Chuông vàng vọng cổ - đổi mới là việc sống còn

28/07/2017 - 15:10

PNO - Nếu ở những mùa đầu, đa phần TS đoạt giải đều là những gương mặt rất mới hoặc vừa chân ướt, chân ráo chạm ngõ sân khấu cải lương, thì càng về sau, tính chuyên nghiệp của TS cũng cao hơn.

Chuông vàng vọng cổ (CVVC) - cuộc thi tìm kiếm những nhân tố mới cho sân khấu cải lương đã bước vào mùa thứ 12. Nếu như những năm trước, CVVC thu hút khán giả vì là cuộc thi duy nhất về vọng cổ, cải lương thì năm nay chương trình đang chịu áp lực cạnh tranh với những show tương tự như Đường đến danh ca vọng cổ, Ai rành sáu câu, Hạt ngọc mùa vàng

Chuong vang vong co  - doi moi la viec song con

Ba gương mặt đoạt giải của Chuông vàng vọng cổ 2016 đều chưa có dấu ấn nào kể từ khi kết thúc cuộc thi

Từ mùa thi đầu tiên năm 2006 đến nay, CVVC vẫn được xem là “nguồn” cung cấp tài năng cho các đơn vị cải lương chuyên nghiệp. Nhiều diễn viên (DV) chính của các đoàn cải lương khu vực miền Nam hoặc những tên tuổi DV cải lương trẻ đang được công chúng yêu mến xuất thân từ CVVC như: NSƯT Hồ Ngọc Trinh, Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Võ Minh Lâm, Mỹ Vân, Thu Vân, Bùi Trung Đẳng…

Điều đáng quý nhất ở chương trình là sự bền bỉ với tiêu chí là cuộc thi tìm kiếm tài năng mang nhiều tính học thuật, bài bản. Bên cạnh đó, những năm gần đây, CVVC cũng nỗ lực thay đổi; từ cách tổ chức, chấm giải, đến việc đưa thêm ban huấn luyện (BHL) tham gia vòng Chung kết xếp hạng để hỗ trợ thí sinh (TS), thay đổi cách chấm chọn TS vào vòng chung kết.

Đáng tiếc, dù nỗ lực, trừ cú lội ngược dòng của Nguyễn Minh Trường nhờ có sự tiếp sức của BHL trong cuộc thi năm 2014, đến nay dấu ấn của sự đổi thay trong tổng thể CVVC vẫn rất mờ nhạt. Chất lượng TS hàng năm cũng có dấu hiệu sa sút. Nếu ở những mùa đầu, đa phần TS đoạt giải đều là những gương mặt rất mới hoặc vừa chân ướt, chân ráo chạm ngõ sân khấu cải lương, thì càng về sau, tính chuyên nghiệp của TS cũng cao hơn.

Chuong vang vong co  - doi moi la viec song con

Nhiều TS đoạt giải hoặc đã tốt nghiệp các lớp đào tạo diễn viên, hoặc đã tham gia khá nhiều vở cải lương ở các đoàn nghệ thuật. Có ý kiến bảo điều này thể hiện cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp, tính cạnh tranh cao hơn. Nhưng ở góc độ khác, sự “chuyên nghiệp” này khiến tính phát hiện của CVVC không còn nữa.

Đa phần những gương mặt đoạt giải, khi trở về đơn vị, vẫn cứ chính là họ trước đó - không mấy thay đổi. Như hai năm gần đây nhất, các Chuông vàng, Chuông bạc: Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Văn Hợp (2015), Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung, Trịnh Thị Ngọc Huyền (2016) gần như không có gì nổi trội sau cuộc thi.

Một vài lần xuất hiện ở Ngân mãi chuông vàng của họ cũng chưa để lại nhiều ấn tượng. Con số hơn 250 TS tham gia vòng sơ tuyển ở CVVC năm nay cũng ít nhiều gây lo ngại. Liệu có phải do những yêu cầu chuyên môn từ cuộc thi và tính cạnh tranh quá cao giữa các TS khiến nhiều TS không tự tin tham gia hay CVVC giờ đã hết "hot"?

Dù lý giải cách nào, đổi mới vẫn là chuyện sống còn của CVVC trong làn sóng đổ bộ của các chương trình truyền hình hiện nay. Giữ đúng tiêu chí của một cuộc thi tìm kiếm tài năng là cần thiết, nhưng chưa đủ. Dù tìm kiếm tài năng hay chỉ là một gameshow đơn thuần, tính hấp dẫn không thể là điều thứ yếu.

Chuong vang vong co  - doi moi la viec song con

Cách TS xếp hàng chờ đến lượt ra thi từ nhiều năm nay đang làm CVVC mất điểm. Khi một số gameshow mạnh dạn đầu tư xây dựng định dạng chương trình đầy màu sắc, kịch bản đa đạng, cập nhật nhiều vấn đề xã hội được công chúng quan tâm thì cách chọn một số trích đoạn, nhân vật mẫu… cho TS dự thi ở CVVC khiến chương trình trở nên đơn điệu.

Đã vậy, có những trích đoạn, nhân vật được chọn làm bài thi hết mùa này đến mùa khác. Câu chuyện cũ kỹ, thiếu hơi thở của cuộc sống; nhiều trích đoạn xưa đến mức người xem thuộc lòng từng câu ca, câu thoại; TS lại không thể bằng tài năng mà khiến khán giả quên đi “tính quen thuộc” của kịch bản… các tiết mục dự thi không hấp dẫn là điều đương nhiên.

Sở hữu khá nhiều lợi thế từ nhà hát với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhiều tâm huyết với sân khấu cải lương luôn sẵn lòng hỗ trợ về chuyên môn, đến kinh nghiệm của 11 năm tổ chức; công chúng yêu thích CVVC vẫn đang kỳ vọng vào những sự thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện cho một mùa thi mới. 

Tổng đạo diễn Quách Hồ Ninh

Điều đặc biệt nhất ở cải lương là khả năng dung nạp những loại hình nghệ thuật mới. Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua lợi thế này khi làm một chương trình liên quan đến vọng cổ, cải lương. Vì sao chúng ta cứ phải mặc một bộ trang phục theo quy định để trình diễn một bài vọng cổ? Sao ta không phả hơi thở đương đại vào các tiết mục ca cổ, cải lương; từ cách phối hợp âm nhạc, tiết tấu đến cách thể hiện…? Hy vọng những ý tưởng của tôi trong lần đầu giữ vai trò tổng đạo diễn sẽ được thể hiện mạch lạc trong từng đêm thi và được khán giả đón nhận.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI