PNO - Từ đầu năm đến nay, màn ảnh nhỏ trình làng khá nhiều chương trình mới về đề tài gia đình như "Cuộc sống tươi đẹp", "Khách sạn 5 sao", "Bật mí bí mật" (VTV), "Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân" (HTV), "Nàng dâu thời nay" (Truyền hình Vĩnh Long)… với nỗ lực tìm cách tiếp cận mới, cách thể hiện mới.
Chương trình Cuộc sống tươi đẹp (18g10 mỗi ngày trên VTV3) hai số phát sóng thứ Bảy, Chủ nhật vừa qua đã ra mắt phiên bản đặc biệt có thêm hai nội dung mới. Đó là sitcom Sao phải xoắn - một phim hài nhắm đến khán giả gen Z - và cuộc thi Nào mình cùng lên tivi, khắc họa những khoảnh khắc thú vị trong gia đình qua những bức ảnh, video clip.
Chương trình Cuộc sống tươi đẹp trên VTV3
Sau một tuần phát sóng, phiên bản đặc biệt của Cuộc sống tươi đẹp đang bắt đầu thu hút người xem bởi cách tiếp cận mới mẻ về đề tài gia đình. Cấu trúc và cách thể hiện chương trình khá phong phú, nhiều chuyên mục có hình thức truyền đạt khác nhau, chẳng hạn bản tin (Chẳng mấy ai để ý), truyền hình thực tế (Lần đầu), phóng sự truyền hình (Chìa khóa hạnh phúc), sitcom (Sao phải xoắn) và cuộc thi (Nào mình cùng lên tivi).
Game show Khách sạn 5 sao (Chủ nhật hằng tuần trên VTV3) thì mới mẻ ở cách xây dựng không gian chương trình như một khách sạn 5 sao, dùng các món ăn để tiếp cận câu chuyện của người chơi. Trên màn ảnh nhỏ phía Nam, chương trình Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân lôi cuốn người xem bằng định dạng truyền hình thực tế và nội dung mới lạ, hé lộ hình ảnh các ông bố nghệ sĩ một mình chăm con. Nàng dâu thời nay (19g15 thứ Năm hằng tuần trên Truyền hình Vĩnh Long 1) kết nối hai người chơi là mẹ chồng - nàng dâu thông qua hình thức game show, thay vì talk show như Mẹ chồng nàng dâu đã làm.
Không chỉ được đầu tư về hình thức, nội dung, mà giờ phát sóng dành cho các chương trình mới về gia đình cũng rơi vào những khung giờ đẹp như 18g, 20g30 hoặc 12g trưa thứ Bảy, Chủ nhật - giờ các gia đình dễ quây quần. Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng - Phó Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí của VTV, cũng là đạo diễn Cuộc sống tươi đẹp - cho biết: “VTV3 được định vị là kênh giải trí dành cho gia đình, nên về cơ bản, các chương trình luôn hướng tới đối tượng này để phục vụ, chứ không chỉ thời điểm nào. Với những chương trình có định vị đặc thù cho khán giả gia đình, thường nhiều nhóm lứa tuổi, nên sẽ có tập khán giả rộng hơn”.
Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân lôi cuốn người xem bằng định dạng và nội dung mới lạ
Đại diện ê-kíp sản xuất Khách sạn 5 sao, biên tập viên Lê Thu Thủy - Trưởng phòng Sáng tạo - Xu hướng của Ban Thanh thiếu niên VTV - có cách lý giải khác về sự nở rộ các chương trình gia đình ở góc độ sản xuất: “Thời gian dài gặp nhiều khó khăn với COVID-19 khiến mọi người nhận ra và trân quý những giá trị tình cảm gia đình, sự sum họp, sự sẻ chia giữa người với người, vì vậy ê-kíp đã nảy ra ý tưởng về một format với nhân vật chính là các gia đình”.
Áp lực sau máy quay
Với một đề tài đã cũ, việc lựa chọn cách tiếp cận, truyền đạt mới mẻ là thách thức không nhỏ với ê-kíp sản xuất. Đạo diễn - nhà báo Lại Bắc Hải Đăng cho biết: “Khi được giao nhiệm vụ xây dựng một khung phát sóng mới với định vị khung giờ cho gia đình, chúng tôi được các lãnh đạo đài đặt ra câu hỏi chương trình sẽ khác gì với các chương trình đã có, về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện? Cuộc sống tươi đẹp đã lên sóng, không hẳn đã tạo ra sự quá khác biệt, nhưng chúng tôi thấy mình đang đi đúng hướng, khi thổi được vào không khí rất gia đình giữa người dẫn chương trình, các nội dung trong các tiểu mục”.
Biên tập viên Lê Thu Thủy chia sẻ: “Sự khác biệt đầu tiên của chương trình đến từ cái tên Khách sạn 5 sao. Thoát khỏi sự chật chội, bí bách về những không gian thường thấy trong các chương trình, Khách sạn 5 sao có một không gian khác biệt với các nhân vật quản lý khách sạn và các quản gia là những người giúp các “khách hàng” trải nghiệm những tình huống bất ngờ.
Khách sạn 5 sao mẻ ở cách xây dựng không gian chương trình
Những người trong cùng một gia đình đôi lúc lại khó có thể chia sẻ với nhau những tâm tư tình cảm của chính mình, vì vậy ê-kíp thiết lập format là những phần khác nhau, mang tính chất gợi mở để đưa đẩy các câu chuyện. Cách tiếp cận bằng các từ khóa để chính xác nhất câu chuyện của nhân vật là khâu khó khăn nhất, vì gia vị chua cay mặn ngọt ở mỗi gia đình rất khác nhau”.
Hướng đến đối tượng gia đình và phần lớn người chơi là khán giả bình thường, nên việc chọn người chơi, chắt lọc những câu chuyện “đắt” cũng khiến những người thực hiện đau đầu. Theo biên tập viên Lê Thu Thủy: “Điều khó khăn nhất của ê-kíp Khách sạn 5 sao là trò chuyện để các nhân vật nhận lời, và phải tìm ra những chi tiết, những câu chuyện chưa từng được nói đến, những sự chia sẻ chân thành về những ký ức cả vui lẫn buồn. Ngoài ra, việc tìm MC cũng không dễ, vì nhân vật người quản lý khách sạn vừa phải thực hiện công việc của một MC là kết nối với khách mời, thì cũng phải kết nối được với hai nhân vật quản gia trong khách sạn. Phải chọn người có đủ sự chân thành để khách mời chia sẻ những câu chuyện của gia đình mình”.
Gameshow Khách sạn 5 sao:
Thoát khỏi hình thức thể hiện nhàm chán, thoát khỏi không gian trường quay bí bách, ưu ái giờ phát sóng… những nỗ lực làm mới từ phía những người làm chương trình cho thấy đề tài gia đình đang được coi trọng hơn, và vẫn còn dư địa để khai thác. Đây là tín hiệu vui, vì các chương trình truyền hình là “thực đơn” không thể thiếu của mọi nhà, và chủ đề gia đình càng là “món ăn” cần thiết. Bởi sau dịch bệnh, ai cũng thấm thía hơn ý nghĩa hai chữ “gia đình”.
Nhà hát Thanh Niên chỉ trình làng 1 vở diễn mới trong mùa tết là "Tung hoàng Pattaya". Vở hài kịch xoay quanh những drag queen người Việt tại Pattaya (Thái Lan).