Chuyện bên cầu Long Kiển

22/01/2018 - 08:01

PNO - 20 năm trở lại đây, dân số của riêng vùng đất quanh cầu Long Kiển đã tăng gấp bốn lần,hàng chục cao ốc, chung cư mọc lên, lại thêm dòng người đổ từ Long An qua Sài Gòn nhưng cầu vẫn nhỏ như cả trăm năm trước.

Khoảng 21g30 ngày 19/1, cùng với tiếng đổ “ầm", nền nhà rùng mạnh một cái, màn hình ti vi chao đảo, rồi mất sóng. Ngoài kia bắt đầu í ới vọng vào mấy tiếng kêu không rõ. Chị Thu vừa bước ra trước hiên thì tiếng kêu đã chuyền vào sát bên, hàng xóm thất thần la lên: “Cầu sập”. Tiếng kêu lan đến đâu, người từ trong nhà tuôn ra đến đó. 

Chuyen ben cau Long Kien
Phần thân cầu Long Kiển oằn mình xuống sông Ảnh: Minh Trâm

Thăm thẳm đường về

Sáng 20/1, khúc sông vẫn chộn rộn những thợ điện, thợ cáp, công an, rồi người đi chợ, người đi coi cầu sập. Chợ Phước Kiển (ấp 1, xã Phước Kiển, H. Nhà Bè, TP.HCM) nằm sát bên cầu, vắng teo.

Chừng 10g, đã có mấy tiểu thương quẩy cái thúng sau xe, nói to với bạn hàng trong lúc chạy ra khỏi chợ: “Để chạy qua bển coi bán được chừng nào hay chừng đó đặng kiếm lại ít vốn".

“Bển" chắc là cái chợ đâu đó ở ấp 3, chứ chợ đằng ấp 1 này thôi thua rồi. Nhưng, chợ vắng không phải do người đi coi cầu sập. Từ sáng nay, người bên xã Nhơn Đức đã hết đường sang đây. Cây cầu coi nhỏ vậy mà đến lúc gãy rồi mới thấy nó lợi hại. Vì người Nhơn Đức hầu hết đều dùng dịch vụ phía Phước Kiển. Hơn nửa xã Nhơn Đức phải đi qua cầu mỗi ngày, để đưa con đi học ở Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, Trường tiểu học Tạ Uyên. “Nửa còn lại" cũng phải qua cầu, để vào trung tâm Sài Gòn làm việc.

Chuyen ben cau Long Kien
Chị Hồng Diễm (tiểu thương chợ Phước Kiển) buồn bã kể chuyện cây cầu có từ thời bà nội chị Ảnh: Minh Trâm

Cây cầu gãy đôi, hai xã Nhơn Đức, Phước Kiển nằm sát nhau trên tuyến đường Lê Văn Lương mà thành ra “gần nhà, xa ngõ". Người Nhơn Đức có thể vòng sang đường Nhơn Đức - Phước Lộc để vào trung tâm thành phố, đi xa hơn tầm 5km, nhưng để vòng qua đúng chỗ ấp 1, xã Phước Kiển ngay bên kia cầu thì phải đi xa tầm 10km, vì phải lên đến gần quận 7, đường Nhơn Đức - Phước Lộc mới vòng ra tới Lê Văn Lương. Cái chợ sáng ở lối này hầu hết là bán cho phụ huynh tiện đường đưa con đi học. Giờ đường đi học của bọn trẻ xa hơn gấp bảy, tám lần, lại không ngang chợ.

Sập cầu Long Kiển, tuyến đường Lê Văn Lương nối Long An với quận 7, TP.HCM coi như vô dụng. Mỗi sáng, công nhân phải đi vòng để đến các khu công nghiệp ở quận 4, quận 7. Dòng người hiếm hoi đi chiều ngược lại vừa tới ngã tư Lê Văn Lương - Phạm Hữu Lầu đã thấy tấm bạt to, ghi chữ “cầu sập", và chỉ lối rẽ trái. Cây cầu sắt oằn xuống mặt nước, mang theo một búi to dây điện kèm các loại dây cáp, ống nước. Từ đêm tới sáng mất điện, mất nước, bất tiện đủ đường.

Trăm năm dã chiến

Ngồi trước quán nước sau chợ Phước Kiển, ông Tám Thiên và ông Hai Hiếu túc tắc uống chung một chai nước, mặc kệ phía bên kia chợ, dân tình đang xôn xao chuyện cầu sập.

Nhắc tới cây cầu, ông Tám chép miệng một cái: “Cái cầu còn già hơn tui nữa, hồi tui sinh ra đã có nó rồi". Ông Tám năm nay 82 tuổi. Dường như chỉ khi nhắc tới cái đoạn “hồi tui mới sinh ra", hai ông già mới có cảm hứng nói chung cái chuyện mà bọn trẻ trong xóm đang nói.

Ông Hai Hiếu nói, cầu Long Kiển thời Pháp ngắn hơn, vì hồi đó sông hẹp. Sau này, nước chảy lở dần hai bên bờ, lòng sông rộng ra. Đến thời Mỹ chiếm đóng, cây cầu được xây lại, dài hơn, dưới mỗi chân sắt được gia cố bằng một ụ bê tông, dùng tới bây giờ.

Ông Tám Thiên chen vào: “Cây cầu làm kiểu dã chiến đó mà”. Nheo mắt nhớ lại sự lâu đời của cây cầu, ông Tám chợt bật ra câu hỏi: “Cô biết ông Bảy Viễn hông? Cây cầu này có từ hồi lính ông Bảy Viễn còn chạy rầm rập xứ này đó”.

Nhân vật Bảy Viễn được nhắc tên, như kéo cả một quá khứ lẫy lừng của vùng ven đô này về cùng cây cầu cũ kỹ. Bảy Viễn là một tướng cướp khét tiếng ở vùng quận 8, Chợ Lớn, rồi trở thành nỗi khiếp sợ của cả Nam kỳ lục tỉnh từ những năm 1940. Nhân vật này sống cuộc đời giang hồ bạt mạng, lúc là trộm cướp, khi là tướng lĩnh, có lúc theo cách mạng chống Pháp, có lúc mang lon thiếu tướng Pháp, rồi lại làm em kết nghĩa của vua Bảo Đại, giữ chức Đô trưởng Cảnh sát Sài Gòn, rồi Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định nắm mọi quyền hành ở Sài Gòn xưa.

Vùng đất Nhà Bè này khi đó gắn với Bảy Viễn, giai đoạn ông làm thủ lĩnh một trong những “đạo quân" tham gia lực lượng Bình Xuyên - một lực lượng du đãng chống Pháp ở vùng ven Sài Gòn.

Có lẽ, cầu Long Kiển, cùng ba cây cầu sắt dọc tuyến đường Lê Văn Lương nối từ Cần Giuộc, Long An lên quận 7, TP.HCM này đã từng lưu dấu chân đoàn quân của Bảy Viễn.

Gần một thế kỷ trôi qua, con đường đất qua bốn cây cầu đã có tên, rồi làm mới, trải nhựa.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, dân số của riêng vùng đất quanh cầu Long Kiển đã tăng gấp bốn lần, đường Lê Văn Lương mở rộng gấp đôi với hàng chục cao ốc, chung cư, lại thêm dòng người đổ từ Long An qua Sài Gòn ngày một nhiều, nhưng cầu vẫn nhỏ như cả trăm năm trước.

Những cây cầu nhỏ vô tình thu hẹp cả con đường. Đường rộng nhưng cầu hẹp, xe buýt không xuống đến Nhà Bè.

Khu vực này bao năm nay vẫn sử dụng phương tiện công cộng huyền thoại, là xe Daihatsu (xe buýt 12 chỗ ngồi), cứ mỗi chiều nước nổi, lại… đình công. Người dân bấy lâu vẫn lên tiếng vì “đường rộng, cầu chật, đến xe buýt cũng không được đi".

Nhưng từ đêm 19/1, đến xe Daihatsu cũng không còn chạy ngang đoạn đường này.

Còn nhiều cây cầu chờ... sập

Mấy năm trở lại đây, cầu Long Kiển xuất hiện riết trên báo cùng danh sách “những cây cầu kêu cứu của Sài Gòn". Cây cầu già nua, xuống cấp trầm trọng. Trên hành lang bảo vệ, những thanh thép đều đã hoen gỉ, thỉnh thoảng lại có thanh gãy đôi. Trụ cầu cũ kỹ trong lớp sơn loang lổ pha mảng gỉ sét.

Chuyen ben cau Long Kien
Chợ Phước Kiển vãn sớm vì ế ẩm - Ảnh: Cao Hoài An

Lòng cầu rộng chừng 3m, bề mặt lót bằng những vỉ sắt lớn, nhiều đoạn cong vênh. Thỉnh thoảng, lại có cái sà lan từ dưới sông húc, đổ khuỵu một khoảng, cầu được phong tỏa để gia cố mươi ngày, rồi… tăng mức tải trọng, từ 550kg, đến 1 tấn, rồi 3 tấn, và mới đây, cầu được nâng mức tải trọng lên 3,5 tấn. Mỗi lần xe chạy qua, những mối giao giữa các vỉ sắt lại bật ra khỏi nhau, va với khung cầu, kêu rầm rầm.

Cây cầu mỗi sáng, mỗi chiều đều ken đặc người xe. Đầu cầu phía Nhơn Đức có một bốt bảo vệ, nhưng việc điều tiết xe đã có đèn giao thông. Hễ bên này có xe lớn lên cầu là bên kia phải dừng, dựa vào đèn xanh, đèn đỏ.

Mỗi lần có kẹt xe, mới thấy vai trò của anh bảo vệ áo cam. Cầu chỉ rộng bằng nửa đường, mỗi ngày ít nhất hai lần, đường Lê Văn Lương bị “tắc" lại ngay cầu, rồi kẹt xe dài đến tận trường Nguyễn Văn Quỳ (cách đó chừng 800m). Khi dân tình hai phía đang đối đầu nhau giữa cầu, không tiến không lùi được, hai anh lại chia nhau chặn xe, rồi phân làn, “giải cứu" dòng người cùng chiếc cầu già nua.

Phía dưới, dòng nước vẫn cuồn cuộn.

Đường Lê Văn Lương có đến bốn cây cầu như vậy. Theo người dân, “cầu Rạch Tôm còn xuống cấp thảm hơn cầu Long Kiển". Cách đây một tháng, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết, đầu tháng 6/2018, sẽ làm lại cầu Rạch Đỉa, Rạch Tôm, còn cầu Long Kiển, Rạch Dơi đang được lập dự án.

Cây cầu mới vẫn còn nằm trên dự án, mà cầu cũ đã sập. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI