Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

12/12/2024 - 20:09

PNO - “Bài ca không quên” là chương trình hòa nhạc đặc biệt được tổ chức từ năm 2014, vào đúng ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam 22/12 hàng năm. Năm nay, chương trình đến TPHCM với quy mô đặc biệt nhân kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam.

Thành phần sáng tạo của chương trình Bài ca không quên 2024.
Thành phần sáng tạo của chương trình Bài ca không quên 2024

Chương trình do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức tại trung tâm giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1) trong 2 ngày 21 và 22/12 với nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024).

Trong đó, tâm điểm là chương trình hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên với chủ đề Vì nhân dân quên mình vào tối 22/12.

Đại tá Trịnh Tùng Lâm (phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội), tổng đạo diễn chương trình
Đại tá Trịnh Tùng Lâm - tổng đạo diễn - thông tin về chương trình tại TPHCM

Đại tá Trịnh Tùng Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, tổng đạo diễn chương trình - cho biết, qua 10 năm tổ chức, chương trình hòa nhạc Bài ca không quên đã trở thành món quà ý nghĩa tri ân quân đội ta. Lần này, ở lần thứ 10 tổ chức và ngay cột mốc 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chương trình mong muốn tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng. Vì thế, lần đầu tiên, chương trình được tổ chức ở ngoài trời và có sự kết hợp giữa hòa nhạc lẫn dàn dựng sân khấu thực cảnh.

Theo thông tin từ ban tổ chức, sân khấu chính được đặt tại công viên Lam Sơn có chiều ngang lên đến 55m. Ngoài các không gian thực cảnh, sân khấu còn áp dụng các kỹ thuật hiện đại nhất để tạo hiệu ứng đặc biệt.

Phối cảnh sân khấu chính tại công viên Lam Sơn.
Phối cảnh sân khấu biểu diễn chính tại công viên Lam Sơn

Chương trình gồm 3 chương (thời lượng 120 phút): Tổ quốc trong tim (những bản hùng ca tạo nên giá trị lịch sử của QĐND Việt Nam); Bài ca không quên (tri ân những đóng góp và hy sinh to lớn của quân đội ta trong các cuộc kháng chiến, đồng thời tôn vinh giá trị, đóng góp của bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới); và Vì Nhân dân quên mình (khẳng định những giá trị trường tồn và khát vọng đổi mới vươn lên sánh vai cùng cường quốc năm châu của QĐND Việt Nam trong kỷ nguyên mới). Trong đó, các phần trình diễn kết hợp giữa những ca khúc cách mạng bất hủ được chuyển thể theo phong cách hòa nhạc đương đại bán cổ điển (Symphony Orchestra), cùng các màn tái hiện sinh động những khoảnh khắc lịch sử hào hùng.

Nhà sản xuất Nguyễn Anh Vũ chia sẻ về quy mô sân khấu.
Giám đốc dự án Nguyễn Anh Vũ chia sẻ về quy mô sân khấu. Ngoài sân khấu, ban tổ chức cũng bố trí 10 màn hình led cỡ lớn để phục vụ người dân và du khách đến xem chương trình.

Điểm nhấn nổi bật là dàn nhạc lớn với hơn 100 nhạc công, sử dụng rất nhiều nhạc cụ đa dạng phong cách. “Dàn nhạc được dàn dựng sao cho nhìn vào có vẻ như một dàn nhạc giao hưởng nhưng thực tế không phải. Chỉ một nửa là dàn nhạc giao hưởng, nửa còn lại là dàn nhạc jazz và rock để có thể thay đổi phong cách liên tục. Trong dàn nhạc có sự tổng hòa rất nhiều nhạc cụ phong cách khác nhau - như dàn nhạc dây, nhạc kèn cổ điển, dàn kèn đồng, có ban nhạc rock, ban nhạc nhẹ, có nhạc cụ gõ dân tộc… - nhưng cùng kể một câu chuyện chung là lịch sử 80 năm hào hùng của QĐND Việt Nam” - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - giám đốc âm nhạc chương trình - chia sẻ.

Ê-kíp sáng tạo chương trình
Ê kíp sáng tạo chia sẻ thông tin về chương trình cũng như các biện pháp an ninh đảm bảo cho sự kiện dự kiến thu hút hơn 20.000 người tham dự

Tham gia thành phần sáng tạo, còn có nhiều cái tên uy tín, như: nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (chỉ huy dàn nhạc), nhạc sĩ Đạt Kìm - giám đốc nghệ thuật, tiến sĩ - đạo diễn Phạm Ngọc Hiền - đạo diễn dàn dựng.

Cùng sự góp mặt của: nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hạnh Thúy, NSƯT Thế Vĩ, NSƯT Khánh Ngọc, NSƯT Phương Anh, các ca sĩ Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh, Phạm Trang, Hoàng Hồng Ngọc, Viết Danh, nhóm MTV, nhóm 135…; nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền, dàn nhạc giao hưởng tại TPHCM, dàn hợp xướng Sài Gòn Choice, dàn nhạc Sài Gòn Winds, các ban nhạc đến từ Hà Nội… Ngoài ra, còn có sự tham gia trình diễn của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, vũ công các chiến sĩ, sinh viên, đoàn viên thanh niên TPHCM…

Phối cảnh khu vực trình chiếu phim tài liệu và video clip về 80 năm lịch sử QĐND Việt Nam.
Phối cảnh khu vực trình chiếu phim tài liệu và video clip về 80 năm lịch sử QĐND Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình, trong 2 ngày 21 và 22/12, còn diễn ra hoạt động giới thiệu và chiếu phim tài liệu, video clip về 80 năm thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Các hoạt động được tổ chức bằng hình thức công nghệ số, tương tác trên hệ sinh thái truyền thông số thông qua cụm hệ thống màn hình led, quét mã QR code.

Trước chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên, diễn ra lễ dâng hương, dâng hoa lên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI