1. Tôi thích thú nhìn tấm ảnh cũ của một đứa em bạn tôi. Cậu ấy năm nay đã ngoài ba mươi tuổi. Còn tấm ảnh được chụp đúng vào dịp tết khi cậu bé đang là học sinh lớp một. Khung cảnh tết đơn sơ mà ấm áp của những năm đất nước còn nghèo khó được ghi lại qua tấm ảnh khiến không ít người từng sống qua những năm tháng đó bùi ngùi…
Là một ngôi nhà vách xây dựng bằng bờ lô (gạch bê tông không nung) chưa được sơn quét. Những tấm cửa sổ được làm bằng tôn mè (loại tôn từ thời chiến tranh sót lại). Trước nhà treo lá cờ Tổ quốc. Và cho dù khó khăn, thiếu thốn đi nữa thì tết ở vùng quê nghèo miền Trung vẫn có hoa cúc, hoa vạn thọ, có chậu trúc, chậu mai…Cậu bé gương mặt thanh tú, chân đi đôi dép tổ ong màu trắng, chiếc quần xanh thụng và cả chiếc áo đại cán nút sắt màu cháo lòng. Hồi đó mà có một bộ đồ như thế cũng là “oách xà lách” lắm rồi!
|
Ảnh minh họa |
Một tấm ảnh khác được chụp cách đây đúng 15 năm khi vợ chồng tôi đưa con gái đầu lòng vừa tròn 10 tháng tuổi về quê ăn tết. Đó là cái tết vui sum vầy nhất của gia đình chúng tôi khi bà nội tôi đón đứa chắt nội và ba mạ tôi thì đón đứa cháu nội đầu lòng. Năm đó, cây hoàng mai bên hiên nhà nở rộ đón xuân với một sắc vàng óng ả. Bước sang thế kỷ 21 rồi, nên chuyện chụp ảnh ngày tết không còn khó khăn như trước nữa.
Chiếc máy ảnh du lịch do chú em tôi mang theo về quê ăn tết đã làm việc hết công suất trong ba ngày tết. Tết năm đó, gia đình tôi có cả một album ảnh của cả 4 thế hệ từ bà nội, ba mạ, anh em tôi và đứa con gái đầu lòng của vợ chồng tôi. Ảnh thì nhiều, nhưng tấm ảnh mà tôi ưng ý nhất là tấm ảnh o Út bồng cháu đứng trước cây mai vàng bên hiên nhà, cả o và cháu đều rạng ngời bên sắc mai vàng ấm áp ngày xuân. Tấm ảnh này tôi vẫn lần giở ra xem mỗi độ tết đến để nhớ về một mùa tết cũ sum vầy.
O Út chừ đã lập gia đình, còn cháu gái lớn của nhà tôi đã là một nữ sinh lớp 10 của trường Quốc học Huế. Cháu cũng rất thích tấm ảnh này cho dù cháu không thể nhớ lần đầu tiên trong đời được cha mẹ đèo xe máy chạy mấy chục cây số từ Huế về quê ăn tết; được ông bà, cô chú thay nhau bồng bế để chụp ảnh như thế nào…
2. Những tấm ảnh lại gợi cho tôi một câu chuyện khác, niềm vui khác của những cái tết năm cũ đó là thú chụp ảnh tết. Ai cũng biết vui như tết, đẹp như tết, mới như tết nên ai cũng muốn lưu lại cho mình cùng bạn bè, gia đình vài kiểu ảnh ngày tết. Những năm 1980 cả vùng duyên hải ven sông Ô Lâu và phá Tam Giang quê tôi kéo dài hơn 20 cây số cũng vỏn vẹn vài ba bác làm nghề chụp ảnh. Làng tôi có anh Tường là người duy nhất làm nghề này. Nhưng anh Tường không chỉ chụp trong làng mà đi khắp đó đây để hành nghề, nhất là trong ba ngày tết nên mời được anh vô xóm chụp ảnh thiệt là khó khăn...
Niềm vui cho xóm tôi là tết năm đó có anh Đức vừa đi học chụp ảnh ở Huế về. Anh Đức học xong lớp 9, không học theo học cấp ba mà vô Huế học nghề. Chẳng ai biết anh học nghề chi trên phố cho đến khi giáp tết anh về quê và đeo bên người cái máy ảnh cũ. Rứa là đến chiều mồng 2 tết anh Đức kêu mấy nhà trong xóm sửa soạn để anh chụp ảnh cho cả xóm; không để sót một ai từ ông già bà lão đến mấy đứa con nít.
|
Chụp ảnh ngày tết những năm đầu thập niên 1990 |
Tất nhiên là anh Đức chỉ lấy tiền phim, tiền rửa ảnh còn công thì anh tặng cho cả xóm. Vừa chụp ảnh anh vừa phân bua: “Tui lần đầu chụp ảnh nên có cái đẹp, cái chưa đẹp, bà con thông cảm dùm nghe!”… Tất nhiên cả xóm vui vẻ cả bởi được chụp ảnh ngày tết mà lại ít tốn tiền nữa nên ai cũng phấn khởi trong bụng.
Anh Đức lo trước không thừa. Cả xóm hồi hộp chờ đến hơn chục ngày anh Đức mới đi Huế rửa ảnh về. Anh chụp nhiều lắm những chỉ có hơn hai chục cái ảnh gọi là đạt. Thế là có người vui lại có kẻ tiếc hùi hụi mà cũng chẳng biết nói làm sao. Thôi thì chờ tết sang năm…
3. Có lần đi tác nghiệp ở một làng quê của Huế. Tôi ghé nhà chú Tuất là trưởng thôn để nghỉ trưa. Thấy trong chiếc tủ kính của nhà chú đặt trang trọng một chiếc máy ảnh Canon đời cũ. Hỏi chuyện mới biết chú từng là “nhiếp ảnh gia của làng” cách đây mấy chục năm. Chú Tuất kể: “Hồi đó tui được một người bạn ở Sài Gòn tặng cho cái máy ảnh ni rồi bày cho cách chụp ảnh nữa. Rứa là cái duyên bạn đã cho tui cái cần câu cơm những năm khó khăn…”
Chú Tuất kể nghề chụp ảnh hồi đó vượng lắm. Đám cưới hay ma chay người ta rất trọng thợ chụp ảnh bởi vì họ là của hiếm. Cơm bưng nước rót đàng hoàng lại có tiền bỏ túi. Nhưng thu nhập sướng nhất là vào dịp tết. Theo lời của chú là sau khi thắp hương tổ tiên, thăm nội ngoại vào sáng mồng một xong; đến trưa mồng một là chú bắt đầu xách máy ảnh tới cầu Vân Trình bắc qua sông Ô Lâu.
Tới nơi đã thấy mấy đám nam thanh nữ tú rồi mấy bọn con nít áo mới xênh xang đứng chờ để được chụp ảnh. “Tui chụp ảnh không kịp trở tay. Hết nhóm này đến nhóm khác. Mà cả mấy làng giáp ranh của hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị tới đó chụp ảnh chớ ít mô. Tui làm ba ngày tết đủ ăn cả năm là rứa…”
Chú Tuất kể: Chụp xong cả mấy chục cuộn phim, đạp xe gần 70 cây số từ quê vô Huế để rửa ảnh. Nhưng hồi đó ở Huế cũng chỉ có một cái tiệm rửa ảnh ở đường Phan Bội Châu gần chợ Đông Ba, mà thợ chụp ảnh thì nhiều nơi đổ về sau tết. Rứa là phải chầu chực cả tuần mới rửa xong ảnh. Rửa xong ảnh là nhẹ cả người, thấy lòng phơi phới hẳn…
Cái máy ảnh ni chừ không hoạt động nữa, có mấy người chơi đồ cũ hỏi mua nhưng nói thiệt với tui nó là vô giá…Vừa nói, chú Tuất vừa đưa cho tôi xem cuốn album ảnh của những tết cũ mà chú cất giữ rất cẩn thận. Lật từng tấm ảnh, những mùa tết năm nao lại ùa về. Những cái tết nghèo mà vui như chính nụ cười, ánh mắt của từng người trong ảnh…
Phi Tân