Những ngày qua, Chuông vàng vọng cổ 2017 Nguyễn Văn Khởi miệt mài trên sàn tập chuẩn bị cho vở Chuyện tình Lan và Điệp, dự kiến ra mắt công chúng vào ngày 15/5 tới. Từ một nhân viên tòa án ở Kiên Giang, cuộc sống của Nguyễn Văn Khởi giờ đây thay đổi ít nhiều. Những tín hiệu đó càng giúp anh tin vào con đường mình đã chọn.
|
Chuông vàng vọng cổ 2017 Nguyễn Văn Khởi |
*Phóng viên: Anh có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận vai Điệp trong vở diễn kinh điển Chuyện tình Lan và Điệp?
- Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi: Tôi vui khi được nhà hát, chị Thanh Ngân chọn diễn cùng trong vở diễn rất nổi tiếng này. Nhưng dĩ nhiên không tránh được áp lực vì trước đây đã có nhiều tiền bối thành công với vai Điệp. Do đó, việc bị đặt lên bàn cân so sánh là khó tránh khỏi. Tôi chỉ biết làm hết sức, mong khán giả đón nhận những nỗ lực của tôi.
Trong quá trình tập, các anh chị, cô chú cũng giúp tôi điều chỉnh, khắc phục những điểm chưa được để hoàn thiện. Những ngày qua, tôi xem lại các tài liệu, vở diễn cũ của các cô chú để học hỏi thêm. Ở nhà, tôi tập tự đối thoại, ca một mình để rèn luyện. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào vai diễn này.
*Sau hiệu ứng khá tốt từ Tiếng trống Mê Linh, có phải anh đã tự tin hơn nhiều?
- Trong Tiếng trống Mê Linh, tôi vào vai Thi Sách, chồng của Trưng Trắc - do chị Thanh Ngân đảm nhận. Đó là tình cảm vợ chồng son sắt, trong đó có cả tình yêu quê hương đất nước lớn lao hơn. Tình cảm ấy vượt ra khỏi phạm vi một cá nhân nên cũng khó thể hiện hơn.
Chuyện tình Lan và Điệp lại mang màu sắc khác, là câu chuyện đời thường dễ tiếp cận hơn. Vai Điệp tương đối dễ thở hơn với tôi. Hồi nhỏ, khi xem vở này tôi rất xúc động. Đoạn anh Điệp vào chùa tìm Lan ở cuối tác phẩm, tôi không kìm được cảm xúc. Nay, khi đứng sân khấu, tôi hy vọng sẽ khiến khán giả xúc động. Dĩ nhiên, anh Điệp ở năm 2022 sẽ có đôi chút khác biệt so với trước đây.
|
NSND Thanh Ngân và Nguyễn Văn Khởi trong vở Tiếng trống Mê Linh |
*Người tình trên chiến trận - NSND Thanh Ngân, Nguyễn Văn Khởi:
* 2 lần kết hợp với NSND Thanh Ngân cũng như nhiều lần đi diễn chung hẳn cũng giúp anh thấy an tâm hơn khi đứng trên sân khấu?
- Được kết hợp với NSND Thanh Ngân, tôi vừa phấn khích, vừa áp lực. 2 chị em đã diễn chung, đi cùng nhau trong nhiều chương trình nhưng diễn tuồng dài, kinh điển rất khó.
Thuở tôi còn nhỏ, chị Ngân đã rất nổi tiếng. Tôi vô cùng mến mộ chị ấy. Tôi ấn tượng với chị Ngân bởi hình ảnh đôi má lúm đồng tiền rất duyên dáng, dễ thương. Hình ảnh ấy tôi vẫn lưu giữ đến bây giờ. Sau này, tôi xem tuồng của chị ấy nhiều hơn, càng xem càng yêu thích. Thuở chưa làm nghề, đi xem chị Ngân diễn trong mỗi lần chị ấy về Kiên Giang quê tôi, tôi đứng nhìn chị từ xa mà không dám nghĩ có ngày sẽ được đứng cùng sân khấu. Nhưng có những ước mơ có thật, đôi khi lại khó tin.
* 2 vở diễn này giúp anh có thêm hành trang trên con đường cải lương chỉ mới 5 năm. Nhìn lại, anh thấy gì trên đường mình đã đi?
- Năm 29 tuổi mới bước lên sân khấu chuyên nghiệp, lại vào nghề trong thời điểm cải lương đối diện với vô vàn khó khăn. Thật lòng, tôi lo lắng nhiều, bởi lẽ không biết tương lai sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ đã quyết định đi, phải đi đến cùng, phục vụ khán giả hết mình. Tôi luôn giữ niềm tin nếu có lòng trời không phụ.
Vào nghề muộn nhưng tôi may mắn được nhiều anh chị đi trước giúp đỡ. Tôi vẫn mang ơn chị Diễm Thanh, vì chị đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Chị là người đầu tiên gọi tôi đi show sau khi tôi giành giải Chuông vàng vọng cổ. Show này tôi nhận được thù lao 3 triệu đồng. Sau này, chị hướng dẫn tôi về cộng tác, học hỏi kinh nghiệm ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Nhờ đó, tôi được cọ xát với sân khấu chuyên nghiệp, định hình chính xác đường đi của mình. Gần đây, tôi đã trở thành nghệ sĩ chính thức của nhà hát.
2 năm qua, vì dịch COVID-19 nên hoạt động biểu diễn gặp trở ngại. Nhưng khi cuộc sống trở lại bình thường, tôi lại có vai diễn, tạo được hiệu ứng tốt. Những điều đó động viên tôi rất nhiều, thúc giục tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Mỗi lần được đứng trên sân khấu, tôi hạnh phúc lắm. Đêm nào diễn được khán giả khen, vỗ tay, tôi về ngủ ngon vô cùng.
|
Nguyễn Văn Khởi và nghệ sĩ Diễm Thanh trong một tiết mục diễn sân khấu |
* Từ bỏ công việc ổn định, xa quê để rẽ sang hướng đi mới, hẳn không phải là quyết định dễ dàng, với riêng anh và cả gia đình anh…
- Thời điểm thi Chuông vàng vọng cổ, tôi vừa đậu viên chức vào Tòa án Nhân dân tỉnh Kiên Giang. Nghĩ lại, tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó lại đăng ký đi thi. Có lẽ do duyên tới (cười). Khi đi làm ở quê, cứ có thời gian rảnh, tôi lại đi hát.
Gia đình tôi ai cũng biết đờn ca tài tử, nhưng không ai theo nghề ca hát. Thuở nhỏ, tôi từng nghĩ khi học hết trung học phổ thông sẽ cố gắng theo nghề này, nhưng gia đình muốn tôi theo con đường khác. Ban đầu, khi biết tôi đi thi, cha mẹ không ủng hộ vì thấy làm nghệ sĩ cứ đi diễn xa. Nhưng tôi hăng say lắm, vì yêu ca hát mãnh liệt. Lúc đó, tôi chưa hiểu hết những khó khăn lẫn sự bạc bẽo của nghề, nếu không nổi tiếng. Khi dấn thân vào, tôi mới nghiệm ra.
Năm đó, sau khi vào đến chung kết Chuông vàng vọng cổ tôi mới thông báo cho gia đình lên TPHCM xem. Lúc này, cha mẹ tôi cũng xuôi lòng, chấp nhận. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến TPHCM. Mọi thứ đều xa lạ, bỡ ngỡ. Tôi chưa hình dung được cuộc sống tại Sài Gòn. Nhưng dần dần mọi thứ cũng ổn định.
|
Sau 5 năm đi hát, Nguyễn văn Khởi đã giúp gia đình sửa sang nhà cửa ở quê, giúp cha mẹ ổn định cuộc sống |
* 5 năm không dài nhưng hẳn anh cũng có thêm hành trang để bước đi cho sự nghiệp sau này…
- Tôi được nhiều hơn. Tôi có thể chăm lo, xây nhà cho gia đình. Hiện, cuộc sống của cha mẹ tôi ở quê đã ổn định. Trước đây, tôi sống hơi khô khan, ngại tiếp xúc với người lạ. Thường ai hỏi gì tôi sẽ trả lời mà ít khi chủ động. Từ khi đi hát, tôi dạn dĩ, hoạt bát hơn.
Biết tính tôi khô khan, các anh chị thường để mắt, nhắc nhở, giúp tôi khắc phục trong cách thể hiện nhân vật. Hiện tại, tôi nhận thấy bản thân tạm ổn hơn trong việc biểu đạt cảm xúc, nhưng giỏi thì chưa. Làm nghệ sĩ, tôi học được việc cần biết buông bỏ cái riêng để vì cái chung. Có những chuyện trong cuộc sống riêng khiến tôi buồn, trăn trở nhưng cũng chỉ nghĩ đến rồi tạm gác qua một bên, để khi xuất hiện trên sân khấu phải hết lòng vì khán giả, khiến họ vui thích.
Tôi ít có dịp về quê. Nhưng mỗi lần về bà con chòm xóm hỏi thăm, động viên nhiều lắm. Những tình cảm đó tôi cất trong tim, để làm hành trang bước tiếp.
Thành Lâm