Tận dụng mọi thứ có sẵn
Chương trình “Thành phố 18h” được phát trực tuyến trên 10 fanpage như Thành Đoàn TP.HCM; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM; Nhà văn hóa (NVH) Thanh niên TP.HCM… mỗi thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần với ba nội dung chính: Kết nối chia sẻ; Từ nơi tuyến đầu và Lan tỏa năng lượng tích cực.
Hai MC tại trường quay ở NVH Thanh niên TP.HCM kết nối với khách mời từ xa. Một số ít người sắp xếp được sẽ đến đây ghi hình. Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp nhiều nhà hát trên cả nước tổ chức được ba số phát sóng chương trình nghệ thuật trên kênh YouTube Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam. Tại đây khán giả có thể nghe hát chèo, thưởng thức âm nhạc hiện đại, hay trải lòng với cải lương, kịch nói.
Chương trình ca nhạc “Sing for Life, Sing for Love” cũng đã có ba số phát sóng. Hôm 27/8, minishow “F0 không cô đơn” cũng được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên các nền tảng YouTube, Facebook… kéo dài khoảng 90 phút. Đêm nhạc “Vững tâm vượt qua đại dịch” diễn ra tối 8/8 là sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ như: nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân, nghệ sĩ xẩm Thu Phương, ca sĩ, nhạc sĩ Sỹ Luân…
Hầu hết các chương trình thời điểm này đều được chuẩn bị, thực hiện trong thời gian gấp rút. Ca sĩ Cẩm Vân cho biết khi nhận lời tham gia “Thành phố 18h”, chị chỉ thống nhất tiết mục với ban nhạc và trình diễn, không tập luyện hay tổng duyệt. Ca sĩ Phương Thanh, vừa hoàn thành việc phát gạo từ thiện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đã lao ngay đến địa điểm ghi hình.
Chương trình “Cảm ơn những điều phi thường” diễn ra với khoảng 20 nghệ sĩ tham gia. MC Liêu Hà Trinh cho biết từ khâu ý tưởng đến khi chương trình ra đời là khoảng một tuần, trong khi những chương trình có số lượng lớn nghệ sĩ tham gia nếu tổ chức theo điều kiện thông thường phải mất ít nhất một đến hai tháng chuẩn bị. Chị và hai thành viên đã dành ba ngày để xây dựng kịch bản, tìm tư liệu… Đạo diễn Ngãi Võ và một số thành viên khác tìm hình ảnh, nguồn clip, hoàn thiện khung chương trình cũng trong ba ngày. Ê-kíp có một buổi tổng duyệt online.
Ông Trần Thành Trung (T Production) người cùng quản lý sản xuất “Thành phố 18h” cho biết từ thời điểm lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thành số phát sóng đầu tiên chỉ trong 10 ngày. Đạo cụ sử dụng trong chương trình đều tận dụng từ các nguồn có sẵn. Các ê-kíp đều phải giảm tối đa nhân lực để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Vì thế, áp lực đặt lên vai đội ngũ sản xuất khá nặng, chưa kể có những thành viên còn làm tình nguyện viên chống dịch nữa nên hạn hẹp về thời gian.
Vì đều được thực hiện trực tuyến, nên tín hiệu đường truyền, chất lượng âm thanh, hình ảnh luôn là vấn đề nan giải. Hầu hết đều từng gặp sự cố từ nhỏ đến lớn, thậm chí bị đứt đoạn chương trình. “Mỗi chương trình đều là thử thách, chúng tôi đều đã vượt qua. Nhìn ở mặt tích cực, đây cũng là cơ hội để chúng tôi học thêm nhiều kỹ năng mới trong việc sản xuất. Khi mọi hoạt động trở lại bình thường, mọi người có thể sản xuất một chương trình trực tuyến dễ dàng, khi đã nắm được đường dây, phương thức”, MC Liêu Hà Trinh chia sẻ.
Ông Trần Thành Trung nói thêm: “Điều vui nhất là mỗi chương trình đều thể hiện sự đồng lòng, chung sức của các nghệ sĩ với xã hội. Hầu hết các khâu đều được hỗ trợ, nên chi phí sản xuất “rẻ bất ngờ”, thậm chí chỉ 0 đồng”.
Niềm vui và những con số biết nói
Bỏ qua những khó khăn, trở ngại, nghệ sĩ vẫn “cháy” hết mình với khán giả. Tiếng hát của Phương Thanh qua hàng loạt ca khúc đình đám thập niên 1990 trong “Thành phố 18h” như truyền lửa cho người nghe, được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, hội nhóm. Đây cũng là dịp khán giả được trải nghiệm với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống qua kênh Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam. Mới nhất, nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú khi xem tiết mục Thị Mầu lên chùa do nghệ sĩ Lệ Thu, nghệ sĩ Trang Nhung (Nhà hát Chèo Việt Nam) biểu diễn.
Khi làng giải trí đang gần như bị “đóng băng” vì dịch, những chương trình này đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, xoa dịu phần nào tâm lý căng thẳng trong dịch bệnh. Nhưng ý nghĩa của những chương trình dã chiến không dừng ở đây.
Sau ba tập, “Sing for Life, Sing for Love” thu về hơn 1,6 tỷ đồng, bao gồm hiện vật, tiền mặt và 20.000 khẩu trang. Trong đó, 315 triệu đồng, 20.000 khẩu trang N95 thu về trong tập 1 đã được chuyển cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Số tiền còn lại dùng để mua 1.000 túi quà an sinh cho lao động tự do tại Hà Nội; trao 11 suất quà (3 triệu đồng/suất) cho 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho y bác sĩ, tuyến đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện K Tân Triều… Ngoài sự đóng góp của mạnh thường quân, mỗi lượt chia sẻ của khán giả xem chương trình đã góp thêm 10.000 đồng cho quỹ trong mỗi tập phát sóng.
Chương trình “Thành phố 18h” đã vận động được 150 mạnh thường quân bảo trợ cho hơn 400 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì COVID-19. Chương trình cũng vận động mạnh thường quân, nghệ sĩ… hỗ trợ cho những người lao động xa quê, hiện đã trao hơn 2.200 phần quà, gồm nhu yếu phẩm, có thể dùng trong một tuần với gia đình có từ hai đến ba thành viên.
Chương trình “Cảm ơn những điều phi thường” diễn ra trong hơn hai giờ thu về gần 2 tỷ đồng hiện kim và hiện vật trị giá gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, bao gồm: găng tay, khẩu trang, nước sát khuẩn… Chương trình “Chia sẻ để gần nhau hơn” kêu gọi sự ủng hộ của mạnh thường quân cho quỹ vắc-xin COVID-19 tại địa chỉ https://quyvacxincovid19.gov.vn, nhằm giúp bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.
COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, nhưng tình thương, sự quan tâm của mọi người dành cho nhau còn đậm đà hơn. Những con số trong các chương trình nghệ thuật đặc biệt những ngày này đã nói thay rất nhiều điều về sự quan tâm, sẻ chia vốn là bản chất từ muôn đời nay của người Việt Nam.
“Trong khó khăn, tình người vẫn là điều đẹp đẽ nhất giúp chúng ta vượt gian nan”, MC Liêu Hà Trinh nói.
Trung Sơn
|
Chương trình “Thành phố 18h” |
|
Chương trình “Cảm ơn những điều phi thường” |