Chương trình thiếu nhi Tuổi thần tiên: “sạch” vẫn thua!

13/07/2013 - 16:28

PNO - PN - Trong khi các sân chơi truyền hình về âm nhạc thiếu nhi, dù bị không ít lời chỉ trích, vẫn “làm mưa làm gió” thì Tuổi thần tiên - một chương trình có chất lượng, được đầu tư tốt, đặc biệt dành riêng cho các khán giả nhí,...

Tuổi thần tiên là một chương trình thuần trẻ em, được dàn dựng công phu, tâm huyết với đội ngũ nghệ sĩ tham gia đông đảo, từng là “món ăn” yêu thích của một thế hệ thiếu nhi ngày nào. Hầu hết các nghệ sĩ như Cẩm Vân, Thanh Thảo, Phương Thanh, Thanh Bạch, Ngọc Giàu… đều rất ủng hộ chương trình, không chỉ bằng lời mà còn bằng cả việc tham gia chỉ với một khoản cát-sê tượng trưng. Thế nhưng, sau vài tuần sáng đèn, chương trình đã phải giảm giá vé xuống 50% mà khán phòng Nhà hát Hòa Bình vẫn trống. Theo thông tin từ ban tổ chức, Tuổi thần tiên đã giảm suất diễn từ hai xuống còn một mỗi tuần và đành kết thúc trước dự kiến, kế hoạch biểu diễn dài hơi xem như gác lại.

Chuong trinh thieu nhi Tuoi than tien: “sach” van thua!

Dù được đầu tư công phu, cộng với tâm huyết của các nghệ sĩ tham gia, nhưng chương trình Tuổi thần tiên sau hơn 10 năm quay lại đã bị thất bại về doanh thu, không thể kéo dài như dự kiến

“Làm chương trình thiếu nhi bây giờ không dễ”, đạo diễn Tất My Loan, người dành rất nhiều tâm huyết cho Tuổi thần tiên thừa nhận. Sự không dễ đó, theo ông, vì nhiều lý do, mà việc quảng bá là điều kiện cần đầu tiên nhưng chương trình đã không làm được. Nhiều khán giả khi đến với chương trình cũng bày tỏ sự tiếc nuối vì không được biết đến chương trình sớm hơn. Ngoài ra, khó khăn còn nằm ở chỗ, trẻ em hiện nay có quá nhiều phương tiện giải trí: các chương trình truyền hình thực tế, các sân chơi miễn phí và cả… Youtube, game. Tuy nhiên, theo đạo diễn Tất Mi Loan, nhu cầu về một chương trình như Tuổi thần tiên là có thật. Do đó, “Chúng tôi không kêu ca mà sẽ nghiêm túc đánh giá lại thất bại này, để tìm ra một món ăn vừa hợp khẩu vị, đồng thời tìm kiếm một “cách ăn” phù hợp”. Không chỉ với nội dung mà còn là cách tiếp cận, bởi “không thể lôi một đứa bé rời khỏi màn hình game, mà phải mang đến cho nó một điều gì đó thích thú hơn game”, ông nói. Phân khúc khán giả trẻ em giờ đã hẹp hơn, không còn trải dài như ngày xưa cũng là một lý do.

Rõ ràng, một “món ăn” nếu chỉ “sạch” thì chưa đủ để tồn tại, mà còn phải hợp “khẩu vị”. Dù dư luận nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng, vẫn phàn nàn về những “món ăn” chứa nhiều tạp chất như các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi hiện nay, thì các chương trình ấy vẫn đang đều đặn thu tiền quảng cáo. Cụ thể như đêm đầu tiên của vòng Đối đầu cuộc thi Giọng hát Việt nhí vừa qua, nhiều khán giả xem truyền hình đã cảm thấy bất nhẫn khi chứng kiến cô bé Hồng Khanh chín tuổi phải “tải” ca khúc Thành thị của tác giả Nguyễn Duy Hùng trong vất vả để rồi bị loại. Việc những đứa trẻ đang trên đỉnh phấn khích bởi những lời tán dương của huấn luyện viên (theo format chương trình, các huấn luyện viên phải hạn chế những nhận xét chê bai), để rồi sau đó bị chính huấn luyện viên đó loại, không phù hợp với tâm lý của trẻ em và phi giáo dục. Đáng buồn, đó vẫn là chương trình “hot”.

“Cái chết” của chương trình Tuổi thần tiên ít nhiều phản ánh một hiện thực bất ổn của bộ mặt giải trí ở phân khúc thị trường dành cho trẻ em: trẻ không đủ sức tự chọn “món ăn” cho mình nhưng không hề có sự trợ giúp nào từ người lớn. Bài toán về giải trí cho thiếu nhi không phải mới được đặt ra, nhưng với tình hình hiện tại, một lời giải phù hợp, e rằng còn ở thì tương lai

 Võ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI