Hẳn nhiên người hâm mộ khắp thế giới vẫn biết Camille Claudel (1864-1943) gần như bất khả tách rời với nhà điêu khắc bậc thầy Auguste Rodin (1840-1917) bởi muôn vàn thêu dệt của người đời truyền lưu về cuộc tình thầy trò có phần trái ngang giữa họ.
Bộ phim Camille Claudel của đạo diễn Bruno Nuytten dường như đã thực sự khắc họa, nếu không muốn nói là đã đục đẽo sát sườn, cuộc đời kỳ vĩ đến độ dị thường của nữ nghệ sĩ thiên tài điêu khắc Camille Claudel.
|
Camille Claudel (trái) trong xưởng điêu khắc ở Paris vào giữa những năm 1880 và chân dung ngoài đời thật - Ảnh tư liệu |
TÀI NỮ ĐIÊU KHẮC TỪ TUỔI ĐƯƠNG XUÂN
Ngay từ những khung cảnh mở đầu phim, người xem đã được thực chứng phương cách làm nghề có một không hai của nữ điêu khắc gia Camille Claudel (minh tinh màn bạc Isabelle Adjani thủ vai), bấy giờ chỉ mới là học viên của Trường Académie Colarossi - nơi các nữ nghệ sĩ triển vọng được đào tạo theo hướng giáo dục khai phóng.
Để có đất sét xanh làm nguyên liệu nặn tượng, nhiều đêm, cô gái trẻ Camille Claudel phải lén đi đào trộm đất ở khu vực nhà thờ Notre-Dame des Champs thuộc quận 6 của Paris.
Trong cái giá lạnh của đêm đông, xen lẫn tiếng gió rít liên hồi, người thiếu nữ có dáng hình mỏng manh ấy khệ nệ khiêng vác chiếc va li chứa đầy đất sét xanh, bước ngang qua những ánh mắt kinh ngạc của đoàn lính tuần canh đêm, mang về xưởng sáng tạo của riêng mình.
Tình tiết đắt giá đó đã được nhà quay phim Bruno Nuytten nỗ lực đưa vào kịch bản trong bộ phim đầu tay mà mình làm đạo diễn.
Thứ nguyên liệu trong nghề điêu khắc ấy đã trở thành tính cách riêng của nhân vật, được người làm phim tìm cách xác lập theo chiều hướng phát triển tăng dần trong câu chuyện phim.
Như với lần đầu được đến kho đá của thầy Auguste Rodin, Camille Claudel đã nhất quyết chọn đá Paros làm chất liệu sáng tác “chào sân” dẫu người quản lý kho đá cảnh báo rằng đó là thứ đá khó làm. Trước đó, Camille Claudel cũng từng vọc với chất liệu đá granit (đá hoa cương) để thử thách tay nghề của chính mình.
Người thầy đầu tiên của cô là nhà điêu khắc Alfred Boucher đã đột ngột rời Pháp sang Ý để phát triển sự nghiệp riêng. Ông nhờ cậy người đồng nghiệp đàn anh, nhà điêu khắc tên tuổi Auguste Rodin, đỡ đầu và tiếp tục hướng dẫn Camille Claudel.
Auguste Rodin (nam tài tử kỳ cựu Gérard Depardieu thủ vai) khi ấy đã 42 tuổi, đang cực kỳ thành danh trong sự nghiệp điêu khắc ở Paris. Camille Claudel nhanh chóng trở thành học trò được ưu ái, rồi thành tình nhân và là “nàng thơ” của Rodin.
Trong một lần đến xưởng điêu khắc của Rodin, chứng kiến tình cảnh bị mất cảm xúc với người mẫu và có phần bế tắc ý tưởng sáng tác của bậc thầy điêu khắc, Camille Claudel đã dùng chính thân thể mình để tạo hình phá cách như một cuộc tận hiến cho ngôi đền thiêng của nghệ thuật điêu khắc.
Sự hòa hợp thân xác giữa họ hay thăng hoa nhục dục song hành cùng mọi biên độ sáng tạo đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử đầy kiêu hãnh mà cũng lắm đớn đau.
Để hiện thực hóa khúc hoan ca ấy trên phim bằng chính thứ ngôn ngữ tượng hình của nghệ thuật điêu khắc, không thể không ghi nhận vai trò của đạo diễn Bruno Nuytten - từng giành giải Quay phim xuất sắc tại giải thưởng César danh giá của điện ảnh Pháp (1984).
|
Gérard Depardieu (vai bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin) và Isabelle Adjani (vai nữ nghệ sĩ điêu khắc thiên tài Camille Claudel) trong phim Camille Claudel |
“RẰNG TÔI CHÚT PHẬN ĐÀN BÀ...”
Những tưởng cặp đôi thiên tài sẽ có chuyện tình miên viễn khi ý hợp tâm đầu về nghệ thuật điêu khắc, cùng nói và cùng nhìn chung một thứ ngôn ngữ vĩnh cửu.
Nhưng rồi mối quan hệ phi chính thức và luôn bị đàm tiếu của họ dần khiến Camille Claudel cảm thấy mệt mỏi, ức chế bởi cuộc sống thiếu danh phận. Nhất là khi có thai rồi buộc phải một mình âm thầm phá thai vào năm 1892, cô bẽ bàng nhận ra rằng bàn tay tình nhân đồng thời là bàn tay tài hoa của một bậc thầy điêu khắc đương thời lại thiếu vắng sự mẫn cảm nhất thiết phải có, khi không thể nhận ra nét khác biệt hình thành trên cơ bụng trần của cô trong từng lúc ve vuốt.
Chút phận đàn bà Camille Claudel từng dệt mộng trong cuộc sống đương xuân lẽ nào lại là thứ tâm thức xa xỉ phẩm mà một nữ nghệ sĩ bắt buộc phải gác lại bên đời, chỉ để được theo nghề giữ nghiệp, được là chính mình?
Và rồi Camille Claudel quyết định đơn phương chấm dứt mối quan hệ luyến ái không thể chính danh với Auguste Rodin, sau mười năm ròng nhận ra “tôi là cô gái trẻ quỳ gối đã mất đi những năm tháng thanh xuân”.
“CHỮ TÀI LIỀN VỚI CHỮ TAI MỘT VẦN”
Quãng thời gian sau đó của Camille Claudel cũng chính là đoạn đường đưa cô đến đài vinh quang trong sự nghiệp điêu khắc thiên tài, xuyên qua mọi bán tín bán nghi về tài năng thiên bẩm của nữ nghệ sĩ; đặc biệt là hoàn toàn độc lập với đường hướng sáng tác của bậc thầy điêu khắc Rodin, người từng là “ngọn núi” quá lớn với Camille Claudel trong thời gian đầu của sự nghiệp sáng tạo.
Danh tiếng của Camille Claudel tồn tại với thời gian không phải vì mối quan hệ một thời của cô với Auguste Rodin mà vì tài năng của cô. Tiểu thuyết gia và nhà phê bình nghệ thuật Octave Mirbeau người Pháp, thuở sinh thời đã mô tả nhân ảnh Camille Claudel là “một cuộc nổi dậy chống lại tự nhiên của một phụ nữ thiên tài”.
Sáng tác ban đầu của Camille Claudel có phần giống với Auguste Rodin về tinh thần nhưng luôn thể hiện trí tưởng tượng và chất trữ tình hoàn toàn riêng của nữ nghệ sĩ.
Chẳng hạn như với tác phẩm nổi tiếng The Waltz (tên gốc tiếng Pháp: La valse - Điệu Valse). Camille Claudel bắt đầu tạo tác Điệu Valse vào khoảng năm 1889, khi mối quan hệ giữa cô với Auguste Rodin vẫn nồng nàn.
Camille Claudel thực hiện mô hình tác phẩm điêu khắc này bằng thạch cao vào năm 1892, được nhà phê bình nghệ thuật Armand Dayot, khi đó đang làm thanh tra cho Bộ Mỹ thuật Pháp, đánh giá cao.
Trong báo cáo của mình với bộ, ông ca ngợi sự gợi cảm và biểu cảm của tác phẩm trong cách tạo hình các nhân vật nhưng kết luận rằng nó không thể trưng bày nơi công cộng do sự khiếm nhã của các vũ công khỏa thân.
Hoặc với The Mature Age (tạm dịch: Tuổi trưởng thành) - một tuyệt tác khác của Camille Claudel, nhưng có chủ đề liên quan mật thiết về cuộc tình éo le với Auguste Rodin, phần nhiều mang tính mỉa mai về thái độ sống thiếu tính quả quyết của bậc thầy điêu khắc trong chuyện tình cảm.
|
Poster phim |
Với tác phẩm điêu khắc mang tính tự sự tự biếm đầy nỗi đau tình ái này, Camille Claudel và Auguste Rodin đã khép lại vĩnh viễn mối quan hệ tình cảm lẫn nghề nghiệp giữa họ kể từ năm 1898.
Ngoài việc chấm dứt mọi sự hỗ trợ dành cho Camille Claudel, Auguste Rodin còn được cho rằng đã tìm cách gây áp lực lên Bộ Mỹ thuật Pháp để hủy bỏ việc tài trợ sáng tác với nữ nghệ sĩ.
Thời gian đó, gia đình Camille Claudel cũng xa lánh cô do từng bất đồng dài lâu với cuộc sống đầy tính nổi loạn của cô. Camille Claudel luôn thiếu hụt tài chính để theo đuổi việc sáng tác.
Đến năm 1905, sức khỏe tinh thần của Camille Claudel dần xấu đi với những cơn giận thường trực ngoài tầm kiểm soát khiến cô lên cơn đập phá tự hủy các tác phẩm của chính mình.
Từ chuyện hận người tình cũ, Camille Claudel chuyển sang thù ghét thế giới xung quanh rồi tự nhốt mình nhiều tháng trong xưởng làm việc, sống dưới mức tồi tàn.
Vào năm 1913, ngay sau cái chết của người cha luôn nhất mực thương yêu Camille Claudel, mẹ và em trai cô lập tức bắt ép nữ nghệ sĩ phải vào viện tâm thần. Kể từ đó, Camille Claudel đã sống triền miên trong ác mộng giữa ban ngày ở nơi ấy suốt 30 năm cuối đời. Bà mất trong cô đơn tột cùng tại viện tâm thần vào năm 1943, ở tuổi 79.
Bộ phim Camille Claudel của đạo diễn Bruno Nuytten đã nhận được đề cử Oscar 1990 dành cho vai nữ chính của Isabelle Adjani và đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất. Phim từng tranh giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin 1989. Phim cũng đã chiến thắng 5 giải César 1989 của Điện ảnh Pháp, trong tổng số 12 đề cử nhận được.
Châu Quang Phước - Nguồn ảnh: Internet