PNO - 5g chiều, con hẻm 174 đường Lê Văn Lương, khu phố 2, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM xôn xao tiếng của những người bán vé số sau một ngày ngược xuôi trên các ngả đường. Họ về cùng xấp vé số cho ngày mới, kèm theo những bó rau cho bữa cơm chiều.
Chưa cơm nước gì, vợ chồng ông Trần Văn Chiến ngồi bệt xuống sàn, bày vé số ra và ghi chép cẩn thận vào sổ từng dãy số trong những xấp vé số vừa nhận. Ông phân trần, ghi lại là để tránh trường hợp người ta đổi vé số giả: “Đi cả ngày rã chân, hôm nào hên thì vợ chồng tôi bán được 500 tờ, kiếm được 500.000 đồng. Chỉ cần đổi sai 1 lần là coi như còng lưng trả nợ”.
Bà Nguyễn Thị Hai (bìa trái) trò chuyện, hỏi thăm công việc của những người bán vé số ở trọ trong nhà mình
Ông Chiến đã cùng vợ trọ ở khu này khoảng 6 năm. Năm nay 70 tuổi, nhưng ông chưa xác định được khi nào thì nghỉ bán vé số, về quê bởi về quê cũng phải tính chuyện mưu sinh. Quê ông ở xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa - nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Đánh bắt mỗi ngày chỉ đủ đổi mớ rau, cân gạo nên ngư dân lần lượt bỏ nghề vào TPHCM, người trẻ thì vào làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc làm thợ hồ, phụ hồ; người có tuổi thì làm nghề tự do. Người Sài Gòn rộng rãi, phóng khoáng nên nghề bán vé số cũng sống được. Kể từ đợt dịch COVID-19, công trình thưa vắng, công nhân thất nghiệp nên gần như cả xóm trọ đều đi bán vé số.
Vừa về đến phòng trọ, chưa kịp mở cửa, giọng chị Lê Thị Bách đã rổn rảng: “Có 200 tờ vé số mà ổng bán cả ngày cả đêm không hết, ngày nào tôi cũng đi bán phụ, mỏi nhừ cặp chân”. Quê chị Bách cũng ở đảo Nghi Sơn. Chị có 5 đứa con, đã dựng vợ gả chồng cho 3 đứa, nhưng cuộc sống khó khăn buộc chị phải rời quê. Vào TPHCM, chồng chị Bách làm phụ hồ nhưng mấy năm nay không có công trình, bèn theo vợ bán vé số. Không giỏi kèo nài nên xấp vé số 200 tờ của anh ngày nào cũng “tồn hàng”, chị Bách phải bán phụ. Vất vả nhưng chị chưa có dự tính về quê: “Tôi định cứ ở trong này. Ở đây dù sao cũng dễ làm, dễ sống, chỉ có làm biếng mới không có đồng ra đồng vô”.
Bóng chiều nhập nhoạng. Sau 1 ngày bán được gần 300 tờ vé số, trông ông Chiến có vẻ phấn khởi. Xong việc ghi chép, ông ra trước cửa phòng ngồi, thong thả nhìn lên cây xoài rậm rạp giữa lối đi của các dãy phòng trọ, nghe tiếng gà, ngỗng quang quác từ hẻm bên dội lại hòa cùng tiếng trò chuyện toàn giọng Thanh Hóa quê mình. Như được an ủi, ông Chiến trải lòng: “Xa quê cũng buồn, nhưng may là vào đây, thuê được chỗ trọ đầy tình làng nghĩa xóm, cũng được an ủi phần nào”.
"Tốt đất thì cò đậu"
Đang lục đục nấu cơm chiều, nghe tiếng bà Nguyễn Thị Hai - chủ khu trọ - vang lên đầu xóm, chị Lê Thị Nguyệt lò dò đi ra, giọng ngập ngừng: “Tháng này con kẹt quá, bà Sáu (bà Hai là vợ ông Sáu nên được người ở trọ gọi theo tên chồng) thông cảm, cho con nợ tiền thuê qua tháng sau”. Bà Hai đưa ngón tay lên miệng xuỵt, cố nén giọng vừa đủ 2 người nghe: “Mày nói nhỏ nhỏ thôi. Nói to, cả xóm họ nghe rồi ai cũng xin nợ, chắc tao đói”. Nói đến đó, cả hai cùng cười ngất.
Bà Hai cười bởi nợ tiền trọ là “chuyện thường ngày” ở đây nhưng hôm nay, bà làm ra vẻ nghiêm trang, bí mật. Nhìn nụ cười của bà chủ trọ, chị Nguyệt dường như cũng bớt ngại ngùng: “Mấy hôm trước, chú Tí (con trai bà Hai) tới thu tiền. Nghe chú tới mấy phòng kia, con lật đật khóa cửa im re, không dám ló đầu ra. Chú gõ cửa một hồi không có ai nên chú đi. Bữa giờ đi ngang qua nhà bà Sáu, con né miết”.
Nghe đến đó, bà Hai kêu lớn: “Hèn chi. Tao mắc công chuyện, kêu nó đi thu tiền mà lần nào về, nó cũng nói “không có má ơi”. Tao không tin, nghi ngờ thằng này tiêu xài thâm hụt rồi kiếm chuyện. Coi như bữa nay, tao biết nó không nói láo”. Bà Hai nói đến đó rồi đi. Đợi bà chủ nhà đi rồi, bà Trần Thị Cặn từ trong phòng kế bên mới ló đầu ra, chốt câu chắc nịch: “Mấy bà kiếm đâu ra chỗ nào hơn chỗ này, tôi cùi sát móng. Tôi lên Sài Gòn mấy năm nay, cũng ở chỗ này chỗ kia, lựa chọn dữ lắm, cuối cùng ưng chỗ này”.
Sự quan tâm, sẻ chia của gia đình bà Hai giúp những người lao động tha hương cảm thấy ấm lòng
Bà Cặn quê ở tỉnh Đồng Tháp, đã trọ ở đây 4 năm để đi bán vé số. Chồng bà đi làm bảo vệ, còn con gái 20 tuổi đi phục vụ nhà hàng. Bà nói, cả 3 người đều đi làm nên gia đình bà sống được, có dư, chứ ở quê không biết làm gì ra tiền. “Mình đi bán vé số thì cũng lội nắng như người ta làm đồng ở quê thôi, nhưng ở quê làm gì kiếm được mỗi ngày vài ba trăm ngàn như vầy” - bà so sánh.
Vẫn còn ngồi ngay ngạch cửa, chị Bách nói với sang: “Nói thiệt, xứ này người ta thật lòng với nhau, ăn nói chất phác, thương người, hay làm từ thiện. Ở đâu tốt đất thì cò đậu. Thế nên kẻ đi trước, người đi sau, vào đây kiếm sống”.
Tôi quay lại nhà bà chủ trọ trước khi rời khỏi xóm trọ. Ngồi ở bộ bàn ghế nhựa trước sân nhà với mớ sổ sách, bà Hai ghi ra cụ thể phòng nào, hộ nào có con đến tuổi tới trường cần đăng ký tạm trú dài hạn để được vào trường công lập cho đúng tuyến. Vừa làm, bà vừa kể.
Trước đây, ngôi nhà này và cả khu trọ 25 phòng phía sau là ruộng lúa. Bà Hai trồng lúa rồi nuôi gà, nuôi heo để nuôi 4 đứa con. Những đợt dịch heo tai xanh, cúm gia cầm, bà đều tự giác tiêu hủy gia súc, gia cầm để ngăn dịch bệnh lây lan. Những lần như vậy, coi như bà mất trắng, phải chạy ăn từng bữa. Vậy nên, kể từ năm 2010, khi chuyển hẳn sang kinh doanh phòng trọ, bà luôn nhớ về quãng thời gian khó khăn của gia đình mình để thấu hiểu cho những người lao động khó khăn. Bà thường xuyên cho người thuê trọ nợ tiền nhà 2-3 tháng, mà gần 15 năm nay, chưa bị ai giật tiền nhà. “Mình sống tình nghĩa, đàng hoàng với người ta thì người ta tự nhiên đàng hoàng lại với mình” - bà nói.
Nguyên mùa dịch năm 2021, bà Hai không đi đòi tiền phòng. Đã vậy, nhà bà có gạo, cá, rau gì thì cả xóm trọ đều được sẻ chia. Ai mang thai, đến ngày sinh nở, bà đều biết và thăm nom, cho tiền mua tã hoặc bữa ăn ngon. Ai có con đến tuổi đi học, bà chạy lo thủ tục nhập trường. Nghe phòng nào có tiếng cãi vã, có dấu hiệu “chồng chúa vợ tôi”, bà Hai nói câu chắc nịch: “Bây ở đây, dứt khoát không được như vậy”. Nhẹ thì bà rầy, nặng thì dọa báo công an, nên mấy năm nay, hiếm khi xóm trọ này xảy ra mâu thuẫn gia đình hay xích mích giữa các phòng. Có những người đã về quê ở hẳn, nhưng nghe tin họ bệnh nặng, bà Hai vận động, gửi tiền về quê hỗ trợ.
Khi được hỏi về những điều đó, bà Hai nghĩ mãi mới thốt ra một câu nhẹ như tênh: “Tự nhiên nó vậy à. Chuyện cũng bình thường chứ có to tát gì đâu”.
Thiên Thanh
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html