Chương trình thơ nhạc “Thành phố này, tôi đến tôi yêu” khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024

24/02/2024 - 14:24

PNO - Sáng 24/2, tại Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật TPHCM, đông đảo quan khách và người yêu thơ đã đến dự chương trình thơ nhạc “Thành phố này, tôi đến tôi yêu” khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 - năm 2024.

 

Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc
Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết năm nay chương trình Ngày thơ do Hội nhà văn TPHCM tổ chức chính thức trở thành một trong những hoạt động của Lễ hội Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam – thuộc những ngày lễ lớn của TPHCM.

Theo nhà văn Bích Ngân, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM được tổ chức như một lễ hội, không phải là sự ưu ái dành riêng cho người làm thơ, mà trực tiếp chứng minh giá trị thi ca song hành cùng thành phố nghĩa tình này.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, khẳng định sức sống thi ca
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, khẳng định giá trị thi ca song hành thành phố nghĩa tình.

“Nếu không có Ngày thơ Việt Nam, chắc chắn các nhà thơ vẫn miệt mài với từng bản thảo của họ. Thế nhưng, khi đã có Ngày thơ Việt Nam, thì câu chuyện thi ca không còn gói gọn trong một lĩnh vực nghệ thuật chuyên biệt nào.

Ngày thơ Việt Nam giúp mỗi suy tư của nhà thơ được cơi nới cảm xúc thẩm mỹ và biên độ cống hiến. Thi ca đi với cuộc sống, thi ca lắng nghe nhịp thở cuộc sống, để mỗi vần điệu xoa dịu từng ngậm ngùi, để mỗi ý tứ chở che từng số phận. Đó là tiêu chí đầu tiên, và cũng là mục đích cuối cùng của Ngày thơ Việt Nam” – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khẳng định.

Trong phong trào đấu tranh đô thị tại miền Nam Việt Nam cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, chàng sinh viên Nguyễn Kim Ngân đã đồng cảm sâu sắc với sự can đảm và lòng yêu thương của người dân Sài Gòn khu vực Bàn Cờ. Bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ” đã ra đời vào hoàn cảnh ấy, và lập tức được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ thành ca khúc cùng tên để theo chân những người Sài Gòn yêu nước đi đến ngày non sông thống nhất.
Ca khúc Người mẹ Bàn Cờ được anh sinh viên Nguyễn Kim Ngân viết thơ và nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc, ra đời trong phong trào đấu tranh đô thị tại miền Nam Việt Nam cuối thập niên 60 của thế kỷ trước.
Ca khúc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ được phổ thơ Nguyễn Nhật Ánh từ những ngày tác giả tham gia lực lượng Thanh niên xung phong.

Tại chương trình, mọi người cũng đã được nghe lại các ca khúc nổi tiếng vốn là thơ được phổ nhạc, như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (thơ: Đăng Trung, nhạc: Cao Việt Bách), Bài ca đất phương Nam (thơ: Lê Giang, nhạc: Lư Nhất Vũ), Người mẹ bàn cờ (thơ Nguyễn Kim Ngân, nhạc: Trần Long Ẩn), Đi trong hương tràm (thơ: Hoài Vũ, nhạc: Thuận Yến), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (thơ: Nguyễn Nhật Ánh, nhạc: Phạm Minh Tuấn)…

Đồng thời nghe chính các nhà thơ ngâm những vần thơ ca ngợi quê hương đất nước.

Nhà thơ Hoài Vũ đọc bài thơ Đi trong hương tràm đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Bài thơ gắn với kỷ niệm những ngày còn chiến đấu của ông, khi nữ chiến sĩ từng chăm sóc ông ở trạm quân y hy sinh vì máy bay Mỹ đuổi bắn.
Trích thơ Dư đồ Tổ quốc của nhà thơ Bảo Định Giang do nhà thơ Phạm Trung Tín ngâm.
Trích thơ Thành phố này, tôi đến tôi yêu của nhà thơ Hải Như do nhà thơ Trần Mai Hường ngâm.

Chương trình Ngày thơ Việt Nam 2024 vẫn giữ những nét đặc trưng: giới thiệu gian lều thơ của 12 câu lạc bộ thơ – lực lượng quan trọng làm nên sắc thái của ngày hội thơ ca hàng năm; con đường thơ - nhạc giới thiệu những bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng; sân thơ trẻ giới thiệu những giọng thơ triển vọng…

Hoạt động tại các lều thơ sôi nổi từ sớm.
Hoạt động tại các lều thơ sôi nổi từ sớm.

Trong khuôn khổ chương trình khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2024, Hội Nhà văn TPHCM cũng đã phát động cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất Phương Nam lần 2 – nối tiếp cuộc thi đã để lại dấu ấn sâu đậm từ trong đại dịch.

Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 24/2 đến ngày 24/11/2024. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước, mỗi bài thơ không dài quá 40 câu (không nhận tác phẩm thể loại trường ca, trào phúng, thơ dịch và phóng tác). Tác phẩm gửi về địa chỉ: nhannghiaphuongnam2@gmail.com. Các tác phẩm chất lượng sẽ được đăng tải trên website Hội Nhà văn TPHCM và chọn in thành sách.

Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được diễn ra vào Ngày thơ Việt Nam năm 2025. Tổng giá trị giải thưởng gần 100 triệu đồng.


Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI