Thị Ngọc Bích được chú ý hơn, vì lần đầu tiên có một cặp biên kịch nữ được tôn vinh, và tác phẩm giúp cả hai thắng giải cũng chính là “đứa con chung” thứ ba của họ.
Hạnh phúc của mẹ - dấu mốc đáng nhớ cho tình bạn, tình đồng nghiệp đẹp kéo dài 20 năm giữa Lương Kim Liên và Nguyễn Thị Ngọc Bích
Trước Hạnh phúc của mẹ, Lương Kim Liên và Nguyễn Thị Ngọc Bích đã cùng chắp bút kịch bản phim Lô tô (2017) và Mẹ chồng (2018). Điểm chung giữa ba kịch bản này là đều thuộc dạng “hàng đặt”, nhưng nếu hành trình đi tìm nhà sản xuất của Lô tô và Mẹ chồng khá suôn sẻ, thì Hạnh phúc của mẹ lận đận hơn nhiều.
Biên kịch Lương Kim Liên thổ lộ: “Cách đây ba năm, đạo diễn Huỳnh Đông - cũng là bạn học của tôi ở Khoa Đạo diễn Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - gợi ý viết một kịch bản phim chủ đề tình mẫu tử. Tôi chọn kể về người mẹ đơn thân mắc bệnh ung thư máu nuôi con tự kỷ, vì cảm thấy thân thuộc với câu chuyện này trong cuộc sống.
Tôi có ít nhất hai người bạn thân có con tự kỷ, và trong quá trình làm báo (Lương Kim Liên từng là phóng viên mảng y tế báo Sài Gòn Giải Phóng - PV), tôi cũng biết nhiều bệnh nhân ung thư chọn cách vui sống với căn bệnh hiểm nghèo, nên quyết định lồng ghép hai vấn đề này với nhau trong Mẹ Tuệ - tựa phim ban đầu của Hạnh phúc của mẹ”.
Biên kịch Nguyễn Thị Ngọc Bích nhớ lại, sau khi kịch bản hoàn thành trong bốn tháng, cả hai nhận ngay “gáo nước lạnh”: Huỳnh Đông cho biết anh đã đi chào hàng kịch bản, nhưng bị một số nhà sản xuất từ chối vì nội dung khó ăn thị trường.
“Tôi và Liên từng nghĩ đến việc chuyển hướng kịch bản sang hơi hướm hành động một chút. Chẳng hạn để nhân vật đứa con là bé Tim bị bắt cóc khiến mẹ Tuệ tìm cách trả thù và trở thành kẻ giết người. May mắn là sau đó nhà sản xuất Bá Cường đồng ý làm kịch bản Mẹ Tuệ”.
|
Phim Hạnh phúc của mẹ chiến thắng 7/12 hạng mục giải Cánh diều 2019 |
Tuy vậy, số phận lận đận dường như vẫn đeo bám Hạnh phúc của mẹ. Bộ phim bị khán giả tẩy chay ngay khi ra rạp, chỉ vì xì-căng-đan tình cảm của nam diễn viên chính trong một phim khác. Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”, đứa con chung thứ ba của hai cây bút nữ này thành công ngoài mong đợi về mặt nghệ thuật: thắng 7/12 hạng mục giải Cánh diều 2019, trong đó có hạng mục Biên kịch xuất sắc. Với bộ đôi Lương Kim Liên và Nguyễn Thị Ngọc Bích, giải thưởng không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn, mà còn như một minh chứng cho sự ăn ý từ đời thường cho đến công việc của họ - hai người đồng nghiệp - đồng hương.
“Vì ta cần nhau”
Với Kim Liên, đây là giải thưởng chuyên môn đầu tiên của một người từng làm báo, học đạo diễn sân khấu điện ảnh, nhưng lại theo đuổi con đường viết kịch bản. Nghề báo giúp cho chị có nhiều vốn tư liệu thực tế hơn hẳn những biên kịch khác, và niềm đam mê phim ảnh giúp chị “chuyển hóa” nguồn vốn quý đó thành những con chữ góp phần tạo nên hình hài của một bộ phim.
Tương tự, Ngọc Bích cũng từng viết báo, học đạo diễn sân khấu điện ảnh. Cả hai quen nhau khi cùng sinh hoạt câu lạc bộ điện ảnh ở Nhà Văn hóa Thanh Niên cách đây 20 năm. Tình đồng hương, sở thích phim ảnh khiến tình bạn giữa họ nhanh chóng nảy nở. Chính Kim Liên là người đã “dụ dỗ” bạn viết báo khi thấy Ngọc Bích có khiếu viết lách, và Ngọc Bích đã tham gia viết mảng văn hóa văn nghệ, phóng sự xã hội cho một số báo.
|
Biên kịch Ngọc Bích (trái) và Kim Liên (phải) nhận giải Biên kịch xuất sắc giải Cánh diều 2019 |
Ngoài ra, kịch bản điện ảnh đầu tay Sài Gòn anh yêu em do Ngọc Bích viết cũng nhận giải Biên kịch xuất sắc tại giải Cánh diều 2016. Ngược lại, sau khi chọn lối rẽ đi học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Ngọc Bích lại thuyết phục Kim Liên thử sức ở lĩnh vực mới này. Năm 2009, Ngọc Bích tốt nghiệp khóa đạo diễn điện ảnh thì cũng là năm Kim Liên quyết định nghỉ làm báo và thi tuyển vào lớp đạo diễn điện ảnh Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Sau Sài Gòn anh yêu em và một số kịch bản đã dựng thành phim truyền hình như Mắt lụa, Mật mã chuông gió, Ngọc Bích đã gắn với người bạn đồng hành dài lâu trong công việc là Kim Liên. Khởi đầu là kịch bản phim Lô tô, sau đó đến Mẹ chồng và Hạnh phúc của mẹ. Những kịch bản của hai chị đều mang đậm dấu ấn nữ tính từ chủ đề, câu chuyện cho đến nhân vật.
Nói về việc hào hứng “đẻ con” chung, biên kịch Ngọc Bích chia sẻ: “Nếu viết riêng, kịch bản sẽ đậm dấu ấn tác giả, nhưng ý tưởng dễ bị cạn nguồn, vì người viết phải tự đấu tranh, tự phản biện. Việc hợp tác giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thành công việc hơn, vì cả hai sẽ bổ sung hạn chế của nhau”. Thế mạnh về thoại của Ngọc Bích bổ sung cho hạn chế của Kim Liên.
|
Phim Mẹ chồng |
Thói quen xử lý tình huống theo hướng nhẹ nhàng, từ tốn của Ngọc Bích dung hòa “gu” thích những gì mạnh mẽ, khốc liệt khi xây dựng tình tiết của Kim Liên, nên kịch bản dễ hợp với số đông công chúng hơn. Tất nhiên trong quá trình hợp tác, mâu thuẫn đến nỗi “không thèm nhìn mặt nhau” vẫn có xảy ra, bởi cá tính và cái tôi nghệ sĩ mỗi người đều có, nhưng “vì chúng tôi là bạn bè thân thiết ngoài đời, nên khi bất đồng cũng dễ giải quyết hơn” - biên kịch Ngọc Bích giải thích.
Sau Hạnh phúc của mẹ, cả hai vừa hoàn thành chung một kịch bản về đề tài lịch sử theo đơn đặt hàng, và ấp ủ một dự án trinh thám, hình sự. Sự chuyển hướng lần này có lẽ sẽ là phép thử tiếp theo cho mức độ ăn ý của bộ đôi trong công việc. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa cần đi cùng nhau” - hơn ai hết, Kim Liên và Ngọc Bích hiểu rõ điều này.
Hương Nhu