Cuộc thi Những bức ảnh trong đời

Chụp hình để… nhớ

28/06/2023 - 06:00

PNO - Trước đây, chồng tôi, con tôi cũng không mặn mà lắm vụ chụp hình, thậm chí chồng tôi còn la “chụp gì chụp hoài”.

Chiếc xích đu, “phim trường” của gia đình tác giả (trong ảnh: Mẹ và 2 con của tác giả chia tay nhau sau ngày nghỉ lễ)
Chiếc xích đu, “phim trường” của gia đình tác giả (trong ảnh: Mẹ và 2 con của tác giả chia tay nhau sau ngày nghỉ lễ

Ba tôi mất khi 2 con gái tôi mới 7 tháng. Các con không có bất kỳ ký ức nào với ông ngoại. Mỗi lần nhắc ông ngoại, 2 con tôi hay hỏi “Mẹ, tại sao tụi con không có tấm hình nào chụp với ông ngoại vậy?”. Nghe con hỏi, tôi thấy có lỗi với con và cả với ba mình. Thật ra, khi đó tôi đã có máy chụp hình, nhưng tôi chỉ có thói quen chụp hình vào những ngày đặc biệt: đầy tháng, thôi nôi của con, hay đám cưới, tết… và tôi đã bỏ lỡ khoảnh khắc của 2 con gái và ông ngoại. 

Ba tôi bị tai biến năm 1999, liệt nửa người, phải gắn chặt cuộc đời với chiếc xe lăn. Đó là những ngày tuy buồn nhưng là khoảng thời gian mà gia đình tôi gắn bó nhất. 

Năm 2012, tôi lấy chồng, sinh con. Ba tôi cười vui rạng rỡ vì cuối cùng cô con gái út cũng yên bề gia thất. Ba tôi rất thích đưa võng cho cháu ngoại ngủ hay mỗi khi tôi đặt 2 con (sinh đôi) vào lòng ông ngoại, ông lấy cánh tay khỏe còn lại vòng ôm và cúi rạp người xuống để che chắn 2 cháu với nụ cười như ông tiên hay thấy trên phim. Tuy nhiên, con tôi không bao giờ xem được khoảnh khắc trên, bởi dù tôi có máy chụp hình nhưng bận bịu chăm con và quan trọng là tôi không có ý thức lưu giữ khoảnh khắc đẹp này bằng hình ảnh.

Tôi chỉ có những tấm ảnh của ba trong ngày cưới của tôi. Má tôi cứ mân mê bức hình này và luôn đặt ở đầu giường mình. Còn con tôi, lâu lâu lại mở album gia đình và chỉ nhau “ông ngoại nè, ngày xưa ông ngoại thương tụi mình lắm á, ông ngoại ngồi xe lăn đưa võng cho tụi mình ngủ á”. Mỗi lần nghe vậy, tôi lại nhớ cha và tiếc nuối, giá mà tôi chụp lại những khoảnh khắc này để con tôi, cả tôi và má tôi, cũng như các anh chị, các cháu của tôi không phải nhớ về chồng - cha - ông ngoại - ông nội bằng ký ức phai nhạt hay vay mượn của người khác. 

Sau sự tiếc nuối không thể thay đổi về ba, tôi đã thay đổi chính mình, đặc biệt khi má tôi ngày càng lớn tuổi và con tôi càng lúc càng lớn, biết làm đủ trò thì tôi luôn chụp ảnh lại những khoảnh khắc đời thường bên những người thân yêu. Má tôi năm nay 89 tuổi, dù má còn khá khỏe, vẫn đi làm vườn, nấu ăn được; nhưng tôi luôn sợ “má càng già, quỹ thời gian càng ngắn”. Vì vậy, mỗi tháng, hay lễ, tết được nghỉ làm là tôi tranh thủ đưa các con về quê thăm má. Tôi chơi với má cả ngày và tôi lén chụp lại cảnh bà đứng bếp nấu ăn cho con cháu. Là khoảnh khắc má tôi đang làm cỏ ngoài vườn, là má tôi cùng các cháu nội ngoại đi chợ tết hay vừa đưa võng vừa hát ru con tôi ngủ…

Ngoài những lúc chụp lén má, tôi hay kêu các chị em và con cháu chụp hình với má. “Phim trường” của gia đình tôi là chiếc xích đu đặt trước hiên nhà. Chỉ cần “hê” là con cháu xúm quanh má, cười và chụp. Có lần, tôi về quê gấp gáp, vừa lên xe, 2 con tôi nhắc: “Mẹ ơi, quên chụp hình với bà ngoại”. Vậy là cả nhà xuống xe, chạy lại chiếc xích đu má tôi đang ngồi vẫy tay tạm biệt đàn con cháu. Chỉ mất 3 phút, tôi đã có chục bức ảnh gia đình với 3 thế hệ.

Tôi cũng giữ thói quen chụp hình gia đình nhỏ của mình. Tôi chụp hình 2 con mỗi ngày: con chơi, ngủ, ăn, thậm chí cả khóc, cãi nhau… Có khi bận quá, tôi “ới” là 3 cha con xúm lại, đưa mặt vào khung hình và vài giây là có bức hình gia đình.

Trước đây, chồng tôi, con tôi cũng không mặn mà lắm vụ chụp hình, thậm chí chồng tôi còn la “chụp gì chụp hoài”. Nhưng khi tôi đưa những hình ảnh cũ lúc con còn đỏ hỏn và những hình ảnh ngộ nghĩnh ghi lại những cột mốc phát triển của con: trườn, ngồi, đi, đứng… thì chồng con rất thích. Và 3 cha con bị tôi chinh phục hoàn toàn với cái lý: “Ăn gì, hay đi đâu chơi rồi cũng quên, chỉ có hình ảnh là còn đọng lại. Sau này khi ba mẹ già, 2 con lớn lên, nếu không ở cùng nhau thì những bức hình này sẽ giúp cả nhà mình gần nhau và đây là “tài sản” để chữa lành nỗi nhớ của mỗi người”.

2 con tôi rất đồng cảm với lý do này, vì chúng thấy những bức hình chụp với bà ngoại đã luôn xoa dịu nỗi nhớ của mẹ con tôi với người mẹ/bà thân yêu. Má tôi cũng ngày ngày ngắm nghía cuốn album gia đình để đỡ nhớ đám con cháu ở xa.

Dù với gia đình, hay bạn bè, đồng nghiệp, tôi cũng rất thích lưu giữ lại những khoảnh khắc bên nhau bằng hình ảnh. Mỗi khi đi chơi, tôi hay rủ các bạn chụp hình cùng nhau. Có khi chúng tôi chọn một góc view đẹp, tạo dáng như “mo đồ”, hoặc ai ngồi yên đó, chỉ cần có đủ mặt trong khung hình để lưu giữ kỷ niệm những ngày bên nhau. Tôi không muốn để những tiếc nuối giày vò khi đến một lúc nào đó muốn ngắm lại những gương mặt thân yêu, tôi phải hối hận “giá như”. 

Giang Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI