Đào tiên (người miền Nam gọi là quả mận, người miền Bắc gọi là quả roi - loại quả biểu trưng cho tuổi thọ vĩnh hằng, cho tình yêu thủy chung, cho lòng nhân ái) được chưng trong một gian đón khách ở Dinh Độc Lập trong ngày Văn hóa hòa bình TP.HCM 2018.
Cành lá quen thuộc. Những quả đào đỏ óng, căng mướt cũng quen mắt như mọi quả đào đỏ hảo hạng phổ biến ở khắp đất nước nhiệt đới này. Chỉ khác mỗi cái tên. Được gọi là “đào tiên", nhánh cây nọ như đã gói ghém câu chuyện ly kỳ về một sản vật.
Bánh đào tiên là một loại bánh thủ công truyền thống của Huế được nặn từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường, “tráng” thêm lớp màu đỏ bằng đông sương bên ngoài. Bánh phải được gắn trên cành đào còn tươi. Bởi đặc điểm này, người ta không thể sản xuất đại trà để đưa bánh ra thị trường.
|
Đến gần, người xem mới ngỡ ngàng nhận ra những quả đào chín đỏ nọ không phải quả đào thật. Bà Hoàng Thị Ngọc Thương đứng cạnh cành đào, tất tả mà hết mực nhã nhặn giải thích với khách bằng cái giọng Huế nhẹ như ru: “Đây là bánh đào tiên, không phải quả thực”.
Quả đào được nặn từ bột đậu xanh như mọi loại bánh đậu xanh trứ danh ở Huế, “tráng" thêm lớp màu đỏ bằng đông sương bên ngoài, rồi gắn trên cành đào tươi. Tác phẩm ẩm thực khiến người xem không ngớt thán phục, trầm trồ này, lại là một món kỷ vật tinh thần, gợi nhớ không gian nữ nhi mực thước mà lãng mạn, cầu kỳ từng tỏa ra từ người mẹ quá cố.
1.
Bà Thương là nghệ nhân ẩm thực của Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam. Thuở ấu thơ ở Huế, bà Thương đã trải qua nhiều đêm đặc biệt với những mẻ bánh đào tiên cầu kỳ của mẹ. Những đêm ấy hay bắt đầu bằng một buổi chiều thơm phức mùi đậu xanh tỏa ra từ gian bếp của căn nhà biệt lập giữa đại nội.
Buổi tối, sau bữa ăn, mẹ bà - bà Nguyễn Thị Thanh - mang nồi đậu xanh hấp đã để nguội ra đặt giữa bàn ăn, bắt đầu đồ nhuyễn, rồi nhào nặn thành từng quả đào như thật. Hình ảnh cầu kỳ của những quả đào được tỉ mẩn bắt chuốt đến từng cái vân trên thân, hay cái tai ở đầu quả.
Những món bánh Huế truyền thống vốn đã được tiếng cầu kỳ, bánh đào tiên lại đòi hỏi một sự khéo léo ngoại hạng ở ngay trong khâu tạo hình chiếc bánh. Bà Thanh khi ấy là giáo viên Trường Nữ công học hội. Ngôi trường này do nữ nhà báo Đạm Phương (cháu nội vua Minh Mạng) sáng lập, cùng với việc tập trung nữ giới tiến bộ thành lập một tổ chức giới cùng tên, làm nên một giai đoạn sôi động bậc nhất về nữ học nói chung và nữ công học nói riêng trên đất Huế. Được cho là xuất phát từ cung đình Huế, món bánh đào tiên được cô giáo Thanh chọn dạy trong bộ môn nữ công ở ngôi trường này.
|
Bà Hoàng Thị Ngọc Thương bên tác phẩm của mình |
Bên những mẻ bánh đào tiên, bà Thương đã chứng kiến sự học của nữ giới Huế trong thời buổi còn bàng bạc cái nét cung kính, lễ nghi của đất kinh kỳ. Họ có khi chỉ học làm bánh nhưng lại được dạy cả cái dáng ngồi, cái điệu bộ sao cho vừa được việc, vừa giữ nét duyên dáng, kín đáo của người nữ.
Bà giáo Thanh có hai người con gái. Ngay từ khi chưa biết “hướng nghiệp”, bà Thương và chị gái Hoàng Thị Ngọc Lam đã được mẹ ý nhị dạy cho những kiến thức lẫn kỹ năng mềm của một nữ trí thức. Bà Thương nhớ, lần đầu bà biết làm bánh đào tiên là khi ngồi… chơi bên mâm làm bánh của mẹ. Bà Thanh thấy con gái thờ ơ với việc bánh trái, bèn hỏi: “Răng Thương không nặn thử cái bánh mạ coi?”. Cô bé Thương khi đó chỉ trả lời qua quýt: “Bánh khó làm quá, con chỉ muốn ăn thôi”. Bà Thanh thủng thỉnh cười, nói: “Bánh đẹp rứa, mình không ráng làm thử, mà chỉ thích ăn? Chẳng lẽ cả đời mình không làm được cái bánh mà mình thích ăn hay răng con?”.
Cô bé Thương ấm ức cả đêm không ngủ được, cặm cụi bên mâm bột nặn cho được hình quả đào. Đến lúc quả đào tượng hình trông đã… khá giống quả đào thật, bà mới nóng lòng chạy đánh thức mẹ ra chứng kiến. Bà Thanh từ đó có thêm một “truyền nhân”.
2.
Bánh đào tiên ngày đó hay được đặt làm cho đám cưới của gia đình quý tộc hay những dịp dâng lễ ngày tết. Hễ có khách đặt, bà Thanh cùng các con lại cặm cụi sớm hôm để làm. Trong những cuộc làm bánh đó, bà Thanh lại kể cho các con nghe những câu chuyện lịch sử. Những diễn biến của chính sự Việt Nam thời vua Duy Tân hay câu chuyện của chúa Nguyễn lẫn trong những nhắc nhở về sự mềm mỏng, khéo léo của người nữ để tạo dựng, nuôi dưỡng từng chút văn hóa sống trong gia đình - chị em bà Thương đều được “học” từ mẹ qua những lần làm bánh.
Những bài học bên mâm bánh nhanh chóng được “thực hành” trong sinh hoạt đời thường. Lúc còn nhỏ mẹ chưa nhắc thì thôi nhưng hễ mẹ đã ý tứ nhắc nhở đâu đó trong lúc cùng làm bánh, thì hai cô con gái phải biết đường mà chừng mực. Học chữ “dung” của mẹ, bà Thương đã sớm biết chăm sóc bản thân.
Lòng yêu cái đẹp của bà Thương được nuôi dưỡng từ chính những diễn ngôn nơi chiếc bánh đào tiên của mẹ. Lúc động viên con làm bánh, bà còn kể cho con nghe những tích truyện nổi tiếng thế giới, gắn trái đào tiên với câu chuyện tình nghĩa của các nhân vật. Những mẻ bánh đào tiên đỏ thắm, căng mọng trong căn bếp Huế vì vậy mà giống như những biểu tượng xa vời và sự lãng mạn ý nhị trong tâm hồn người phụ nữ làm ra nó.
“Bánh đào tiên sẽ xa vời như huyền thoại nếu không ai còn làm nó nhưng hễ còn người làm, thì chiếc bánh vẫn còn rất thực. Cũng giống như những chuyện công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ xưa - nếu không được sống trong nó và “thực hành” nó, thì nghe như đó là những khuôn thước xa lạ. Còn khi ta đã sống như thế, thì nó chỉ như một cách bày biện và tận hưởng cuộc sống”. Chắc cũng vì thế mà bà vẫn miệt mài và hãnh diện bày biện từng cành đào tiên, để tận hưởng ẩm thực trong những tinh hoa vô hình.
Minh Trâm
Sức sống bền bỉ của chiếc bánh đào tiên
Trong các khóa mục về bánh ngọt Huế mà bà Nguyễn Thị Thanh dạy ở Trường Nữ công học hội có các món tạo hình rất bắt mắt và ăn cũng rất ngon, chẳng hạn như: bánh cây - giống một cành hoa; bánh con sâm - giống củ nhân sâm; bánh con hoài - giống một quyển sách cổ; bánh đào tiên… Sau Cách mạng tháng Tám, trường đóng cửa, thầy trò ly tán, các món bánh thủ công truyền thống của Huế dần dần bị thất truyền.
Sau Cách mạng tháng Tám, lần đầu tiên bánh đào tiên “tái xuất giang hồ” trong một hội thi nữ công gia chánh năm 1955. Bà Nguyễn Thị Thanh đã tham gia hội thi với món bánh này và đoạt giải nhất. Từ đó, mỗi khi có lễ hội, đám cưới, đám giỗ, bà con thường đặt hàng bà Thanh làm một cành đào tiên để chưng bàn thờ hay trang trí bàn tiệc.
Một mình không làm kịp, bà Thanh phải tìm đệ tử để truyền nghề. Ngoài con gái là bà Thương, bà Thanh còn có một cháu gái là nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Như Huy ở Huế cũng là truyền nhân của món bánh đào tiên. Cả bà Thương và bà Như Huy từng gây được nhiều tiếng vang trong những lần tham gia triển lãm môn bánh này ở các lễ hội ẩm thực.
|