Chuyện bình thường trong mùa dịch COVID-19

11/05/2020 - 06:01

PNO - Những chiếc khẩu trang với thông điệp yêu nước hoặc bán đấu giá bánh để quyên góp tiền cho nhân viên y tế... là chuyện bình thường trong mùa dịch.

Châu Mỹ đang hứng chịu đại dịch ở quy mô rộng. Trước COVID-19, hiếm khi khẩu trang được sử dụng bên ngoài bệnh viện, nay đó là điều bắt buộc ở nơi công cộng. Khu vực Bắc Mỹ kêu gọi duy trì thói quen đeo khẩu trang như một biểu hiện văn hóa trong giai đoạn “bình thường mới”. Theo “bước chân” của vi-rút, khi “tiến” vào châu Mỹ La tinh, ngoài phòng dịch, khẩu trang đang trở thành công cụ thể hiện cuộc sống hằng ngày một cách đầy màu sắc.

Các hình thức thể hiện bằng khẩu trang cực kỳ đa dạng, phản ánh văn hóa đậm chất ngẫu hứng của dân địa phương. Bên cạnh những chiếc khẩu trang theo chủ đề đấu vật ở Mexico, logo các câu lạc bộ bóng đá ở Argentina, hay nhân vật Batman ở Peru, một số nhà hoạt động còn viết lên đó những tuyên bố chính trị hoặc lan tỏa tình thương.

Emiliana Quispe, thành viên tổ chức nữ quyền địa phương Soones Creando ở La Paz (Bolivia) chụp ảnh với khẩu trang có dòng chữ Tây Ban Nha “Ở nhà không có nghĩa là im lặng” - Ảnh: AP
Emiliana Quispe, thành viên tổ chức nữ quyền địa phương Soones Creando ở La Paz (Bolivia) chụp ảnh với khẩu trang có dòng chữ Tây Ban Nha “Ở nhà không có nghĩa là im lặng” - Ảnh: AP

“Đó là một loại trang phục có sức tác động thị giác mạnh mẽ và là một cách thể hiện bản thân. Tôi thậm chí không cần phải nói chuyện với ai bởi tôi đang cố nói suy nghĩ của mình trên khẩu trang của mình rồi”, Lauren Fajardo, chủ sở hữu thương hiệu thời trang Dador ở 
Cuba, nói.

Hệt như mọi nơi, COVID-19 lây lan mạnh cũng là lúc các nhà thuốc nhanh chóng cháy hàng, đẩy giá khẩu trang lên cao, và người dân đã phản ứng nhanh chóng, các cơ sở sản xuất vào cuộc. Phụ nữ ở Havana tất bật trên máy may, tận dụng vải vụn làm khẩu trang miễn phí tặng hàng xóm. Ở Rio de Janeiro (Brazil), các cơ sở bị đình chỉ sản xuất trang phục lễ hội Carnival hào nhoáng, thay vào đó họ bắt đầu tạo ra những chiếc khẩu trang đầy tính nghệ thuật.

Alejandro Giammattei - Tổng thống Guatemala - đã xuất hiện trên truyền hình với khẩu trang khắc tên quốc gia, đồng thời, tuyên bố chính phủ của ông đã ủy thác sản xuất 4 triệu khẩu trang phát miễn phí. Tại thủ đô Peru, nhà thiết kế John Sanchez ngừng in hình ảnh trên cốc, áo thun, ông làm khẩu trang với thông điệp yêu nước hoặc biểu trưng của các tổ chức đang ở tuyến đầu chống dịch. Tương tự, hơn 40 công ty thời trang ở Colombia chuyển sang may công cụ phòng vi-rút tối thiểu này. Tại Bolivia, Hiệp hội Nữ quyền đang tạo ra những chiếc khẩu trang nhấn mạnh quyền của phụ nữ.

Trong khi đó, video vợ chồng Whitney Rutz và Paul ở Portland (Oregon, Mỹ) trang trí những hộp bánh quế lớn tại nhà đang gây cảm xúc mạnh cho cộng đồng mạng. Khởi đầu như một nỗ lực động viên bản thân, Rutz quyết định làm những cuộn bánh quế khổng lồ khác lạ nhằm bán đấu giá quyên góp tiền lo cho bữa ăn của nhân viên y tế.

Từ cuộn bánh đầu tiên bán được 300 USD, đến nay cô đã huy động được hơn 35.000 USD cho Ngân hàng Thực phẩm Oregon, đủ cung cấp hơn 105.000 bữa ăn. Không những thế, hành động của cô nhận được sự cộng hưởng cảm hứng cho các nghệ sĩ và người nổi tiếng ở địa phương cùng xắn tay vào công tác thiện nguyện. 

Một điều bình thường khác vừa được khởi đi từ sáng kiến của Ủy ban cao cấp về đối thoại liên tôn ở Vatican: ngày 14/5 tới, đúng một tuần sau ngày Phật đản, được ấn định sẽ là ngày mời gọi tín đồ các tôn giáo toàn cầu cùng ăn chay, cầu nguyện cho nhân loại thoát khỏi COVID-19. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI