Chương trình sữa học đường: Bổ sung đồng loạt 21 vi chất là thiếu khoa học và lãng phí

23/12/2019 - 09:03

PNO - Nếu bổ sung vi chất dinh dưỡng thì phải bổ sung theo nhu cầu các nhóm trẻ. Việc đưa đại trà 21 vi chất vào sữa học đường không khác gì việc đổ thêm nước vào cánh đồng úng.

Theo Thông tư số 31/2019/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành mới đây, sản phẩm sữa sử dụng trong chương trình Sữa học đường phải đảm bảo bổ sung đủ 21 vi chất. Điều này đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - công tác tại Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, từng có nhiều nghiên cứu và đề xuất về an toàn thực phẩm ở Việt Nam - cho rằng, bổ sung đồng loạt 21 vi chất như trên là cách làm lãng phí, thiếu khoa học.

Chuong trinh sua hoc duong: Bo sung dong loat 21 vi chat la thieu khoa hoc va lang phi
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh

Coi chừng thêm nước vào ruộng ngập
*Phóng viên: Là chuyên gia về thực phẩm và an toàn thực phẩm, theo ông, vì sao phải bổ sung vi chất dinh dưỡng?

-Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh: Nền nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm của các nước giàu phát triển mạnh, còn những nước nghèo thì không có hoặc có ít thịt cá, dùng thực phẩm chủ yếu là rau củ, nhiều tinh bột, nhiều vitamin nhưng thiếu protein nên trẻ không lớn được như khả năng có thể. Đánh giá theo dinh dưỡng học là thiếu protein. Trẻ nhỏ ở nước ta cũng có tình trạng suy dinh dưỡng protein, là do nhiều địa phương còn nghèo. 

Suy dinh dưỡng liên quan đến thiếu vi chất gọi là suy dinh dưỡng vi chất. Những chất này có số lượng rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với chế độ dinh dưỡng của trẻ em; chúng có trong tất cả các loại thực phẩm như trứng, cá, thịt, rau, củ, quả... Người ta còn lấy được các vi chất ấy trong nước uống hằng ngày, như can-xi, ma-giê, kali, phốt-pho...

Tuy nhiên, có một số vùng mà nguồn thực phẩm ở đó không đủ các vi chất, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng liên quan đến các vi chất. Ví dụ, rất nhiều nơi không có thức ăn có chứa đủ i-ốt thì cần bổ sung i-ốt, thiếu sắt thì bổ sung sắt... Có những vùng thiếu cả can-xi nữa. Nhưng cũng có những trường hợp không phải thiếu vi chất trong thực phẩm mà do nhu cầu của con người trong giai đoạn đó tăng thì cơ thể cũng cần nhiều hơn.

Ví dụ, trẻ con đang phát triển thì cần nhiều can-xi, thiếu máu thì cần sắt, bướu cổ là do thiếu i-ốt… Việc thiếu vi chất dinh dưỡng mang tính cá biệt, nhóm trẻ em này thiếu nhóm này, nhóm trẻ khác lại thiếu nhóm kia. Nghĩa là, không phải trẻ nào cũng thiếu đồng loạt vi chất như nhau. 

Chuong trinh sua hoc duong: Bo sung dong loat 21 vi chat la thieu khoa hoc va lang phi
Danh sách 21 vi chất được yêu cầu bổ sung đại trà vào sữa học đường

 * Thông tư số 31/2019/TT-BYT của Bộ Y tế yêu cầu bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường cho đại trà trẻ em cả nước. Quan điểm của ông về việc bổ sung đại trà này?

- Nếu bổ sung vi chất dinh dưỡng thì phải bổ sung theo nhu cầu các nhóm trẻ. Bổ sung đại trà thì có những trẻ sẽ thừa vi chất. Vì vậy, riêng với vi chất dinh dưỡng, phải nghiên cứu theo nhóm phát triển của từng vùng địa lý. Và sản phẩm bổ sung để tăng thêm những chất A thì chỉ nên cung cấp cho nhóm A, trên bao bì cũng cần ghi sản phẩm này bổ sung chất A hay B và chỉ sử dụng cho nhóm trẻ em ở vùng này. Những sản phẩm bổ sung nhóm chất C, D chẳng hạn, thì sử dụng cho trẻ em vùng khác. 

Có nghĩa là, cần phải nghiên cứu trên cơ sở phân vùng địa lý, mới sản xuất ra được loại sữa gọi là sữa công thức. Sữa công thức không cung cấp đại trà, mà cung cấp theo nhóm, mang tính đặc thù. Bổ sung đồng loạt 21 vi chất để đưa vào sữa thương mại là không đúng, vì sẽ có trường hợp thừa vẫn thừa, mà thiếu vẫn thiếu. Nên chia thành hai nhóm: nhóm suy dinh dưỡng protein thì có sữa thương mại ngoài thị trường, vậy là đủ, không cần bổ sung vi chất gì cả.

Giải pháp là cấp tiền cho phụ huynh của những đứa trẻ suy dinh dưỡng protein để mua sữa hoặc cung cấp sữa cho các cháu uống trong một thời gian nhất định để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng protein. 

Còn với suy dinh dưỡng vi chất, cần phải nghiên cứu một cách đầy đủ để bổ sung chất cho nhóm trẻ nhất định. Hãy hình dung, việc bổ sung các nhóm vi chất giống như việc làm đồng, có chỗ hạn hán, không có giọt nước nào, có chỗ không thừa cũng không thiếu nước, chỗ khác lại úng do quá nhiều nước. Vậy thì phải mang nước tới nơi không có nước và duy trì ổn định ở nơi không thừa không thiếu, còn những chỗ ngập úng thì tìm cách rút bớt nước đi, chứ không ai lại đổ thêm nước vào. 

Việc đưa đại trà 21 vi chất vào sữa học đường không khác gì việc đổ thêm nước vào cánh đồng úng. Do đó, việc bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng một cách đại trà như trên là không đúng, không cần thiết. 

Chỉ định thầu kiểu… dân gian

* Những văn bản kiến nghị tiền hậu bất nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cộng với việc chưa có đề tài nghiên cứu quy mô, đã có quyết định bổ sung đồng loạt 21 vi chất vào sữa học đường khiến không ít người nghi ngờ về lợi ích nhóm. Ông nghĩ gì về mối nghi ngờ này? 

- Theo tôi, đó là một cách suy luận. Ta không thể xét đến yếu tố lợi nhuận, lợi ích nhóm ở đây vội, vì ta cần thêm bằng chứng cho việc này, nếu có thể. Nhưng, có một điều mà tôi khẳng định lại: bổ sung đại trà 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa là thiếu khoa học và không cần thiết.

Muốn bổ sung các chất dinh dưỡng thì cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra công thức, và để các doanh nghiệp sữa đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu thì đưa các chất bổ sung đó vào, tôi chấp nhận. Nhưng, anh đã bán ra thị trường như sản phẩm thương mại thì phải hướng dẫn người tiêu dùng cẩn thận để phụ huynh mua cho con em mình loại sữa phù hợp với nhu cầu của trẻ. Chỉ định thầu theo kiểu ngày xưa vua Hùng bảo “ai muốn làm rể vua thì mang voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến” thì chỉ có ông Sơn Tinh trúng thầu thôi! 

* Theo ông, bổ sung 21 vi chất dinh dưỡng vào sữa có nguy hiểm như lo lắng của không ít phụ huynh không? 

- Vấn đề là, trẻ con không phải chỉ uống sữa mới có vi chất đó. Tất cả các vi chất đều có sẵn trong thực phẩm, thừa vi chất cũng không gây tai hại, nhưng vô ích (thừa thì cơ thể sẽ thải ra). Sữa thì tính bằng lít, nhưng vi chất tính bằng miligam, mà giá của vi chất là rất đắt. Chưa kể, về vị giác, uống sữa có bổ sung vi chất hay không bổ sung vi chất cũng không khác gì nhau, nên về cảm quan, không thể biết là sữa đó có được bổ sung vi chất hay không.

Từ trước đến nay, Viện Dinh dưỡng nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của con người Việt Nam ở diện rộng chứ không riêng gì sữa. Bây giờ, viện này nghiên cứu và nói cần đưa 21 vi chất vào sữa thì phải trả lời được câu hỏi: trẻ em đang thiếu chất gì, vi chất gì ở từng vùng địa lý; nhóm trẻ mẫu giáo cần bổ sung chất gì, tiểu học thiếu chất gì, thậm chí là trẻ trai và trẻ gái cũng có sự khác nhau về nhu cầu chất cần bổ sung. Trả lời được hết thì mới giải quyết được vấn đề, đúng mục tiêu và không lãng phí. 

* Xin cảm ơn phó giáo sư. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI