Chuyện về một hiệu trưởng

01/09/2017 - 07:59

PNO - Ông đã kinh qua các vị trí GV, tổ phó, tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn, trợ lý thanh niên, hiệu phó, phó bí thư chi bộ… nên biết HS cần gì, GV cần gì, BGH nhà trường nên làm gì và không nên làm gì.

Có một vị hiệu trưởng cứ bày việc để làm, khiến giáo viên (GV) và học sinh (HS) phải vất vả chạy theo, nhưng tất cả đều ủng hộ, vì "chất lượng sống" của họ được nâng lên ngay chính môi trường họ đang làm việc, và chất lượng dạy - học cũng từ đó được nâng lên thấy rõ.

Chuyẹn vè mọt hiẹu truỏng
Học sinh trường THPT Nguyễn Du (Q.10)

1.
Để đón chào năm học mới 2017 - 2018, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) đã cho sơn phết, sửa sang và hoàn thiện nhiều hạng mục mới. Thế nhưng đáng chú ý nhất vẫn là một dự án nho nhỏ sắp khởi công: làm lại nhà vệ sinh (NVS) cho GV. Đáng chú ý là bởi quan điểm của lãnh đạo nhà trường đối với công trình này. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - dắt chúng tôi thị sát công trình mà trường dự định sẽ đập đi để làm lại.

Không đến nỗi tồi tàn, nhưng tổng thể thì quá chật hẹp, không thông thoáng và bất tiện khi sử dụng. Vì thế, theo yêu cầu của các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường quyết định dời NVS nam ra hẳn bên ngoài để mở rộng NVS cho các cô theo các tiêu chí rộng rãi, thông thoáng, đẹp và tiện nghi, có phòng tắm, phòng thay đồ, bàn trang điểm… để người sử dụng cảm thấy mình được tôn trọng. 

NVS nam khi dời đi cũng được xây mới với các tiêu chí hiện đại, tiện nghi, thân thiện. 

Muốn GV tận tâm dạy dỗ HS thì trước tiên họ phải được chăm lo tử tế. Với quan điểm đó, tập thể CBGVCNV Trường THPT Nguyễn Du đang được chăm lo hơn bao giờ hết. Từ năm 2017- 2018, trường thực hiện việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm cho CBGVCNV với mức chi là 1.450.000đ (nam) và 2.250.000đ (nữ); tăng mức mua bảo hiểm tai nạn lên 56.000đ/ người, gấp đôi so với trước; tặng trang phục đầu năm trị giá 1 triệu đồng/ người.

Ngoài ra, tại phòng GV của trường cũng được trang bị ti vi, máy in, máy vi tính nối mạng, tủ lạnh, lò vi ba, đồ ăn nhanh và đồ uống tự chọn… để phục vụ thầy cô giáo. Đặc biệt, toàn trường sẽ được phủ sóng Wifi. 

Trước đó, từ năm học 2016 - 2017, GV của trường có tất cả 11 cuộc liên hoan tập thể và bốn cuộc tham quan học tập dài ngày nhằm tạo thêm sự gắn kết. Hàng tháng trường đều tổ chức sinh nhật cho những GV có ngày sinh trong tháng, có hoa, có bánh đủ cho cả hội đồng sư phạm cùng dự. Dịp hè vừa qua, trường thực hiện kế hoạch 48 giờ học tiếng Anh với người nước ngoài và 5 chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thiết thực cho GV.

“Bức tường ngăn cách” là câu chuyện từ lâu khiến nhiều GV của trường bức xúc. Chuyện là hai dãy phòng học 3 lầu của trường dù nối liền nhưng lại không được thông nhau. GV đã bao lần kiến nghị nhà trường trổ tường, bắc cầu thang nối hai dãy để tiện lợi trong sử dụng, nhưng lãnh đạo chẳng màng.

Chuyẹn vè mọt hiẹu truỏng
 

Năm ngoái, ông Huỳnh Thanh Phú về làm hiệu trưởng là cho xử lý ngay. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phú nói: “Tất cả mọi đề xuất của GV nhằm đáp ứng tốt cho công việc đều được BGH nhà trường lắng nghe và đáp ứng. Đáp ứng tốt cho nhu cầu của GV cũng chính là để phục vụ tốt cho việc giảng dạy HS”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tân tâm sự: “Tôi đã làm việc tại trường qua 5 đời hiệu trưởng và nhận thấy đời thầy Huỳnh Thanh Phú là “thăng hoa” nhất. Thầy ấy có trình độ, buổi nói chuyện dưới cờ nào của thầy cũng thu hút được sự lắng nghe của HS và GV. Với chuyên môn hóa học, thầy cũng rất giỏi, trong 45 phút của một tiết hóa học mà thầy có thể lồng được tám vấn đề đạo đức, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, thời sự biển đảo… Hiệu trưởng cũng hết sức chăm lo đến đời sống của GV, đạo đức của HS và có cách để mọi người phải đoàn kết, hòa đồng”.

2.

Về phía HS, các em cũng có những mong mỏi của riêng mình. Từ yêu cầu của các em, năm ngoái trường đã triển khai học 2 tiết tiếng Anh với GV bản ngữ mỗi tuần mà không thu thêm tiền. Thấy yêu cầu của các em là chính đáng, năm nay trường quyết định tăng lên 4 tiết tiếng Anh bản ngữ cho riêng khối lớp 10, phối hợp với Nhạc viện TP.HCM đưa chương trình âm nhạc truyền thống vào dạy cho HS với thời lượng 2 tiết/ tuần.

Nhưng đáng ghi nhận là việc trường đã sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để mỗi tuần HS có một tiết đọc sách (khoa học, hạt giống tâm hồn và người con hiếu thảo) tại thư viện và một tiết học về kỹ năng sống do chính BGH nhà trường và các MC của đài truyền hình phụ trách. Trường cũng dành kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng STEM (môn học tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) trong giáo dục để giúp học trò phát huy sức sáng tạo khoa học kỹ thuật mang tính thực tiễn. 

Để đáp ứng nhu cầu của HS và lôi kéo các em vào những hoạt động thiết thực, Trường THPT Nguyễn Du đã thành lập hàng loạt CLB như bóng đá, bóng rổ, judo, flashmob, diễn thuyết, hùng biện tiếng Anh… và sắp xếp để HS có trọn vẹn ba buổi chiều tham gia sinh hoạt tại các CLB. 

Chuyẹn vè mọt hiẹu truỏng
 

Các em cũng không thể nhớ hết được mình đã “bị” lôi kéo vào bao nhiêu dự án dạy học, các hoạt động dã ngoại, hoạt động ngoài giờ lên lớp như thi nhảy flashmob, ngày hội “một ngày làm GV”; các buổi sinh hoạt chuyên đề như “đánh thức bản thân”, “bí mật ba chữ T” (tình bạn, tình yêu, tình dục), “sử dụng facebook thông minh”, “học khôn ngoan”, “sống thật”, “ước mơ”, “lời mẹ ru”, “dạy con giữ đạo làm người” và nhiều lễ hội như đờn ca tài tử, tình ca mùa xuân, trại tình xuân… 

Nói về những thay đổi ấy của Trường THPT Nguyễn Du, có người nghi ngại: “Chỉ chạy theo hình thức”. Nhưng thực tế cho thấy, ngay trong năm đầu đổi mới về cách nghĩ - cách làm, trường này đã thu được những kết quả mà trước đó có nằm mơ cũng không có: 100% HS đỗ tốt nghiệp và 100% đỗ ĐH, trong đó có 58 em được tuyển thẳng, nhiều em đỗ vào các ĐH có tiếng như Y dược, Kinh tế; 23 giải HS giỏi với 5 giải nhất, 11giải nhì và 11giải ba; 48/ 53 giải Olympic (19 vàng, 18 bạc, 11 đồng); đạt 13 trong tổng số 24 giải của cuộc thi “chắp cánh ước mơ”; một HS được chọn đi giao lưu tại Trung Quốc và một HS được chọn đi giao lựu tại Nhật Bản.

Nguyễn Phi Thành Đạt - HS lớp 12 của trường, cảm hứng: “Năm ngoái tụi em “say” flash mob, got talent, ND Movies... Trường đòi hỏi chúng em chơi phải hết mình nhưng học cũng phải hết mình. Năm nay, trường có diện mạo mới, nhiều phòng chức năng cũng được vận hành, hứa hẹn việc học sẽ còn tốt hơn nữa. Nhưng đáng nói là tụi em đã cùng nhau vận động, đóng góp, nấu nướng và mang những suất ăn từ thiện trao tận tay người nghèo, người bất hạnh. Những hoạt động nhân văn này giúp chúng em thay đổi nhận thức rất nhiều”.

3.
Hỏi kế hoạch của năm học mới, ông Phú cho biết: ngày 5/9 khai giảng, ngày 9/9 diễn tập phòng cháy chữa cháy kết hợp tuyên truyền và giáo dục kỹ năng cho HS, ngày 11/9 sinh hoạt đờn ca tài tử, ngày 14/9 tòa án lưu động sẽ về xét xử vụ án về bạo lực (xúc phạm nhau trên facebook) ngay tại trường, ngày 18/9 ra mắt CLB "người truyền cảm hứng". Sang tháng 10 ra mắt CLB “Tôi là người tự tin”, triển khai dạy HS nhảy hai bài chachacha để tạo cảm hứng mới cho HS trong buổi thể dục giữa giờ, tổ chức đối thoại với phụ huynh...

Ông Phú nhờ một GV đưa chúng tôi đi tham quan trường. Bảy bàn bóng bàn vừa được mua về để thêm cơ hội cho HS học thể dục tự chọn; 12 màn hình full HD có đường truyền cáp quang với bộ vi xử lý mạnh cũng vừa được trang bị cho các lớp học; căn tin mới được cải tạo mở rộng, thoáng mát, lịch sự; hệ thống nước giếng cũng được thay bằng nước máy; chen giữa vườn cây xanh được cắt tỉa tỉ mỉ là những dụng cụ tập thể dục vừa được lắp đặt trong hè; sân trường được dặm vá phẳng phiu… Tất cả đang chờ ngày khai giảng năm học mới với bao ước vọng đẹp.  

Hỏi ông hiệu trưởng, vì đâu ông có thể “bày” ra quá nhiều việc như vậy? Ông cho biết, ông đã kinh qua các vị trí GV, tổ phó, tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn, trợ lý thanh niên, hiệu phó, phó bí thư chi bộ… nên biết HS cần gì, GV cần gì, BGH nhà trường nên làm gì và không nên làm gì.

“Trừ khi mình lười suy nghĩ, chứ cứ suy nghĩ là sẽ thấy việc để làm. Trường THPT Nguyễn Du là một trong ba trường chất lượng cao của thành phố. HS của trường phải đóng học phí cao gấp 11 lần HS các trường công khác thì các em cũng đòi hỏi được nhận lại một môi trường giáo dục có chất lượng tương ứng. Bởi thế, trường chúng tôi sẽ phải hoạch định lộ trình giúp thầy cô giáo năng động hơn để phù hợp với những đòi hỏi mới”. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI