Chuột, gián, ruồi tung tăng trong nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm

09/09/2020 - 06:31

PNO - Tính từ đầu năm 2020 đến nay, qua kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, điểm kinh doanh ăn uống, cơ sở chế biến thực phẩm, thanh tra Ban Quản lý ATTP TPHCM phát hiện nhiều cơ sở che chắn thực phẩm thiếu an toàn khiến côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào thức ăn chế biến sẵn.

Bên cạnh những tác nhân gây ngộ độc như hóa chất, vi khuẩn, sự cẩu thả, kém vệ sinh của các quán ăn, nhà hàng, siêu thị cũng mang lại mối nguy về an toàn thực phẩm. Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cho rằng, nếu các loài vật gây hại như chuột, gián, ruồi… không để lại dấu vết, việc kiểm tra, xử phạt sẽ rất khó khăn.

Nơi chế biến thức ăn đầy phân chuột 

Chuột bò trên khay thức ăn ở Aeon Tân Phú, được người dân chụp lại, đưa lên mạng xã hội
Chuột bò trên khay thức ăn ở Aeon Tân Phú, được người dân chụp lại, đưa lên mạng xã hội

Sau vụ chuột xuất hiện ở khu vực bán thức ăn trong siêu thị Aeon Tân Phú 
(TPHCM), lực lượng thanh tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cũng phát hiện nhiều cơ sở chế biến thức ăn có chuột, gián xâm nhập. Cụ thể, thanh tra của ban này phát hiện khu vực bếp của nhà hàng chay T.L.T.Y.H.Đ. trên đường Huỳnh Khương Ninh (phường Đa Kao, quận 1) có chuột, gián. 

Tại hộ kinh doanh thức ăn X.L.C. trên đường Phan Xích Long (phường 7, quận Phú Nhuận), đoàn thanh tra liên ngành về ATTP phát hiện có ruồi và phân chuột ở nơi chế biến thức ăn.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, qua kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, điểm kinh doanh ăn uống, cơ sở chế biến thực phẩm, thanh tra Ban Quản lý ATTP TPHCM phát hiện nhiều cơ sở che chắn thực phẩm thiếu an toàn khiến côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào thức ăn chế biến sẵn.

Cụ thể, khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện gián trong tủ bảo quản thực phẩm ở nhà hàng trong khách sạn O.C. (phường Bến Nghé, quận 1), gián trong khu vực bếp chế biến của hệ thống khách sạn A.E. (quận 1). 

Mới đây, kiểm tra tại nhà hàng B.Đ. nằm trên đường Phổ Quang (phường 2, quận Tân Bình) và cơ sở kinh doanh ăn uống T.P.B. trên đường Đề Thám (quận 1), lực lượng chức năng phát hiện có nhiều ruồi ở khu vực bếp và nơi bảo quản đồ ăn chế biến sẵn.

Đoàn kiểm tra còn ghi nhận có chuột hoặc chất thải của chuột tại khu vực chế biến thức ăn của một số cơ sở kinh doanh ăn uống. Tình trạng mất vệ sinh này tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm, gây hại đường tiêu hóa, gây ngộ độc thực phẩm.

Từ năm 2019 đến nay, qua kiểm tra điều kiện chung về đảm bảo ATTP tại 1.042 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm qua chế biến không bao gói sẵn, thanh tra của Ban Quản lý ATTP TPHCM đã phát hiện, xử lý 203 trường hợp không bảo đảm vệ sinh, để côn trùng xâm nhập.

Dịch COVID-19 khiến chuột, gián càng nhiều 

Nhiều tháng qua, cơ sở sản xuất bún, hủ tíu khô của anh Nguyễn Văn Kiên (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) phải hoạt động cầm chừng vì nhiều mối lấy hàng không còn kinh doanh do dịch COVID-19. Khu vực sản xuất rộng 200m2 phải đóng cửa nhiều tháng nên chuột kéo đến làm tổ càng lúc càng nhiều. Để diệt chuột, anh Kiên phải mua keo dán, đặt bẫy xung quanh xưởng.

“Mấy ngày đầu, mỗi ngày cũng dính vài con nhưng khoảng một tuần trở đi, có lẽ chuột biết có bẫy nên dù đã đổi mồi nhử, chuột vẫn không chui vào bẫy. Sắp tới đây, để tái sản xuất, chắc cơ sở tôi sẽ thuê đội diệt chuột chuyên nghiệp đến xử lý” - anh Kiên nói.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều quầy sạp trong khu vực nhà lồng của một ngôi chợ truyền thống trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TPHCM đóng cửa. Từ đó, chuột, mối, kiến, gián có dịp sinh sôi.

Để diệt chuột, các tiểu thương sử dụng bình xịt gián, keo bẫy chuột, ban quản lý chợ cũng có một đội chuyên xử lý côn trùng, diệt chuột. Hằng ngày, số lượng chuột diệt được thống kê, ghi chép cẩn thận trên bảng. “Có hôm, chúng tôi diệt được gần 30 con chuột” - đại diện ban quản lý chợ cho biết.

Trừ chuột bằng bẫy chuột là phương pháp an toàn, kinh tế
Trừ chuột bằng bẫy chuột là phương pháp an toàn, kinh tế

Anh Nguyễn Xuân Huy - chủ một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ diệt chuột và côn trùng ở quận 12, TPHCM - cho biết, dịch COVID -19 khiến nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm tạm ngưng hoạt động, trả mặt bằng khiến côn trùng, động vật gây hại như ruồi, chuột tận dụng mặt bằng, kho bỏ không để xây tổ, sinh sôi. Từ đầu năm đến giờ, anh nhận được nhiều hợp đồng diệt chuột để cứu kho hàng. 

Kiểm tra, xử phạt ra sao? 

Ông Nguyễn Đình Tú - Phó trưởng phòng Thanh tra, Ban quản lý ATTP TPHCM - cho hay, lỗi để côn trùng xâm nhập thực phẩm chế biến sẵn chỉ là một trong 32 hạng mục kiểm tra về ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Với lỗi vi phạm này, theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt, thấp nhất là 500.000 - 1 triệu đồng (đối với cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố), từ 1 - 3 triệu đồng (đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, cơ sở kinh doanh ăn uống).

Tuy nhiên, không dễ phát hiện lỗi nếu các động vật, côn trùng gây hại không hiện diện tại thời điểm kiểm tra hoặc không để lại dấu chân, chất thải. 

Hiện nay, Ban Quản lý ATTP TPHCM có tám đội thanh, kiểm tra về ATTP đóng tại các quận, huyện. Địa bàn rộng, với hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nên việc thanh, kiểm tra gặp khó khăn.

“Nhiều lúc, vào kiểm tra bếp ăn, chúng tôi thấy ở khu vực chế biến, thức ăn thừa không được xử lý tốt, nắp cống mở để nước thoát, rất dễ có gián, chuột theo cống bò lên khu vực chế biến thức ăn. Nhưng thời điểm kiểm tra, chúng tôi không thấy có gián, chuột hoặc phân chuột nên không xử lý chủ cơ sở được” - ông Tú chia sẻ.

Theo ông Tú, ngoài việc cơ quan quản lý tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm thì người kinh doanh cần có kiến thức, kỹ năng bảo quản thực phẩm sau chế biến.

Cụ thể, cần sử dụng các thiết bị phòng, chống côn trùng theo danh mục cho phép, tuyệt đối không phun xịt hóa chất độc hại, đánh bả chuột trong khu vực chế biến; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chế biến, bịt các lỗ thoát nước mà côn trùng, động vật có hại có thể trú ngụ hoặc theo đó để xâm nhập vào thức ăn.

Khách hàng cần chọn những cơ sở kinh doanh thực phẩm có tâm, bảo đảm vệ sinh để tự bảo vệ mình. 

Chuột gây 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm 

Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn 2017-2019, toàn quốc ghi nhận 65 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, làm 2.801 người mắc, 2.709 người nhập viện, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc là do thức ăn bị ô nhiễm từ nguyên liệu chế biến, phụ gia, nguồn nước, dụng cụ sơ chế, dụng cụ ăn uống, địa điểm, môi trường bị bụi bẩn, ruồi, côn trùng xâm nhập. 

Theo các chuyên gia y tế, riêng chuột gây ra khoảng năm loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch hạch, bệnh vàng da, xuất huyết, bệnh do vi khuẩn salmonella. Trong đó, vi khuẩn salmonella thường có trong phân chuột, thú cưng, người bệnh có thể bị nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với phân hoặc thực phẩm do chuột ăn dở. 

Thanh tra thực phẩm chưa thể hiệu quả

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý ATTP TPHCM - nhận định, việc thanh tra theo kế hoạch như hiện nay không thể mang lại hiệu quả. Muốn thanh tra, phải lập danh sách, rà soát xem có trùng lắp giữa các sở, ngành, quận, huyện hay không. Sau đó, cơ quan chức năng làm công văn gửi cho cơ sở, thông báo thời gian sẽ đến thanh tra và đề nghị cơ sở chuẩn bị. 

“Đơn vị bị thanh tra sẽ đối phó ngay hoặc tạm đóng cửa để né tránh. Vậy đó, nhưng đôi khi đi thanh tra theo kế hoạch kiểu này mà vẫn ra vi phạm” - bà Lan nói.

Theo bà, phải tăng cường thanh tra đột xuất. Nhưng muốn thanh tra đột xuất, phải có tin báo theo Luật Thanh tra.

“Khi chưa thay đổi được thì tôi nghĩ phải phát huy cái gì đang có, bằng cái tâm của mình. Ngay trong lực lượng thanh tra, cũng phải tăng cường giám sát lẫn nhau, luân chuyển thường xuyên để tránh tối đa tiêu cực, từ đó tăng cường thanh tra đột xuất. Muốn vậy, phải tăng cường sự hợp tác, báo tin từ người dân” - bà Lan cho hay. 

Bà cũng cho rằng, khi đã có chủ trương tăng cường thanh tra đột xuất thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chấp nhận sự giám sát thường xuyên, hậu kiểm. “Chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất chứ không trông chờ vào thanh tra theo kế hoạch nữa” - bà Lan nhấn mạnh.

Quốc Ngọc

Hoài An

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Linh Ngô 09-09-2020 07:32:33

    Vì sức khỏe cộng đồng và chính gia đình mình đề nghị các cơ sở, nhà riêng bán các loại thức ăn chế biến thường xuyên kiểm tra môi trường xung quanh và kiểm tra thực phẩm, không nên chế biến nhiều để qua đêm vì không bảo quản kỹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đừng vì chút lợi nhuận mà hủy hoại sức khỏe đồng bào chúng ta. Ban ATTP TP.HCM nên phối hợp với y tế phường làm tốt công tác kiểm tra ATTP và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Ban kiểm tra phải thật sự có tâm thì mới làm tròn trách nhiệm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI