|
Video: Bà Hai Trị tình nguyện làm “biển báo di động” giữa đường. |
“Biển báo di động”
Nhà của bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (thường gọi Hai Trị, 62 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM) cách trường THCS Tân Kiên khoảng 300m. Thế nên, mỗi ngày, ngồi trước cửa nhà, bà Hai Trị thấy cảnh học sinh sợ sệt, rụt rè không dám băng qua đường về nhà.
“Đường Hưng Nhơn rất đông xe đổ về từ quốc lộ 1A và Nguyễn Cửu Phú. Con đường này có rất nhiều xe tải, xe khách, container… lưu thông, càng về trưa lưu lượng xe lại càng đông. Trường THCS Tân Kiên nằm trên con đường này vừa được xây mới, học sinh đông. Xe chạy ẩu, mấy đứa nhỏ lại không rành rẽ đường. Tôi thấy nguy hiểm nhưng lúc đầu chưa nghĩ ra cách gì giúp bọn nhỏ”, bà Hai Trị cho biết.
|
Ngày 2 buổi trưa - chiều, bà Hai Trị ra giữa đường cầm bảng "Tạm dừng xe cho học sinh qua đường" |
Chỉ về phía trước cổng trường, bà Hai Trị kể tiếp: “Hôm trước, một chiếc xe tải lùi mà thiếu quan sát, suýt chút nữa thì trúng hai mẹ con. May mà, anh rửa xe phát hiện, kịp thời hét lên”.
Một ngày cách đây hơn 7- 8 tháng, bà đang ngồi trông cửa hàng trước nhà thì thấy nhiều học sinh cứ quay qua quay lại nhìn nhau, không dám băng qua đường. Xe cứ nối đuôi nhau chạy, không có chiếc nào chủ động giảm tốc độ. Bà định bụng sẽ ra dắt các cháu qua đường.
Chưa kịp lấy chiếc nón đội lên đầu thì bà nghe tiếng gọi của 2 học sinh đã qua được nửa đường: “Bà ơi, bà dắt tụi con qua đường với ạ”. Hấp ta hấp tấp, bà lao ra, dẫn 2 học sinh băng qua đường an toàn.
Kể từ hôm đó, bà Hai Trị băn khoăn tìm cách giúp học sinh qua đường an toàn trong giờ tan học. Hai hôm sau, bà lấy bút viết dòng chữ “Tạm dừng xe cho học sinh qua đường” lên tấm bìa các-tông. Đợi đến giờ tan học, bà đội nón, mặc áo khoác, cầm tấm bảng ra giữa đường, xin các phương tiện giảm tốc cho học sinh qua đường.
|
Đứng giữa đường, trước đầu xe tải, container... bà Hai Trị cũng sợ bản thân sẽ gặp nạn |
Được ít hôm, thấy các em đã dạn dĩ hơn, bà lại không cầm bảng đứng điều tiết nữa. Thế nhưng, một hai hôm sau, các em học sinh lại đến tìm bà và hỏi: “Bà ơi, sao mấy hôm nay, bà không cầm bảng dẫn chúng con qua đường nữa. Tụi con sợ xe lắm”.
Nghe học sinh nói chuyện thấy thương, bà Hai Trị lại tiếp tục cầm bảng ra đường bất kể nắng mưa. Đúng 10g45 mỗi ngày, bà cầm bảng xin phương tiện nhường đường cho đến khi học sinh thưa dần.
Nhìn bà lão nhỏ nhắn, đứng giữa 2 làn xe đang lao vun vút, phụ huynh học sinh, hàng xóm đều thót tim. Nhiều học sinh qua đường, ngoảnh đầu lại cảm ơn bà Hai Trị.
|
Học sinh tự tin qua đường khi có bà Hai Trị tốt bụng làm "biển báo di động" |
Mỗi lần đứng cầm bảng, bà phải mấy hơn 30 phút đối diện với đủ thứ bất trắc từ các hung thần đường phố.
Bà nói, sắp vào mùa mưa, bà sẽ mua một chiếc áo mưa gọn gàng để tiếp tục ra đường hỗ trợ học sinh.
“Tôi không ngại nắng mưa, chỉ sợ mấy chiếc xe chở cát đá, sắt thép… đổ ập xuống người. Ban đầu, tôi cũng run lắm chứ nhưng đứng riết rồi quen. Với lại, mấy đứa nhỏ đi xung quanh, cảm thấy mình làm được việc tốt, tôi cũng mạnh dạn hơn”, bà Hai Trị tâm sự.
Có người cười chê, có người cổ vũ
|
Nhiều tài xế lịch sự, chạy chậm khi chợt thấy bà Hai Trị ra hiệu |
Bỏ việc nhà, không ngại nguy hiểm, bà Hai Trị ra đường làm việc nghĩa, vậy mà, cũng còn có người không hiểu, cười cợt, nói lời không hay.
Một người dân sống gần trường THCS Tân Kiên chia sẻ: “Bà Hai Trị đứng giữa đường, cầm thêm tấm bảng, lịch sự xin các xe giảm tốc độ cho học sinh qua đường. Vậy mà, nhiều xe ô tô chạy qua, hạ kính xuống nạt bà lão. Họ chửi, kêu bà vô lề đường mà đứng. Một số xe tải thấy học sinh qua đường vẫn cố chạy nhanh, bà Hai hướng bảng về phía cabin, dùng tay ra hiệu xin đường. Những lúc đó, chúng tôi chứng kiến quả thật rất sợ bà gặp nguy hiểm”.
Bà Hai Trị bày tỏ: “Người ta cười tôi nhiều lắm nhưng cũng có nhiều người thương và cổ vũ. Nhiều phụ huynh thấy tôi đứng cầm bảng thì gật đầu chào, cảm ơn. Nhiều phụ huynh còn tâm sự, họ yên tâm khi có tôi dẫn con của họ qua đường”.
Đâu chỉ có học sinh, phụ huynh thương bà, hàng xóm thấy bà làm việc tốt cũng hưởng ứng. Ban đầu, bà Hai Trị cầm tấm bảng viết chữ nhỏ, các tài xế không nhìn thấy. Biết chuyện, chủ tiệm sửa xe cạnh nhà bà liền lấy bút tô đậm.
Một phụ huynh đi đón con nhìn tấm bảng thì cảm thấy chưa yên tâm, sợ các tài xế không kịp quan sát. Thế là, người này về nhà tự thiết kế 1 tấm bảng thật to, dán chữ nổi rõ ràng, dễ quan sát, rồi mang đến tặng bà.
“Tôi xin gửi lại tiền mà cậu ấy không nhận. Cậu ấy nói thấy tôi làm việc nghĩa, cảm phục nên góp chút sức mọn”, bà Hai Trị cười hiền.
Bà Hai Trị hào hiệp không chỉ có việc cầm bảng xin đường cho học sinh mà còn thể hiện ở những việc nhỏ nhưng mang ý nghĩa khác. Một phụ huynh chia sẻ: “Những hôm tôi không kịp đón con, bà Hai thường kêu bé vào nhà ngôi cho đỡ nắng. Hôm nào đợi lâu quá, bé còn mượn điện thoại của bà gọi cho cha mẹ. Bà sẵn lòng giúp hết, không tính toán chi hết”.
|
Một số người cười bà Hai Trị làm việc bao đồng. Nghe được chuyện, bà chỉ cười và mặc kệ |
Nghe mọi người nói về mình, bà Hai Trị ngại ngùng: “Tôi đâu có giúp được gì nhiều cho các cháu, chỉ bỏ ra ít thời gian. Thấy các cháu được an toàn, tôi vui và hạnh phúc lắm. Người ta có tiền, người ta đi làm từ thiện, tôi không có tiền thì tôi bỏ công bỏ sức, bỏ thời gian giúp các em”.
Ngọc Lài