PNO - Số lượng chương trình truyền hình thiện nguyện, vì cộng đồng hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc duy trì được chúng dài lâu hay không, là điều khiến đơn vị sản xuất trăn trở.
Chiến thắng cùng con chuẩn bị lên sóng vào cuối tháng Mười hai này, trên kênh HTV7. Chương trình tạo sân chơi cho trẻ em tự kỷ, đồng thời cung cấp kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia đến phụ huynh trong việc chăm sóc con em mắc chứng tự kỷ, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Hiện chương trình đã sản xuất được 26 số. Ý tưởng của Chiến thắng cùng con được đánh giá khá tốt, vì trước nay vấn đề tự kỷ ở trẻ nhỏ thường chỉ được đề cập trong các talk show, chương trình chuyên về y tế, sức khỏe.
MC Quyền Linh trong chương trình Mái ấm gia đình Việt - ẢNH: BEECOM
Bên cạnh niềm vui có thêm một chương trình vì cộng đồng, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đơn vị phối hợp thực hiện - cho biết còn có thêm nỗi trăn trở làm sao để duy trì chương trình dài lâu trong bối cảnh hiện tại. Nỗi lo này hoàn toàn có căn cứ, bởi hàng loạt chương trình trước đó như: Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Ngôi nhà mơ ước, Ước mơ từ làng, Như chưa hề có cuộc chia ly… lần lượt rơi vào khó khăn, hoặc dừng phát sóng hẳn. Trong đó, có những chương trình tồn tại hơn chục năm, từng là niềm tự hào của nhiều đơn vị sản xuất lẫn các đài truyền hình. Còn khán giả, cũng có tiếc nuối, nhưng không thể làm gì hơn.
Hiện vẫn còn một số chương trình thiện nguyện vì cộng đồng được sản xuất như: Hát mãi ước mơ, Tiếng rao 4.0, Mái ấm gia đình Việt, Hát cho ngày mai, Thần tài gõ cửa… MC Quyền Linh chia sẻ: “Số lượng người cần được giúp đỡ hiện tại rất nhiều, đặc biệt sau những khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Số lượng chương trình sẽ không bao giờ đủ, so với số người cần giúp đỡ”. Tuy nhiên, số phận của chúng vẫn là dấu hỏi lớn với các nhà sản xuất (NSX).
Nhiều cái khó
So với các chương trình giải trí, nhóm chương trình này “yếu thế” hơn hẳn trong việc có được khung giờ phát sóng đẹp. Đơn cử như Chiến thắng cùng con, được phát lúc 22g30. Thần tài gõ cửa lên sóng 19g10, còn Hát cho ngày mai là 19g30… Nguyên nhân bởi các chương trình này không có tính thương mại cao, khó thể thu hút quảng cáo, lợi nhuận cho nhà đài.
Nói về trường hợp của Chiến thắng cùng con, đại diện HTV cho biết ban đầu dự định phát vào khung giờ dễ xem hơn, lúc 16g ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Nhưng 2 khung này khó hút quảng cáo hơn so với khung 22g30. Đại diện đài cho biết nếu chương trình có độ lan tỏa tốt, sẽ cố gắng sắp xếp khung giờ tốt hơn trong tương lai.
Điểm khó thứ hai là việc các chương trình này khó thể thay đổi format, hoặc chỉ có thể thay đổi rất ít, bởi đặc thù đối tượng tham gia không giống như các chương trình giải trí. Nghệ sĩ Đình Toàn cho biết thời gian tới, khi sản xuất tiếp tục chương trình Thần tài gõ cửa sẽ có một số điểm mới, nhưng không quá lớn. Anh phân tích, chẳng hạn với Thần tài gõ cửa, đối tượng chính tham gia để nhận được sự hỗ trợ là người khuyết tật. Họ có nhiều vấn đề khác nhau, và đôi khi có sự mặc cảm trong tâm lý, nên việc tiếp cận, nhằm khơi gợi sự chia sẻ từ họ đôi khi rất khó. Trong khi đó, NSX Tiếng rao 4.0 cho biết đặc thù của chương trình là giúp đỡ nhân vật trong hoạt động nghề nghiệp thực tế của họ, nên cũng không thể thay đổi được format.
Vấn đề khó tìm nguồn tài trợ là khó khăn chính của các chương trình. Nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng tình hình kinh tế hiện đang khó khăn, dự kiến còn kéo dài sang năm 2023. Vì thế, việc xin tài trợ càng khó hơn nữa. Chưa kể, nếu các chương trình giải trí chỉ mất kinh phí cho khâu sản xuất, thì các chương trình thiện nguyện lại có thêm khoản hỗ trợ cho nhân vật. Vì thế, nguồn vốn cần để sản xuất tăng lên rất nhiều.
Nghệ sĩ Đình Toàn cho rằng trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp có khả năng sẽ chọn những phương án quảng bá an toàn, phù hợp hơn. Qua thực tế cho thấy, truyền hình cũng không còn là lựa chọn ưu tiên cho chiến lược quảng bá của các doanh nghiệp. Vì vậy khả năng kêu gọi đồng hành, tài trợ có thể càng khó khăn hơn.
Chương trình Tiếng rao 4.0:
Ông Bửu Điền - đại diện NSX Tiếng rao 4.0 - cho biết từ khi bắt đầu sản xuất đã tự sử dụng kinh phí của công ty, nên “vừa co vừa kéo”. Mùa trước, trong mỗi trường hợp, NSX tặng mỗi nhân vật 20 triệu đồng. Nhưng mùa này, vì tình hình khó khăn, nên con số hỗ trợ đã giảm đi một nửa.
Ông cho biết nhiều khán giả gần xa mong chương trình đến với địa phương, nên lần này phạm vi di chuyển mở rộng đến một số tỉnh miền Trung, thay vì chỉ miền Tây, miền Đông như trước. Mỗi số sản xuất, nhân lực lên đến vài chục người, nên kinh phí di chuyển cũng khá tốn kém. Đây là vấn đề NSX khá trăn trở nhưng vẫn cố gắng thực hiện, vì tình cảm yêu mến của khán giả.
Khó khăn bủa vây, nhưng nhiều NSX vẫn cố gắng duy trì sản xuất với mong muốn lan tỏa những điều tích cực. “Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức. Khi cộng đồng còn cần được giúp đỡ, chúng tôi sẽ còn làm, bằng cách này hoặc cách khác. Những điều tốt đẹp nên được tạo cơ hội để tồn tại và phát triển” - MC Quyền Linh nói.