Ali Baba trong chuyện cổ tích xứ Nghìn Lẻ Một Đêm hay Alibaba trong kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu từ xứ Khổng Minh Gia Cát Lượng liệu có gì liên quan với nhau hay chỉ là đồng tên mà khác số phận?
Hễ nói tới Ali Baba là người ta bắt buộc phải nhớ tới 40 tên cướp (Ali Baba and the Forty Thieves). Đó là một câu chuyện cổ tích của xứ Arập vào thời hoàng kim của Hồi giáo trong bộ chuyện cổ tích 1001 đêm (One Thousand and One Nights).
Nhân vật chính là chàng tiều phu nghèo Ali Baba trong một lần tình cờ lạc bước tới kho báu bí mật của bọn cướp có 40 tên và trở thành ông tổ của bọn hacker khi "ăn cắp" (nghe trộm cũng là một dạng đạo chích) được cái password thần thánh "Vừng ơi hãy mở ra" (Open Sesame) để mở cửa kho đánh cắp tài sản của bọn cướp.
|
Jack Ma - ông chủ của tập đoàn nổi tiếng Alibaba. |
Cho dù sau này có trở thành tỷ phú, Ali Baba vẫn là người có số tài sản bất minh, không phải do sức lao động của mình làm ra. Bọn cướp đã cướp bóc số tài sản đó từ các nạn nhân và cuối cùng Ali Baba làm giàu nhờ số tài sản bất nhân đó. Nói cách nào đó, Ali Baba làm giàu gián tiếp nhờ tay bọn cướp.
Ali Baba tất nhiên vẫn theo cái mô-típ chuyện cổ tích toàn cầu là người nghèo rồi cũng có lúc có cơ may đổi đời. Nhưng hầu hết là nhờ ăn ở hiền lành, biết thương người và gặp Bụt, gặp Tiên. Điều khác biệt của Ali Baba là làm giàu từ của cải mà bọn cướp đã chiếm đoạt của thiên hạ. Có những người ra vẻ đồng cảm cố gắng biện minh cho Ali Baba khi cho rằng đó là công thức lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo.
Nhưng thực tế là đâu phải chia đều cho mọi người nghèo mà chỉ có mình Ali Baba nhờ vừa có duyên may, vừa tinh khôn hơn người. Ngay cả trên bản tiếng Việt của từ điển bách khoa mở online Wikipedia có ai đó đưa lên nhận xét: "Ali Baba và Morgiana là những nhân vật tiêu biểu cho lòng trung hậu, trí thông minh, tinh thần dũng cảm của nhân dân lao động Ả Rập thời xưa. Họ đã chiến thắng các thế lực hung hãn một cách tài tình, xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời." Morgiana là một nữ nô lệ cưng của Ali Baba đã có công dùng trí thông minh của mình giết chết hết bọn cướp, bảo vệ ông chủ. Mà nói gì thì nói, chẳng ai có thể phủ nhận được số tài sản đó là của ăn cướp. Vấn đề nằm ở chỗ đó.
Thôi thì, dù sao, đó chỉ là một chuyện cổ tích xứ Arập cổ xưa mà giờ đây có kể thì cũng ngày càng có ít đi những đứa trẻ chịu nghe. Thà chúng để dành thời gian coi phim hoạt hình trên các kênh truyền hình cáp hay mê mải với các trò chơi trên iPad hay trên máy tính.
Còn chuyện thiệt đời nay có một doanh nghiệp ở xứ sở Vi Tiểu Bảo chẳng hiểu có ý thâm sâu chi cũng lấy cái tên là Alibaba. Tuy đọc lên thì giống hệt nhau, nhưng họ tạo điểm khác biệt khi các mẫu tự trong tên được viết liền nhau chứ không phải tách ra họ và tên như trong chuyện cổ tích.
Thật ra nó có liên quan đó. Tỷ phú Jack Ma – ông chủ của đế chế doanh nghiệp kia - giải thích rằng cái tên Alibaba chính là từ nhân vật Ali Baba và nó được chọn làm tên công ty do cái sức hấp dẫn toàn cầu của nó.
Ông Ma kể là một ngày nọ ngồi trong một tiệm cà phê ở San Francisco (Mỹ), ông chợt nghĩ lấy tên Alibaba đặt cho công ty mình. Ông hỏi cô phục vụ bàn và được trả lời là cô ta biết Alibaba và thậm chỉ cả câu thần chú "Vừng ơi hãy mở ra".
Bụng khoái rồi, nhưng ông vẫn cẩn thận đi ra ngoài phố và hỏi 30 người khác, thuộc nhiều nước khác nhau, tất cả đều biết Alibaba và câu thần chú mở cửa hang báu. Dưới cách nhìn của ông Ma, Ali Baba là một nhà kinh doanh thông minh tốt bụng, đã giúp cả làng mình. Cái tên lại dễ đọc và được cả thế giới biết đến.
Cẩn thận hơn, họ còn đăng ký bản quyền luôn cái tên "Alimama" để xí bản quyền kẻo lỡ mai này có ai chơi khăm lấy tên "Alimama" như "vợ" của Alibaba để kinh doanh ăn theo.
Có lẽ do cái tên đã vận vào người, hệ thống bán lẻ hàng online khổng lồ của Trung Quốc này đã trở thành một phương tiện phát tán hàng nhái hàng giả không phải dạng vừa. Hãng truyền hình Mỹ CNBC (4/1/2017) đưa tin: sau khi bị chính quyền Mỹ xếp vào danh sách đen do làm chợ mua bán cho bọn kinh doanh hàng nhái, hàng giả, Alibaba vừa lần đầu tiên áp dụng hành động pháp lý – khởi kiện 2 nhà bán lẻ hàng giả ra tòa án nhân dân huyện Longgang (Thẩm Quyến).
Với sức mạnh về tài chính, nguồn lực hàng hóa, mạng lưới và đặc biệt là các ngón nghề kinh doanh theo binh pháp tổ sư Tôn Tẩn, Alibaba chắc chắn đang khiến nhiều nhà bán lẻ online và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang như ngồi trên đống kiến lửa.
Bởi ai cũng biết Alibaba thành công như tên lửa ở Trung Quốc là vì đâu và cái gì ở đằng sau họ trong cuộc trường chinh mưu bá đồ vương.
|
Ai cũng biết đây là động tác gì. Alibaba ra đời tại Hàng Châu tháng 12/1999 do Jack Ma và 17 nhà đầu tư khác cùng sáng lập và bắt đầu mở chợ online ngay – ban đầu làm nơi bán hàng giữa các công ty với nhau (B2B). Phải 18 năm sau, họ mới bắt đầu khởi kiện chủ hàng bán hàng giả ở chợ của họ sau khi bị dư luận quốc tế làm căng.
Tạp chí chuyên về kinh doanh nổi tiếng Forbes ngày 10/3/2017 giựt tít: "Phải chăng Alibaba đang làm đủ để chống hàng giả?". Ở Trung Quốc mà lập chợ bán lẻ toàn cầu thì làm sao mà không bị hàng giả, hàng nhái chen chân vào bán kia chứ.
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Trung Quốc là xứ sở của một ngành kỹ nghệ hàng giả trị giá 275 tỷ USD, bằng 12,5% kim ngạch xuất khẩu và 1,5% GDP của đất nước đông dân nhất hành tinh này (gần 1,4 tỷ người).
Trong khi đó, báo US Today (16/1/2017) dẫn số liệu của Liên minh chống hàng giả quốc tế (International Anti-Counterfeiting Coalition) cho thấy tổng trị giá hàng giả trên thế giới trong năm 2015 lên tới 1.700 tỷ USD. Các công ty Mỹ hầu hết đều bị làm giả sản phẩm của mình. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có tới 63% hàng giả đến từ Trung Quốc.
Alibaba Group do nhà tỷ phú Jack Ma đứng đầu đã trở thành nhà bán lẻ lớn nhất và có giá trị nhất thế giới từ thàng 4-2016, sau khi qua mặt hệ thống Walmart (Mỹ) với sự có mặt ở hơn 200 nước trên thế giới. Nó cũng là một trong những công ty Internet lớn nhất thế giới. Vào tháng 11/2017, giá trị thị trường của Alibaba đã lên tới 486,27 tỷ USD, là một trong Top 10 công ty có giá trị nhất và lớn nhất trên thế giới.
Trong những năm gần đầy, Alibaba ngày càng vươn ra nước ngoài trong cuộc trường chinh toàn cầu. Giới chuyên môn cho biết Alibaba đang dùng dịch vụ bán lẻ online AliExpress (ra đời năm 2010) để mở rộng tầm hoạt động từ Trung Quốc sang châu Á và toàn thế giới, cạnh tranh với các ông lớn như Amazon, eBay,... Nó cũng đưa nền tảng thanh toán online Alipay ra nước ngoài cặp kè với AliExpress thành "cặp đôi hoàn bảo" – kẻ bán hàng, người thanh toán, tất cả gom về một túi.
Ở những nước chưa có hành lang pháp lý phù hợp, Alibaba hoặc tung tiền ra thâu tóm những công ty cùng thế loại đang hoạt động ở nước đó, hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp sở tại.
Nếu tự thân các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi làm cho mình mạnh lên và đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển, thay vì chăm chăm xâu xé, triệt hạ nhau, và nếu nhà nước không có giải pháp trợ giúp (không phải bảo hộ), tương lai thương mại và thanh toán điện tử của người Việt Nam quả là "viễn vông". |
Tất nhiên Việt Nam "núi liền núi, sông liền sông" với Trung Quốc là một miếng mồi béo ngậy. Không chỉ vì đây là thị trường có tới khoảng 94 triệu dân mà còn bởi nhiều thứ thâm sâu khác. Alibaba đã xâm nhập dần vào Việt Nam một cách bài bản. Hồi tháng 4/2016, Alibaba Group bỏ ra 1 tỷ USD mua lại Lazada Group thành lập năm 2011 ở Đức vốn đang là nền tảng bán hàng online hàng đầu ở Việt Nam.
Mới đây, ngay trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 Việt Nam thượng tuần tháng 11/2017, ông chủ Alibaba đã sang thăm Việt Nam và truyền nghề bán buôn cho giới sinh viên Hà Nội đang háo hức khởi nghiệp. Ngay sau đó, dịch vụ thanh toán online Alipay của Alibaba đã chính thức ký hợp tác với Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS.
Việc hợp tác giữa Alipay và NAPAS được phân bua là giúp các đơn vị bán hàng ở Việt Nam có thêm một phương tiện thanh toán phục vụ cho khách du lịch Trung Quốc mua sắm, chi tiêu bằng Alipay khi sang Việt Nam. Liệu Alipay và Alibaba có thâu tóm hay thống lĩnh thị trường thương mại và thanh toán điện tử ở Việt Nam không chỉ là một câu hỏi tu từ học, mà thực tế phải hỏi là khi nào?
Alibaba giờ đã công khai danh chính ngôn thuận vào
Với sức mạnh về tài chính, nguồn lực hàng hóa, mạng lưới và đặc biệt là các ngón nghề kinh doanh theo binh pháp tổ sư Tôn Tẩn, Alibaba chắc chắn đang khiến nhiều nhà bán lẻ online và thanh toán điện tử ở Việt Nam đang như ngồi trên đống kiến lửa. Bởi ai cũng biết Alibaba thành công như tên lửa ở Trung Quốc là vì đâu và cái gì ở đằng sau họ trong cuộc trường chinh mưu bá đồ vương.
Nếu tự thân các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi làm cho mình mạnh lên và đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển, thay vì chăm chăm xâu xé, triệt hạ nhau, và nếu nhà nước không có giải pháp trợ giúp (không phải bảo hộ), tương lai thương mại và thanh toán điện tử của người Việt Nam quả là "viễn vông".
Phạm Hồng Phước