Qua từng thời kỳ, trang phục, cách ăn mặc của con người thay đổi để thích nghi với những giá trị mới. Khi cuộc sống ngày càng văn minh, đủ đầy hơn, người ta quan tâm đến chuyện mặc đẹp hơn là mặc ấm. Thậm chí, ăn mặc phải lạ, phải độc đáo để thể hiện cái tôi.
Điều này càng trở nên cần thiết với những gương mặt hoạt động trong làng giải trí bởi trang phục góp phần tạo nên diện mạo, hình ảnh của họ với khán giả. Vậy nên mới có chuyện mỗi khi nghệ sĩ xuất hiện ở đâu, trang phục của họ luôn được chú ý hàng đầu. Người ngày càng ăn mặc lập dị, kẻ lại thích hở bạo hơn... cũng chỉ để được khán giả chú ý.
|
Trang phục trở thành vỏ bọc quan trọng của người làm trong ngành giải trí (ảnh minh họa). |
Nhưng sự thay đổi, phát triển nào cũng cần được gắn liền với văn hóa sở tại. Bởi không phải sự nổi bật, thu hút nào cũng luôn là giá trị đúng, là mẫu số tuyệt đối bởi mỗi dân tộc có những giá trị văn hóa khác nhau, đặc biệt với những quốc gia lâu đời.
Hiểu về văn hóa của nơi mình đến, nắm được kiến thức tối thiểu để ít nhất không có ứng xử sai lệch, nhạy cảm - trong đó có chuyện ăn mặc - không chỉ thể hiện được sự chuyên nghiệp mà còn có thể giúp nghệ sĩ ghi điểm, đặc biệt khi đến những vùng đất mới. Khi khái niệm trang phục và văn hóa bị tách rời, sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Chính vì thế gần đây mới có chuyện nữ diễn viên người Ai Cập - Rania Youssef bị khởi kiện vì mặc trang phục táo bạo trên thảm đỏ (thiết kế kết hợp chất liệu lưới bên ngoài và bodysuit bên trong) Liên hoan phim Cairo hôm 28/11. Trang phục của cô có thể là bình thường nếu ở Hollywod, nhưng với một quốc gia theo đạo Hồi như Ai Cập, ăn mặc hở hang là điều cấm kỵ, thậm chí bị xem là phạm tội.
Nữ diễn viên sẽ ra tòa vào ngày 12/1/2019. Nếu bị kết án, Rania Youssef có thể phải ngồi tù đến 5 năm.
|
Bộ trang phục khiến Rania Youssef có thể bị ngồi tù. |
Tháng 4/2018, Phạm Hương đến Indonesia để hội ngộ với các người đẹp bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Trong buổi giao lưu với các kênh truyền hình địa phương, người đẹp diện bộ váy cắt xẻ gợi cảm. Hình ảnh của Phạm Hương bị làm mờ trên sóng truyền hình Indonesia khiến khán giả xôn xao. Người đẹp nhận không ít chỉ trích từ khán giả quê nhà.
|
Chiếc váy khiến Phạm Hương bị che mờ vòng một trên sóng truyền hình Indonesia. |
Trang phục của Rania Youssef hay Phạm Hương vẫn còn quá “lành lặn”, duyên dáng hơn rất nhiều so với chiếc quần âu Jennifer Lopez diện hồi tháng 11 vừa qua tại trường quay ở Miami, váy của Blac Chyna tại thảm đỏ trao giải BET Awards 2018, Irina Shayk, Daria Strokous tại Cannes 2018, Gigi Hadid tại LHP Cannes 2017… Đương nhiên, chúng mang đến rắc rối cho người mặc khi được soi chiếu qua cách đánh giá, quan điểm văn hóa của những quốc gia có những quy định nghiêm ngặt.
|
Jennifer Lopez và chiếc quần nhạy cảm mà nữ ca sĩ diện hồi cuối tháng 11 vừa qua. |
|
Bộ trang phục mặc như không của Blac Chyna tại BET Awards 2018. |
Indonesia, Ai Cập là những quốc gia mà phần đông dân số theo đạo Hồi, vì thế phụ nữ luôn phải ăn mặc kín đáo, tôn trọng sự nền nã, nhã nhặn. Năm 2013, cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức tại Bali đã phải bỏ hẳn phần thi bikini vì vấn đề văn hóa nhạy cảm này. Trong khi đó, hồi cuối năm 2017, một nữ ca sĩ Ai Cập từng bị phạt tù 2 năm về chuyện ăn mặc hở hang trong một MV ca nhạc.
Trước đó, vào đầu tháng 11, Jimin - thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc BTS khiến dư luận Nhật Bản dậy sóng khi diện chiếc áo có in khẩu hiệu (tạm dịch: lòng yêu nước, lịch sử, giải phóng Hàn Quốc) kèm hình ảnh mô tả vụ Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima trong Thế chiến thứ hai.
|
Chiếc áo thun nhạy cảm của Jimin, thành viên BTS khi nhóm đang có hoạt động quảng bá tại Nhật Bản. |
Thời điểm này, BTS đang có những hoạt động quảng bá tại Nhật Bản nên tình hình càng trở nên căng thẳng hơn. Nhóm bị huỷ hàng loạt show diễn lớn tại xứ sở mặt trời mọc. Vụ quả bom nguyên tử dù đã đi qua nhiều thập niên nhưng vẫn còn đó như một nỗi đau lớn của người dân Nhật Bản.
Từ sự thiếu ý thức, bất cẩn, trang phục vốn làm đẹp cho nghệ sĩ lại khiến hình ảnh của họ bị tổn hại, trở nên xấu xí trong mắt khán giả. Hậu quả để lại không chỉ ở phạm vi cá nhân nghệ sĩ mà còn có thể lan đến những cộng đồng lớn hơn. Điển hình như chiếc áo tưởng chừng vô thưởng vô phạt của Jimin. Dù sau đó, nhà thiết kế Lee Kwang Jae chính thức lên tiếng cho biết chiếc áo được sáng tạo do anh yêu thích chủ đề về lịch sử, không hề có ý châm biếm nước Nhật nhưng cũng không thể cứu vãn được nhóm BTS giữa tình hình dư luận ngày càng sục sôi.
Trong những câu chuyện này, quần áo - vật vô tri vô giác hoàn toàn không có lỗi bởi chúng xuất hiện ở đâu, thời điểm, hoàn cảnh nào đều phụ thuộc vào con người. Sự nhạy cảm của đa dạng về văn hoá đã vô tình bị các nghệ sĩ bỏ qua, trong khi đó chúng - vô hình - nhưng đóng vai trò quan trọng đến ý thức, hành động của con người.
|
Trang phục không đơn thuần là để làm đẹp mà còn thể hiện nền tảng văn hoá của mỗi người. |
Trang phục để làm đẹp nhưng trước hết phải phù hợp, đúng nơi, đúng thời điểm. Chúng không chỉ đóng vai trò tôn vinh giá trị khiến "người đẹp vì lụa" mà còn thể hiện nền tảng văn hoá của mỗi người. Những hậu quả nêu trên không thể xảy ra nếu sự khác biệt về văn hoá được các nghệ sĩ tôn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng.
Bài học căn bản này hoàn toàn không có trong giáo trình nào mà phụ thuộc vào hiểu biết, sự khéo léo, thông minh, ứng xử văn hoá của mỗi cá nhân. Trong thế giới phẳng, để tự trang bị những kiến thức này không quá khó khăn. Ngoài ra, việc ăn mặc của nghệ sĩ cũng được trợ giúp rất nhiều từ đội ngũ stylist. Họ luôn cập nhật những trào lưu, xu hướng mới nhất của thời trang thế giới. Nhưng trên hết là bài học cần trang bị kiến thức để tránh những yếu tố nhạy cảm từ sự khác biệt văn hóa.
Thuỵ Khuê