Chuông vàng vọng cổ 2016 Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung Tôi luôn mang theo hành trang ba mẹ cho

19/10/2016 - 16:35

PNO - Sau đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2016, “tân” Chuông vàng Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung chạy xe máy theo cha - NSND Ngân Vương về tận Biên Hòa.

Nửa đêm, hai cha con hai chiếc xe máy đội mưa lướt thướt nhưng trong lòng lâng lâng, ấm áp. Và có lẽ chưa bao giờ, con đường TP.HCM - Biên Hòa lại ngắn đến vậy.

“Suốt chặng đường, hai cha con nói với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện cuộc thi đến chuyện nghề… rồi cả viễn cảnh phía trước của tôi. Cứ vậy mà quên mưa gió. Về đến nhà, cả hai cha con không ai muốn ngủ. Giật mình ngó đồng hồ đã hơn bốn giờ sáng. Lần đầu tiên trong đời, tôi và ba nói chuyện nhiều như thế” - Tuyết Nhung kể, giọng tràn đầy hạnh phúc.

Chuong vang vong co 2016 Nguyen Ho Nhu Tuyet Nhung Toi luon mang theo hanh trang ba me cho
Tuyết Nhung (giữa) trong cuộc thi Chuông Vàng Vọng cổ 2016

Ba là cánh chim

Không nhiều người ngạc nhiên với lời giới thiệu của MC: thí sinh Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung chính là con gái của NSND Ngân Vương. Thừa hưởng “gen” của cả ba lẫn mẹ (mẹ là diễn viên đoàn nghệ thuật An Giang), Tuyết Nhung sở hữu một giọng ca truyền cảm với làn hơi khỏe khoắn, âm vực rộng và bản lĩnh sân khấu vững vàng, khả năng cảm thụ khá tốt. Trong suốt bốn đêm thi của vòng chung kết xếp hạng, Tuyết Nhung là thí sinh ổn định tốt nhất. Cô hiếm khi mắc lỗi kỹ thuật khi thể hiện các phần thi, cả ca lẫn diễn.

Cha là nghệ sĩ nổi tiếng, mải miết với những chuyến lưu diễn, ký ức tuổi thơ của cô bé Tuyết Nhung là những tháng ngày trông ngóng ba về. Từ khi có đủ khả năng nhận biết cuộc sống xung quanh, bé Tuyết Nhung đã bắt đầu phải làm quen với cuộc sống chỉ có hai mẹ con.

Chuong vang vong co 2016 Nguyen Ho Nhu Tuyet Nhung Toi luon mang theo hanh trang ba me cho
Tuyết Nhung và ba - NSND Ngân Vương

Nhưng trong mắt bạn bè ở vùng quê huyện Chợ Mới (An Giang), Tuyết Nhung là đứa trẻ hạnh phúc đủ đầy: được ở nhà “tường”, được ba chở đi mua sắm tất cả những gì trẻ nhỏ đồng trang lứa mơ ước, từ quần áo, sách vở đến đồ chơi, xe đạp.

Biết nhiều bạn bè “ganh tỵ”, bé Nhung càng ra sức chứng tỏ mình bằng cách mỗi lần ba về, hễ ba đâu là Nhung đó. Trẻ con hồn nhiên, chắc chắn chẳng ai ngờ nhỏ Nhung “sướng nhất vì được ba cưng” lại có những buồn riêng, những nỗi buồn theo Nhung cho đến lúc trưởng thành.

“Thời thơ ấu, tôi hay tủi thân khi thấy bạn bè được ba đưa rước. Tôi lén nhìn những bữa ăn đầy đủ mẹ cha của trẻ hàng xóm và ước ao mình được như tụi nó”, Tuyết Nhung nghẹn ngào. Sáu bảy tháng ba mới về nhà một lần, trông ba dài cổ nhưng ba về chỉ một vài ngày lại đi. Nhung nói, cô chưa bao giờ khóc khi chia tay ba, nhưng thực lòng Nhung chỉ muốn khóc òa cho đã.

Thương ba và biết tình thương ba dành cho Nhung cũng đong đầy, nhưng giữa hai cha con luôn có khoảng cách vô hình khiến hai cha con khó nói lời yêu thương với nhau. Mỗi lần ba về, Nhung tìm mọi cách để gần ba.

Lớn hơn một chút, Nhung chỉ dám úp úp mở mở: “Con ngủ mơ thấy ba, mừng quá chừng mà tự nhiên nửa chừng mẹ kêu con dậy…”. Nhớ ba, Nhung chỉ biết xem, nghe băng đĩa của ba để được gặp ba và cảm nhận ba luôn ở rất gần. Và có lẽ ước mơ được trở thành nghệ sĩ giống ba mẹ dần hình thành trong Nhung từ đó.

Giờ đây, khi nhớ lại tuổi thơ, mắt Nhung vẫn đỏ hoe, nhưng Nhung chưa bao giờ giận ba. “Chỉ đến lúc trưởng thành, khi phải chông chênh giữa hai con đường trở thành trình dược viên như mong muốn của ba hay được bay bổng với lời ca tiếng đàn như khát vọng của mình, mới có lúc tôi hờn ba khi con đường mình đi sao quá gập ghềnh.

Chuong vang vong co 2016 Nguyen Ho Nhu Tuyet Nhung Toi luon mang theo hanh trang ba me cho
Tuyết Nhung (bìa phải) trong trích đoạn Thời con gái đã xa

Nhưng mỗi lần nửa đùa nửa thật: “Tại ba không cho con theo nghề và học nghề bài bản nên con thua thiệt bạn bè, chỉ biết ca mà không biết diễn”. Nhìn ba, tôi càng thương ba hơn, bởi tôi hiểu ba cũng “chông chênh” không khác gì tôi. Ánh mắt ba như muốn nói, ba cũng không biết mình đúng hay sai khi từng cố đẩy tôi khỏi con đường nghệ thuật”. Tuyết Nhung nói.

Mẹ là tổ ấm

Ngày còn nhỏ, bé Nhung hay thắc mắc, sao mẹ lạ quá, sao có thể ca hát suốt ngày, làm việc cũng ca, nấu cơm cũng ca, sắp tới giờ ngủ cũng ca… Lớn lên, khi tập tễnh theo nghề hát, Nhung mới nhận rằng mẹ có một đam mê, một tình yêu rất lớn với nghề hát. Nhưng cha đã quanh năm đi theo đoàn hát, không nỡ để Nhung phải sống với ngoại, bà đành rời bỏ đoàn nghệ thuật An Giang, lui về quanh quẩn với quán cà phê nhỏ tại nhà để tiện chăm sóc con. Nhớ nghề, mẹ chỉ biết trút nỗi nhớ vào câu hát, lời ca. Khi phát hiện Nhung cũng mê ca hát, mẹ đã gử i gắm niềm đam mê đó cho con gái và là người dạy cho con những bài học đầu tiên về kỹ thuật ca, cách lấy hơi, luyến láy…

Chuong vang vong co 2016 Nguyen Ho Nhu Tuyet Nhung Toi luon mang theo hanh trang ba me cho
Tuyết Nhung và mẹ

Đã kiếm được tiền xây sửa nhà cho mẹ, cho ngoại ở quê, nhưng dường như những lúc ở bên mẹ, Nhung vẫn như chú gà con, thích được mẹ ấp ủ trong đôi cánh. Khi đủ khôn lớn, đủ nhận thức về những gì xảy ra trong gia đình, Nhung hiểu mẹ có những nỗi buồn riêng. Nhưng chưa bao giờ mẹ để những vấn đề của “người lớn” ảnh hưởng đến Nhung.

Hình như không còn mấy ai nhớ mẹ Tuyết Nhung từng là một cô đào của đoàn nghệ thuật An Giang, Nhung dí dỏm kể mẹ “nhát” tới mức không dám lên Sài Gòn xem con gái thi vì… hồi hộp. Nhung nói cô từng ngạc nhiên khi thấy mẹ vốn là nghệ sĩ nhưng không biết chưng diện, không nghĩ tới hạnh phúc riêng mình.

“Mẹ sống đơn giản tới mức quên luôn thói quen chăm chút bản thân. Như tất cả những người phụ nữ khác, mẹ thích mặc đẹp nhưng ít dám sắm sửa. Nhiều năm nay, gần như mẹ chỉ mặc những gì tôi mua”.

Không dùng uy tín của mình để gửi gắm con, hay gây áp lực là con của nghệ sĩ, cha mẹ Tuyết Nhung để con tự bước đi, dù biết con đường nghệ thuật không ít chông gai. Tốt nghiệp trung cấp dược, đã ổn định với thu nhập từ việc bán thuốc ở nhà thuốc tây, Tuyết Nhung đột ngột bỏ ngang để theo nghề hát.

Chuong vang vong co 2016 Nguyen Ho Nhu Tuyet Nhung Toi luon mang theo hanh trang ba me cho
Tuyết Nhung - trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn

Hình dung được phần nào con đường đang chờ Nhung, nhưng mẹ không ngăn cản ước mơ của Nhung. Hai lần cô thất bại ở cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, bà chỉ nhẹ nhàng nhắc Nhung đừng buồn và âm thầm chăm sóc từng bữa ăn đến giấc ngủ.

Gần trọn đời sống với nghề hát, hơn ai hết, NSND Ngân Vương hiểu rằng con gái mình cần có đủ những trải nghiệm và cả nỗ lực để thực sự có thể gắn bó với nghề. Ngay trong đêm hai cha con hai xe máy đội mưa từ TP.HCM về Biên Hòa, ông đã nói với con: “Đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Con phải cố gắng gấp đôi so với trước khi đoạt giải”.

Ngày Nhung gọi điện khoe với ba cô được gọi đi tập tuồng mới, NSND Ngân Vương “gửi” con gái lời dặn dò: “Dù là Chuông vàng, con cũng sẽ không thể làm được gì nếu không có sự hỗ trợ của tất cả các cô chú, anh chị và bạn diễn xung quanh”. Nhung nói những bài học về nghề, về cách đối nhân xử thế cô được học ở ba chỉ đơn giản, nhẹ nhàng như vậy. Nhưng đó là những hành trang giá trị nhất cô mang theo.

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI