PNO - Ngày 5/4 tại tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng dân tộc - Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo "Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".
Theo ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là khu vực quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa lý, chính trị và quân sự hết sức quan trọng. Khu vực này gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với diện tích tự nhiên 39.700km2, chiếm 11,2% diện tích cả nước. Dân số khu vực có khoảng 17,2 triệu người, gồm 4 thành phần dân tộc chính: Kinh, Kh'mer, Hoa, Chăm. Trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có hơn 1,3 triệu người, chiếm 7,58% dân số toàn vùng.
Đây là vùng có đóng góp 31,37% GDP ngành nông nghiệp, hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì hội thảo
Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 88 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội ban hành Nghị quyết 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội, thực hiện vai trò "Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước". Việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo bước ngoặt, đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Đây cũng là động lực to lớn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của cả nước.
Cũng theo Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời khẳng định được vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước, góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn phát triển chưa tương xứng. Giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào việc tăng diện tích canh tác, tăng vụ. Sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững.
Đặc biệt, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề như: 1,8% số hộ chưa được sử dụng điện; 2,5% số xã chưa có đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm huyện; 5,8% xã có trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; 8,6% trường học, 10,6% lớp học chưa được xây dựng kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo còn 12,3%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Kh'mer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng Việt; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ… Đây là những khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ trong Chương trình mục tiêu quốc gia tới đây.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, so với yêu cầu của Quốc hội đặt ra là triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021, thì tiến độ triển khai chậm, đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân được nguồn vốn, trong khi nhiều chính sách dân tộc đã hết hiệu lực...
"Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, phát huy được tiềm năng lợi thế so sánh, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng này", ông Trần Thanh Mẫn nói.
Trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng tiến độ triển khai chậm, đến nay vẫn chưa thực hiện giải ngân được nguồn vốn, trong khi nhiều chính sách dân tộc đã hết hiệu lực, một số chính sách khác được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội thảo nhằm thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác phối hợp của các bộ, ngành chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa, khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản để hướng dẫn, quản lý, điều hành và các điều kiện cần thiết để giải ngân nguồn vốn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác bổ sung cho chương trình để việc triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả hoàn thành mục tiêu đề ra theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.
Cạnh đó, đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để phát triển vùng đất giàu tiềm năng này. Phát huy tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng có của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực để phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn, bảo đảm tất cả các xã, thôn có đường giao thông đi lại cả hai mùa, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu. Tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số. Giải quyết vấn đề thủy lợi, hỗ trợ cây và con giống, làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và phát triển công nghiệp, dịch vụ bảo đảm thị trường, đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số...
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.