Chương trình mới sắp triển khai, giáo viên vẫn chưa biết gì

02/12/2019 - 07:33

PNO - Chỉ còn khoảng nửa năm, chương trình mới đã phải “chạy” từ lớp Một nhưng hiện tại, giáo viên tiểu học vẫn chưa biết sẽ như thế nào.

Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức áp dụng từ lớp Một. Các cấp học tiếp theo sẽ được thực hiện cuốn chiếu qua từng năm. Như vậy, chỉ còn khoảng nửa năm, chương trình mới đã phải “chạy” nhưng hiện tại, giáo viên tiểu học vẫn chưa biết sẽ như thế nào.

Chưa thấy diện mạo sách giáo khoa

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chỉ mới vừa công bố 32 sách giáo khoa (SGK) được phê duyệt thuộc 5 bộ SGK. Trong đó, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có bốn bộ (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. 32 sách này thuộc tám môn/hoạt động giáo dục, riêng SGK tiếng Anh vẫn chưa có. 

Theo các giáo viên, người trực tiếp áp dụng SGK mới, từ khi công bố đến khi SGK được đến tay giáo viên còn cả một quy trình dài: lựa chọn sách, tập huấn, lên tiết thử… nhưng thời gian còn lại khá eo hẹp. Một giáo viên tiểu học tại Q.5, TP.HCM cho biết: “Tôi chưa biết năm tới sẽ dạy như thế nào vì bây giờ chưa nắm gì hết, chưa nhìn thấy diện mạo của cuốn SGK ra sao”.

Chuong trinh moi sap trien khai, giao vien van chua biet gi
Các bộ sách giáo khoa do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn - Ảnh: Trương Mẫn

Ngay cả lãnh đạo nhiều trường tiểu học vẫn chưa diện kiến đầy đủ 32 cuốn SGK. Và càng không biết sẽ lựa chọn như thế nào vì Luật Giáo dục sửa đổi đến tháng 7/2020 mới có hiệu lực, khi đó UBND tỉnh sẽ ra quyết định.

“Vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn chọn sách từ Bộ GD-ĐT. Riêng chuyện các khối trưởng, giáo viên đọc hết 32 sách để so sánh, đối chiếu, bàn luận để chọn sách phù hợp nhất đã cần một khoảng thời gian dài…”, lãnh đạo một trường tiểu học tại Vĩnh Long cho hay. 

Quả thật, từ trước đến nay, một quy trình rất quan trọng luôn được ngành giáo dục làm rất qua loa đó là tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Ở các nước, giáo viên sẽ được tạo cơ hội học tập nghiệp vụ, chuyên môn thường xuyên nhưng ở ta, chuyện quan trọng này chỉ thực hiện cấp tập trong hai tuần hè. 

TP.HCM chọn sách giáo khoa như  thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, việc lựa chọn sách cho năm học tới phải thực hiện trước tháng 3/2020 để kịp cho công tác tập huấn. Bộ GD-ĐT chỉ đạo việc chọn lựa SGK cho học sinh lớp Một năm học tới sẽ do các trường thực hiện theo Nghị quyết 88.

Như vậy, hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp Một sau khi tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên và theo hướng dẫn về việc chọn lựa SGK của Bộ GD-ĐT. Các trường học phải mua cho tủ sách dùng chung và giáo viên đọc hết các bộ sách để tham mưu việc lựa chọn. 

Trước lo lắng về những bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau, ông Hiếu cho rằng: “Các trường không kiểm tra kiến thức cụ thể trong một bộ sách nào mà kiểm tra đánh giá năng lực học sinh.

Vì vậy, lựa chọn học sách nào thì giáo viên cũng phải tham khảo nhiều đầu sách khác trong các bộ sách đã được thẩm định, kết hợp các tài liệu tham khảo để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất, phù hợp với từng đối tượng học sinh của mình”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để việc lựa chọn SGK được chính xác, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện dạy học ở từng địa phương thì thông tin về SGK đến các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và người dân phải đầy đủ, chính xác, được công khai rộng rãi. Bộ GD-ĐT cũng cần công bố công khai biên bản thẩm định đối với các SGK. 

Theo các giáo viên, bộ cần công khai bản thảo SGK trên mạng vì chỉ khi được tiếp cận sách thì mới có ý kiến xác đáng. Hội đồng chọn sách phải được tham khảo ý kiến từ nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ lệ thuộc ý chí của một số người trong hội đồng. 

Đủ thứ để lo

Giáo viên trực tiếp đứng lớp còn đang mù mờ với chương trình mới thì nhà quản lý giáo dục ở các địa phương phải “đau đầu” với những thứ vĩ mô hơn cần phải lo. Chỗ học, cơ sở vật chất, giáo viên… “rờ” tới chỗ nào, thiếu chỗ đó. 

Năm học 2019-2020, Q.12 có nhu cầu tuyển 11 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ có ba ứng viên trúng tuyển. Sau đó, có một người không nhận nhiệm sở. “Thầy cô dạy tiếng Anh có xu hướng không trúng tuyển bậc THCS, THPT mới thi tuyển vào tiểu học. Nhưng họ không có ý định gắn bó lâu dài mà chờ cơ hội tốt hơn”, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận này, cho biết. 

H.Bình Chánh cũng luôn trong tình trạng khan hiếm giáo viên tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc… Năm nào cũng thông báo tuyển dụng nhưng thiếu ứng viên đăng ký. Huyện này còn đối diện với khó khăn khi áp dụng dạy hai buổi/ngày cho học sinh tiểu học. Các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B gặp áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ có thể dạy một buổi/ngày. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết, tỷ lệ học sinh lớp Một được học hai buổi/ngày toàn quận mới chỉ đạt 49%. Để thực hiện yêu cầu 100% học sinh được học hai buổi/ngày theo chương trình mới là thách thức vô cùng lớn. Tương tự, tỷ lệ học sinh được học hai buổi/ngày của Q.12 còn “bết” hơn khi chỉ đạt 20,2%. 

Để giải quyết tạm thời khó khăn này, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trước mắt, các quận, huyện có kế hoạch, lộ trình đảm bảo 100% học sinh khối Một được học hai buổi/ngày vào năm học tới, kết hợp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tiếp tục thực hiện cuốn chiếu đối với các khối lớp còn lại trong những năm học sau. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm, thực hiện đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”...

Có thể thấy, đó là khó khăn của TP.HCM - một thành phố lớn có tốc độ phát triển hệ thống trường lớp thuộc hàng nhanh nhất cả nước. Thế còn các địa phương khác, nhất là vùng sâu vùng xa sẽ “chạy” như thế nào để kịp tiến độ áp dụng chương trình mới khi mà rất nhiều thứ còn ngổn ngang?

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI