Chương trình tiếng Anh đắt tiền: Không phải theo học là thành công

17/07/2014 - 19:06

PNO - PN - Sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM tuyên bố ngưng đào tạo chương trình Cambridge, đồng thời chưa triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp do chưa có sự chuẩn bị, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, không ít PH vẫn băn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuong trinh tieng Anh dat tien: Khong phai theo hoc la thanh cong

Một giờ học toán bằng tiếng Anh ở Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1 - Ảnh: Trần Huy.

* Ông Trịnh Quang Đồng, thành viên Hội đồng quản trị hệ thống trường quốc tế Canada: Có nhiều chuẩn tiếng Anh quốc tế

* Khi ngừng tuyển sinh chương trình Cambridge, nhiều PH có nhu cầu cho con học theo chuẩn quốc tế thì nên chọn chương trình nào?

- Chúng ta cần phân biệt giữa chương trình học và bằng cấp. Khi vào các trường đại học (ĐH) quốc tế, ngoài việc phải đạt một chuẩn bằng cấp về tiếng Anh, người học phải có kỹ năng giao tiếp, trình độ tiếng Anh thực chất đủ để hiểu những thuật ngữ chuyên môn. Vì vậy, thứ người học cần trang bị để “ra biển lớn” không chỉ bằng cấp mà là kỹ năng ngôn ngữ thực chất. Thực tế, việc lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không khó như mọi người nghĩ, cuộc thi nào cũng có những khuôn mẫu nhất định. Nhiều người luyện thi ở các trung tâm ngoại ngữ vẫn có thể lấy được chứng chỉ như thường.

Mỗi nước có quy định chuẩn tiếng Anh khác nhau để tiếp nhận học sinh-sinh viên quốc tế, vì vậy, không nhất thiết phải đạt chứng chỉ Cambridge mới được vào ĐH quốc tế. Chẳng hạn, các trường ĐH ở Canada xem xét điểm chương trình phổ thông kèm theo IELTS từ 6.5 cho trường CĐ và 7.0 trở lên để vào trường ĐH; hoặc TOEFL IBT 90-100 điểm. Các trường ĐH tại Mỹ đánh giá theo chuẩn bài thi SAT, thường là từ 1.000 điểm trở lên, muốn vào các trường nổi tiếng như Harvard, MIT phải đạt SAT khoảng 2.200 (tối đa là 2.400 điểm)… Vì vậy, PH có điều kiện có thể cho con học ngoại ngữ ở các trung tâm hoặc trường quốc tế để cọ xát từ khi còn học phổ thông.

* Phải căn cứ vào yếu tố nào để lựa chọn chương trình học tiếng Anh hiệu quả?

- Về bản chất, các chương trình không khác nhau là mấy, chẳng hạn như kiến thức toán tiểu học trong chương trình giáo dục của Canada và của Việt Nam tương thích đến 70%. Sự khác nhau giữa chương trình tiếng Anh quốc tế và chương trình trong nước nằm ở phương pháp giảng dạy. PH vẫn quan niệm bảo thủ theo kiểu phải học tiếng Anh thật sớm ngay từ mẫu giáo, phải học thật nhiều mới giỏi… trong khi phương pháp dạy tiếng Anh trên thế giới là dạy theo tâm sinh lý của đứa trẻ. Trước tuổi đi học, bé đâu có học theo chữ cái A, B, C mà chủ yếu học nghe nói để hiểu, để giao tiếp, sinh hoạt. Ở giai đoạn này, các em đâu cần biết nói phải đúng văn phạm, thậm chí lên đến bậc trung học cũng chưa hoàn chỉnh. Giai đoạn 4-5 năm đầu đời này sẽ tự nhiên hình thành các kỹ năng ngôn ngữ để giao tiếp.

Ở ta, học tiếng Anh không được xem như học sinh ngữ mà được coi như một môn học khiến chương trình học trở nên nặng nề, giáo viên không đạt chuẩn, phương pháp dạy không đúng dẫn đến việc học tiếng Anh rất nặng, nói ra phải đúng văn phạm. Vì thế, thậm chí giáo viên tiếng Anh cũng rất ngại giao tiếp với người nước ngoài vì sợ nói sai. Phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở ta tự tạo áp lực cho người học. Ngay cả sinh viên bản xứ, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, nhưng khi vào ĐH, họ cũng không hiểu được 100% bài giảng đâu, đừng đòi hỏi con em chúng ta học vài năm là giỏi ngay. PH đặt mục tiêu đạt chứng chỉ này, chứng chỉ kia như luyện gà chọi là sai lầm.

* PH buộc con học tiếng Anh phải học sớm, học nhiều, chương trình quốc tế thì mới giỏi, đủ “chuẩn” du học… Quan niệm này đúng hay sai?

- Đúng là học tiếng Anh càng sớm thì càng có nhiều thời gian hơn và ở độ tuổi nhỏ, trẻ dễ bắt chước nên sẽ thuận lợi hơn về phương diện phát âm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cứ trẻ nào học tiếng Anh sớm thì sau này đều giỏi hơn các trẻ học trễ. PH không nên cho con học quá sớm, nhất là khi trẻ chưa có năng lực ngôn ngữ và kinh nghiệm học tiếng Việt.

Không phải tất cả HS học theo chương trình quốc tế và theo chuẩn đầu ra quốc tế thì thành công. Với sự phát triển của công nghệ, việc học tiếng Anh không còn giới hạn trong bốn bức tường của lớp học. Trẻ có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn qua internet, sách báo, ca nhạc, phim ảnh, truyền hình... Chính việc tiếp xúc với môi trường tiếng Anh sẽ giúp cho trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng tốt hơn và tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh sau này.

* Sau khi các trường phổ thông không còn chương trình tiếng Anh “cao cấp”, nhiều PH lo lắng việc học các chương trình thường trong trường phổ thông không đủ chuẩn để HS lấy chứng chỉ quốc tế, hoặc liên thông ra nước ngoài.

- Để du học ở nước ngoài, HS phải đạt được một trình độ tiếng Anh nhất định. Chúng ta cần phải xem các chương trình cao cấp áp dụng tại các trường phổ thông đã đem lại kết quả như thế nào. Không phải chỉ có các chương trình tiếng Anh đắt tiền trong trường phổ thông mới tạo điều kiện cho HS thi các chứng chỉ quốc tế cần thiết. Thực tế hiện nay, nhiều HS sau giờ học vẫn phải đến các trung tâm ngoại ngữ, các lớp luyện thi để chuẩn bị các kỳ thi TOEFL, IELTS, SAT… và cũng không ít HS giỏi nhờ tự học.

* Ông đánh giá như thế nào về chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay (tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo Đề án ngoại ngữ đến 2020…)?

- Để đánh giá một chương trình cần nhiều thời gian và phải có một cái nhìn toàn diện. Việc lựa chọn chương trình áp dụng trong nhà trường phải được thực hiện kỹ lưỡng. Nếu cứ áp dụng chương trình này một thời gian, chưa kịp đánh giá hoặc thấy được kết quả lại chuyển sang một chương trình khác, e rằng sẽ chẳng đem lại kết quả gì.

Sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sử dụng sách giáo khoa do các nhà xuất bản nước ngoài phát hành trong các chương trình tiếng Anh tăng cường hay tự chọn cũng giúp cho HS tiếp cận được với các chuẩn quốc tế và các kỳ thi chứng chỉ quốc tế.

 Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI